"Sao chị cân chung thịt trâu với thịt bò vậy?". "Ủa, thì từ trước đến giờ thịt trâu, bò thường bán lộn xộn với nhau mà" - một chị tiểu thương kinh doanh thịt bò ở khu vực chợ An Lạc (Q.6) đã giật mình trả lời như thế khi bị chúng tôi phát hiện chị bán thịt trâu lẫn với thịt bò. "Chúng tôi đâu muốn lừa người mua nhưng thật sự hầu hết mọi người đều muốn ăn thịt bò chứ không thích ăn thịt trâu, trong khi thịt bò đâu đủ bán. Thậm chí có người còn cho rằng ăn thịt trâu... bị phong nên nghe nói đến thịt trâu là "một đi không trở lại" thì làm sao chúng tôi dám nói thật". Chị tiểu thương trên đã thiệt tình cho biết như vậy. Và đó là lý do mà loại thịt đỏ trên các quầy ở các chợ, nhất là các chợ nhỏ bao giờ cũng được người bán giới thiệu là thịt bò. Chiều 18/5, chúng tôi đã đi một vòng chợ Nguyễn Thái Bình (Q.1, TP.HCM) để hỏi mua thịt trâu, câu trả lời của các chị tiểu thương ở đây là "Tui chỉ bán thịt bò, cả chợ này không có ai bán thịt trâu đâu". Có chị còn ái ngại hỏi: "Sao không mua thịt bò cho ngon mà đi mua thịt trâu?". Ở một số chợ khác, tình hình cũng tương tự. Một số bà nội trợ đang đi chợ mà chúng tôi gặp cũng cho biết họ không bao giờ mua thịt trâu. Tuy nhiên khi hỏi về cách phân biệt thịt trâu với thịt bò thì nhiều người lúng túng, chỉ có thể cho biết chung chung là "thịt trâu đen chứ không đỏ như thịt bò, thịt trâu... ăn dai hơn...", có người không trả lời được vì... "chưa bao giờ nhìn thấy thịt trâu".
Thực tế là lượng thịt trâu và bò tính chung đang về chợ Phạm Văn Hai khoảng 17 tấn/đêm, chợ An Lạc khoảng 0,5 tấn/đêm. Đây là hai điểm tập kết, phân phối thịt trâu và bò cho cả TP.HCM. Ông Nguyễn Văn Đức - Phó giám đốc Công ty Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, cách đây vài năm, trong số thịt tiêu thụ trên thị trường, thịt trâu luôn chiếm khoảng 60 - 70%. Hiện tỷ lệ này thay đổi nghiêng về phía thịt bò. Riêng tại các siêu thị, Vissan đang cung cấp khoảng 0,7 tấn thịt trâu và 9 tấn thịt bò/ngày. Còn chị Lan - một tiểu thương kinh doanh lâu năm, uy tín tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) khẳng định tỷ
Theo lương y Huỳnh Văn Quang (Hội Đông y Q.5, TP.HCM): Thịt trâu có giá trị dinh dưỡng gần giống thịt bò. Thịt trâu có vị ngọt, tính hơi hàn (lạnh), không độc như nhiều người thường nghĩ, có tác dụng bổ khí huyết, mạnh gân cốt... Theo đông y, thịt trâu có thể chữa được chứng phong thấp sưng tê; chứng đau lưng; phù chân... Thịt bò có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ tỳ vị, ích khí huyết, mạnh gân cốt. Thịt bò trị được chứng hư lao gầy mòn; cơ thể suy yếu; lưng, đùi yếu mỏi... |
Theo nhiều chuyên gia dinh dưỡng thì giá trị dinh dưỡng của thịt trâu, sữa trâu không thua kém gì sữa bò, thịt bò. Thịt trâu cũng không gây bệnh phong cho người ăn như nhiều người lầm tưởng mà ngược lại, ăn thịt trâu chữa được nhiều bệnh trong đó có bệnh phong thấp. Tuy nhiên, vấn đề là giá thịt trâu rẻ hơn thịt bò nhưng do tình trạng bán lẫn lộn hai loại thịt này trên thị trường nên người tiêu dùng đang phải mua thịt trâu với giá thịt bò. Hiện tại một số siêu thị, giá thịt trâu (đùi) khoảng 60.000đ/kg; bò (đùi) khoảng 95.000đ/kg. Tuy nhiên tại các chợ thì hầu hết thịt trâu được bán lẫn lộn với thịt bò, với... "danh nghĩa" thịt bò.
Nguyên nhân của tình trạng này là nhu cầu tiêu thụ thịt bò ngày càng cao, lượng thịt bò trên thị trường hiện nay không đủ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhiều tiểu thương ở hai chợ đầu mối Phạm Văn Hai và An Lạc cho biết thịt trâu và bò về chợ chỉ phân phối cho bạn hàng ở các chợ lẻ trong vòng một tiếng đồng hồ là hết, không bao giờ ế. Nhu cầu thì cao như vậy trong khi việc phân biệt thịt trâu với thịt bò không phải dễ. Theo một cán bộ Ban Quản lý chợ Phạm Văn Hai, đặc điểm dễ nhận thấy là thịt trâu có màu đỏ thẫm, còn thịt bò có màu đỏ tươi; thớ thịt trâu to hơn thớ thịt bò; mỡ trâu màu trắng, mỡ bò màu vàng; thịt bò có mùi đặc trưng. Tuy nhiên, các đặc điểm này vẫn có thể bị một số tiểu thương "vô hiệu hóa” bằng cách "hóa trang" cho thịt trâu như bôi màu lên mỡ trâu, thoa mỡ bò lên thịt trâu để tạo mùi...
Theo Công ty Vissan và một số cán bộ ban quản lý chợ, tình trạng này sẽ giảm trong thời gian tới do người tiêu dùng ngày càng hiểu hơn về việc giá trị dinh dưỡng của thịt trâu không thua kém gì thịt bò trong khi giá thịt trâu lại rẻ hơn nhiều so với thịt bò. Nguồn cung thịt trâu hiện chủ yếu từ Long An, một số tỉnh miền Trung và được nhập về từ Campuchia. Sắp tới Vissan sẽ nhập thịt trâu tươi từ Ấn Độ về cung cấp cho thị trường.
Cẩm Nhi - Mai Phương
Bình luận (0)