Mua sữa xách tay: Nhiều rủi ro

28/02/2009 12:49 GMT+7

Sữa giả, sữa dỏm được đóng gói tinh vi, người tiêu dùng rất khó phát hiện. Nếu lỡ mua nhầm sữa xách tay có vấn đề, sẽ không biết kêu ai.

Hàng loạt sự cố liên quan đến chất lượng sữa trong thời gian gần đây như sữa nhiễm melamine, không đủ độ đạm... khiến người tiêu dùng, nhất là các bà mẹ nuôi con nhỏ, hoang mang. Nhiều người rỉ tai nhau tìm mua sữa xách tay với hy vọng hàng xách tay từ nước ngoài về chất lượng sẽ tốt hơn. Tuy vậy, họ không biết rằng đây là những mặt hàng “ngoài tầm kiểm soát” và rủi ro mua nhầm hàng kém chất lượng với giá cao chót vót là rất lớn.

Rao bán ở chợ, trên mạng... đầy rẫy

Nghe tôi nói con gái mình suy dinh dưỡng nặng, kén ăn, uống sữa hay bị đầy bụng, chủ một cửa hàng sữa trên đường Nguyễn Thông (quận 3 - TPHCM) nhanh nhảu: “Vậy em mua sữa Enfamilk cho bé uống đi. Sữa này xách tay từ Mỹ về, chỉ sản xuất để bán cho trẻ em Mỹ uống nên giá hơi cao, 600.000 đồng/hộp gần 700 g nhưng tốt gấp mấy lần hàng Enfa bán tại Việt Nam. Nhiều người cũng có con suy dinh dưỡng, mua một lần cả chục hộp để dành uống từ từ”. Khảo sát một vòng quanh các cửa hàng sữa, chúng tôi nhận thấy hầu như nơi nào cũng có sữa xách tay. Bán chạy nhất hiện nay là sữa S26 (của hãng New Zealand Milk) được quảng cáo là hàng của Mỹ, Úc, Singapore..., sữa PediaSure (của hãng Abbott) giá gần 400.000 đồng/hộp. Ngoài ra, còn có sữa Meiji, Morinaga, Wakodo của Nhật và một số nhãn hiệu của Đức, Anh...

Nên mua sữa có nguồn gốc rõ ràng

Theo các bác sĩ, với bất kỳ loại sữa nào, trước khi sử dụng phải đọc kỹ hướng dẫn ghi trên vỏ hộp để tránh tình trạng hướng dẫn một đằng, sử dụng một nẻo. Sữa xách tay không có nhãn phụ bằng tiếng Việt trong khi không phải ai cũng có thể đọc và hiểu tiếng Anh, Đức, Nhật... Khi mua sữa xách tay, phải chú ý các thông tin về công ty sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, đăng ký theo quy định của nước sản xuất. Không nên dùng sữa xách tay của những hãng lạ, không tên tuổi. Tốt nhất là các bà mẹ trẻ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để chọn sữa phù hợp cho con, mua sữa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Sữa xách tay còn được bán nhiều trên các diễn đàn, website mua bán với đủ nguồn gốc, kèm theo số điện thoại liên lạc, người mua tha hồ lựa chọn. Nhiều đầu mối chuyên cung cấp sữa xách tay ở Hà Nội còn gửi hàng theo đường tàu lửa vào TPHCM, giá mềm hơn khoảng 20.000 đồng/hộp, muốn mua bao nhiêu cũng có.

Chất lượng không ai kiểm soát

Theo lý giải của những người bán hàng, sữa xách tay chủ yếu do các tiếp viên hàng không, du khách đi du lịch nước ngoài mang về nên bảo đảm chất lượng. Người tiêu dùng do không tin tưởng chất lượng sữa trong nước đã chọn mua sữa xách tay và trở thành “tín đồ” của mặt hàng này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về sữa, hàng xách tay không được kiểm tra trước khi ra thị trường nên không thể kiểm soát được chất lượng, điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm... Nguy cơ hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái rất cao.

Thử liên lạc với Công ty Mead Johnson Việt Nam để tìm hiểu về sữa Enfamilk, đại diện công ty này cho biết công ty không nhập khẩu và phân phối sản phẩm này tại Việt Nam nên Mead Johnson không thể bảo đảm về chất lượng, hạn sử dụng của sản phẩm và từ chối cung cấp thông tin về sản phẩm này với lý do sản phẩm ngoài tầm kiểm soát của Mead Johnson Việt Nam nên công ty cần thời gian tìm hiểu...

Theo đại diện một công ty chuyên nhập khẩu và phân phối sữa khá lớn tại TPHCM, sữa xách tay là mặt hàng ngoài luồng nên các công ty nhập khẩu, phân phối sữa không quan tâm, mặc dù đó là sản phẩm của cùng tập đoàn sản xuất. Và do ngoài luồng nên không có gì để bảo đảm chất lượng, độ an toàn vệ sinh của sản phẩm. Nếu sữa xách tay là hàng chính hãng 100% thì không có vấn đề gì nhưng nếu mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng thì... tiền mất tật mang.

Các nhà chuyên môn cũng cho biết: Rất khó nhận ra sữa giả. Cách làm giả dễ nhất là dùng bao bì thật đựng sữa giả, sữa kém chất lượng. Người làm hàng giả có thể mua bao bì, vỏ hộp sữa thật đã qua sử dụng về tân trang, đổ sữa dỏm vào rồi đóng hộp nên nhìn bên ngoài rất khó phát hiện. Với những nhà chuyên môn, cũng chỉ đến khi mở nắp hộp, quan sát màu sắc, mùi vị sữa mới phân biệt được (sữa không tơi, không vàng và không thơm như sữa thật). Ngoài ra, không loại trừ khả năng sữa xách tay mang nhãn mác châu u, Mỹ, Nhật, in toàn tiếng Anh nhưng được sản xuất và xách tay từ... Trung Quốc về.

Bác sĩ Nguyễn Lân Đính, chuyên gia dinh dưỡng có nhiều kinh nghiệm chăm sóc dinh dưỡng trẻ em, cho rằng ngay cả khi mua sữa xách tay thật, rủi ro cũng có thể xảy ra. Do sữa dành cho trẻ em thường béo, dễ bị ôxy hóa nếu gặp nhiệt độ cao hoặc điều kiện bảo quản không phù hợp, sữa dễ hư hỏng, biến chất.

Theo Đông Nghi / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.