Ở Mỹ: Vào đêm trung thu, toàn bộ dân Mỹ đều ra đường đứng, ngước mắt lên trời để ngắm trăng bởi có rất nhiều người quanh năm không thấy chị Hằng. Cả thành phố đều cúp điện. Bởi không ai nhìn xuống nên bọn trộm thường ra tay khoắng những đồ đạc dưới đất. Để tránh tình trạng này, người ta đứng luôn lên những món có giá trị. Chính vì thế hàng hóa ở Mỹ nổi tiếng to và bền và cũng chính vì thế, thần Tự Do vừa nhìn lên vừa giơ cao bó đuốc bởi những thứ ở trên cao khó bị mất.
Ở Pháp: Đêm trung thu, tất cả dân Pháp đều uống rượu vang và ăn pho-mát, giống hệt như ăn bánh nướng, bánh dẻo ở ta. Do học Việt Nam, đã có pho-mát nhân vi cá, nhân gà quay lạp xưởng. Điều đặc biệt là ai mua về cũng mang biếu kẻ khác rồi chờ kẻ khác biếu mình mới có ăn cho nên sát đến giờ trung thu, cả nước Pháp đều kẹt xe hơi bởi ai cũng chạy đi biếu đồ ngoài đường. Chính bởi lý do đó, nước Pháp mới tổ chức ra giải đua xe đạp danh tiếng nhằm làm giảm kẹt xe trong dịp lễ trung thu.
Ở Anh: Dân Anh gia đình nào cũng sắm bánh trung thu trong nhà, nhưng tất cả đều chờ Hoàng gia ăn rồi mới ăn. Do vậy, đã từng xảy ra trường hợp một đám cưới Hoàng gia tổ chức đúng đêm trung thu, mọi người ăn đủ thứ bánh không còn sức nữa và bánh trung thu giữ nguyên. Thế là năm ấy, toàn bộ bánh của nước Anh trong mọi gia đình đều không ai dám nếm, tất cả các bánh đều đưa vào bảo tàng.
Ở Trung Quốc: Người Trung Quốc có tục lệ ăn bánh trung thu cổ, nghĩa là theo họ, bánh để càng lâu càng sang. Những gia đình giàu có vì thế ăn những bánh trung thu có lúc để lâu tới vài thế kỷ. Phần lớn ai thành đạt đều ăn thứ bánh hơn cả tuổi của mình. Ở Trung Quốc vì thế bánh mới ra lò là bánh đại hạ giá.
Ở Đức: Dân Đức cực kỳ chính xác, nên mỗi bánh trung thu đều đề trọng lượng cụ thể. Ví dụ như trọng lượng 251,3 gr, nhân bao gồm mười bốn hạt sen, trong đó có một hạt bị sâu và hai cọng vi cá từ hai con cá đã từng bơi ở đâu, đã nuốt gì trước khi bị bắt và đã bị chặt vi bằng loại dao nào. Do đó, mỗi chiếc bánh trung thu ở Đức phải kèm theo một bản lý lịch dài ngoằng, đọc xong có khi trăng đã lặn. Trẻ con ở Đức vì thế mỗi Tết Trung thu đều muốn ra nước ngoài ăn bánh cho nhanh. Nhưng cha mẹ chúng không đồng ý. Theo họ, không thể bỏ vào mồm một thứ gì nếu không hiểu rõ.
Ở Cuba: Dân Cuba ăn bánh trung thu không theo lối thông thường mà họ nhồi bánh chưa nướng vào xì-gà, sau đó châm lửa hút, khi thuốc tàn thì bánh cũng chín. Vì thế, vào đêm đó, mồm ai cũng ngậm năm bảy điếu thuốc, hút cho đến mức cả thành phố sáng rực.
Ở Campuchia: Người Campuchia ăn trung thu vào hai thời điểm: lúc trăng sáng nhất và lúc trăng tối nhất. Họ cũng ăn hai loại bánh: một có nhân bò cạp và một có nhân châu chấu nên trẻ con ở đây đứa nào cũng có răng chắc khỏe vì được rèn luyện bằng cách nhai bánh trung thu cứng như sắt. Ngoài bánh ra, họ còn một món gọi là “mắm trung thu” rất thơm ngon làm từ quả thốt nốt.
Ở Tây Ban Nha: Đêm trung thu ai cũng trồng cây chuối ngoài đường, do đó muốn nhìn thấy trăng phải nhìn qua một chậu nước để dưới đất. Nước càng trong trăng càng sáng nên vào ngày đó tất cả nước tinh khiết đều bán hết sạch. Lúc trăng lên, ai cũng nhảy múa, vẫn ở tư thế chân chổng lên trời. Chân của toàn dân đều dẻo, đấy là lý do các cầu thủ Tây Ban Nha giành chức vô địch bóng đá thế giới.
Ở Đan Mạch: Đêm trung thu, toàn dân Đan Mạch đều ngồi trong nhà nghe kể chuyện cổ tích. Câu đầu tiên bao giờ cũng là “Ngày xửa, ngày xưa, có một ông vua...”. Đến nỗi trẻ con Đan Mạch học thuộc lòng. Đi du lịch nước khác, nhìn bất kỳ cái gì xưa, chúng cũng hỏi ngay: Vua ở đâu?
Lê Hoàng
Bình luận (0)