|
Đặc sản mùa vía Bà
Mùa trâm hằng năm bắt đầu từ lúc những cơn mưa đầu mùa rớt hạt và chấm dứt sau ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, đây cũng là thời điểm diễn ra lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam (TP.Châu Đốc) nên nhiều người gọi trái trâm là đặc sản mùa vía Bà. Vào những ngày này, trâm được bày bán khắp các nẻo đường phố núi, nhất là tại các khu du lịch, công viên, sân chùa…
Trái trâm nhỏ hơi dài, khi sống màu xanh, già màu đỏ tươi và lúc chín chuyển sang màu tím đen. Trâm chín đen bóng, no tròn, mọng nước, ăn vào có vị chua chua, ngọt ngọt và hơi chát; trái càng đen càng ngọt. Hột trâm khá to nên người ăn chỉ thưởng thức được phần thịt bên ngoài. Sau khi dùng trái trâm, người ăn không giấu được vì trên môi để lại màu tím. Nhiều người mua trái trâm về rửa sạch, ướp chung với đường và muối ớt rồi cho vào tủ lạnh để dành ăn cả tuần vẫn thấy ngon.
Người dân địa phương không ai biết nguồn gốc của cây trâm. Một số vị cao niên thì cho rằng cây trâm Núi Tô có mặt ít nhất cũng hơn trăm năm vì khi họ chào đời đã có cây trâm. Theo họ, có thể trâm là một loại cây rừng mọc tự nhiên. Lại có ý kiến cho rằng loài cây này do con người trồng, vì đa số đều mọc thành hàng trên bờ đê và những nơi cao ráo giữa đồng.
Ông Chau m, trưởng ấp Tô Thuận (xã Núi Tô), cho biết đa số cây trâm đều mọc trên bờ ruộng. Chúng chiến thắng được lũ lụt mà cũng chịu hạn hán rất tốt. Theo thời gian, đến bây giờ có nhiều gốc cây trâm to 2 người ôm, lá xanh mướt quanh năm giống như những cây dù khổng lồ trên vùng núi.
|
Món quà của thiên nhiên
Cây trâm sinh trưởng hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên nên được xem là món quà của thiên nhiên ban tặng cho người dân xứ núi. Hằng năm, cứ đến mùa trâm, đồng bào Khmer tập trung hái trái từ sáng đến chiều. Tuy không tốn công chăm sóc nhưng khâu hái trái cũng khá vất vả. Người hái phải trèo lên cao chót vót hái từng trái, từng chùm, người giỏi cũng chỉ hái khoảng 20 - 30 kg/ngày. Chị Néang Chep, ở ấp Tô Trung (xã Núi Tô), cho biết gia đình chị có 3 gốc trâm cổ thụ, bình quân mỗi ngày hái trên 15 kg trái, giá bán dao động từ 15.000 - 25.000 đồng/kg. Một gia đình có từ 5 -10 gốc trâm, mỗi năm thu nhập hàng chục triệu đồng.
Trâm hái xong nếu số lượng nhiều thì giao cho thương lái, còn ít có thể bán tại chỗ cho khách du lịch. Anh Trần Quốc Vũ, một thương lái, cho biết vào những ngày cao điểm, anh thu mua trên 300 kg trái trâm để giao lại cho bạn hàng và bán sang Vương quốc Campuchia. Tuy “vườn ai nấy bán” nhưng ở Núi Tô có một quy định bất thành văn: “Mỗi lần đến mùa trâm, các thương lái thường đặt cọc với các chủ vườn theo giá thỏa thuận để sau này không giành mối hoặc ép giá. Đối với người bán, mặc dù có người trả giá cao hơn, họ cũng giữ chữ tín, không làm trái với hợp đồng”.
Tuy là loài cây rừng mộc mạc, hoang dã, hiệu quả kinh tế không bằng thốt nốt nhưng với những cư dân vùng Bảy Núi, cây trâm gắn liền với tuổi thơ. Và cứ mỗi mùa trâm, hồn quê như được dịp lan tỏa, không chỉ góp phần giữ gìn một nét gì đó rất riêng của vùng Bảy Núi mà còn mang lại một nguồn thu để nhiều hộ nghèo cải thiện cuộc sống.
Thiên Lộc
Bình luận