Mưa và hoa và nhạc sĩ Hà Phương

27/10/2013 09:35 GMT+7

Có một nhạc sĩ già, đang sống ở Mỹ Tho - Tiền Giang. Qua hơn nửa thế kỷ sáng tác, số tác phẩm của ông tuy không nhiều nhưng “quý hồ tinh bất quý hồ đa” - đó là những ca khúc khiến người ta phải nhớ đời…

Có một nhạc sĩ già, đang sống ở Mỹ Tho - Tiền Giang. Qua hơn nửa thế kỷ sáng tác, số tác phẩm của ông tuy không nhiều nhưng “quý hồ tinh bất quý hồ đa” - đó là những ca khúc khiến người ta phải nhớ đời…

 
Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mới đây, trong đám giỗ 5 năm của nhà văn Sơn Nam tại TP.Mỹ Tho (Tiền Giang), chủ nhà có giới thiệu: “Nhạc sĩ Hà Phương sẽ hát một ca khúc do mình sáng tác trước năm 1975, bài Mùa mưa đi qua”. Rồi một người ôm cây đàn guitar đứng lên, ông có dáng to lớn lực lưỡng, tuổi tuy đã ngoài thất thập nhưng trông vẫn còn phong độ, đặc biệt là giọng hát - có vẻ như thời gian không mấy tác động đến chất giọng thiên phú, truyền cảm của ông: Tôi dìu em về, đường về nhà em qua phiến lá xanh xao. Con đường buồn hun hút mắt em sâu, mưa nhạt mưa nhòa, mưa đổ mưa ngâu... Tuy phục giọng hát của ông nhưng về tác giả thì người viết có chỗ ngờ ngợ, bèn nói thầm với chủ nhà: “Bản Mùa mưa đi qua là của Du Uyên chứ!”. Chủ nhà hứa sẽ hỏi lại… Ít lâu sau chủ nhà gọi điện thoại xác nhận Mùa mưa đi qua đúng là của Du Uyên, nhưng Du Uyên là một bút danh khác của Hà Phương và cho tôi số điện thoại của nhạc sĩ.

Thế rồi chúng tôi gặp nhau, tôi gọi ông bằng “anh”, ông kêu tôi bằng “chú”. Ông tên thật là Dương Văn Lắm, sinh năm 1938 tại Chợ Gạo (Bến Tre). Tuổi thơ của ông theo gia đình dịch chuyển nhiều nơi, có lúc lên Sài Gòn và may mắn được học nhạc với nhạc sĩ Lâm Tuyền. 19 tuổi, ông sáng tác ca khúc đầu tay Đường khuya với bút danh Hà Phương - cái tên hình thành từ cuộc sống “rày đây, mai đó” của mình. Từ đó, cái tên Hà Phương luôn gắn bó với sự nghiệp sáng tác hơn nửa thế kỷ của ông. Chỉ trừ một lần ông ký tên Du Uyên như đã nói. Hóa ra, bút danh này được tách ra từ tên người yêu đầu đời của ông: Duyên… Càng ngạc nhiên hơn khi biết ngoài Mùa mưa đi qua, Hà Phương còn là tác giả của Mưa đêm tỉnh lẻ - ca khúc mà một thời chúng tôi thường ngâm nga: Trời đổ mưa, cho phố vắng mênh mông, khơi lòng bao nỗi nhớ. Trời làm mưa, cho ướt áo em thơ, mưa rơi tự bao giờ. Tình yêu đó, phôi pha vào sương gió. Những đêm mưa tỉnh nhỏ, gợi nhớ tuổi học trò, tâm tình thường hay ngỏ. Trường tan về chung phố những lúc trời chiều đổ mưa... Ông tâm sự: “Tình yêu đầu đời là những kỷ niệm sâu sắc. Đó là những đêm trên sân khấu tôi đệm đàn cho nàng hát tình khúc do tôi sáng tác. Sau đó, hai đứa dìu nhau dưới những đêm mưa buồn nơi tỉnh lẻ, ánh đèn mờ ảo, phố vắng thưa người… Ôi nhớ sao là nhớ!”.

 

Tôi chỉ viết được vài chục bài nhưng mỗi ca khúc viết ra đều thể hiện được điều mình muốn gửi gắm nên dù viết ít, vẫn được mọi người mến mộ, yêu thích

NS Hà Phương

Có lẽ “mưa và hoa” đã như một đề tài định mệnh gắn bó với những sáng tác của Hà Phương, mưa rơi trong tác phẩm đầu tay: Đường về mưa rơi lạnh buốt. Ngại ngùng chân ai nhịp bước. Mưa ơi thấu chăng nỗi buồn... (Đường khuya, 1957), hoa cũng có mặt trong giai đoạn này khi ông phổ nhạc bài thơ bất hủ của T.T.KH Hai sắc hoa Ti gôn, rồi tiếp tục là Mưa trên phố vắng, Tình mùa hoa phượng… Đó là những nhạc phẩm ông viết trước năm 1975.

Sau một thời gian dài tạm quên đi chuyện nghệ thuật để xoay sở mưu sinh, mãi đến những năm 1990 Hà Phương mới sáng tác trở lại. Đó là giai đoạn ông cùng người bạn thân là nhạc sĩ Thanh Sơn được Trung tâm băng nhạc Vafaco mời về hợp tác. Ông bộc bạch: “Kể từ đó chúng tôi chuyển sang viết ca khúc mang đậm phong cách dân ca Nam bộ và cho ra đời những ca khúc Bông điên điển, Em về Miệt Thứ, Nhớ đất quê, Chiều mưa qua sông, Đồng sâu xứ lạ, Bông lục bình, Chuyện tình hoa cát đằng... Điều đó cũng phù hợp với tâm tư, tình cảm dành cho quê hương miền Tây, nơi mà chúng tôi lớn lên bên dòng sông, bến nước thấm đẫm những câu hò điệu lý, những làn điệu dân ca đã nuôi nấng tâm hồn chúng tôi. Mỗi ca khúc ra đời là sự thật phát xuất từ tâm hồn do thường xuyên lang bạt, gắn bó với miền đất phương Nam: Láng Linh, An Giang bạt ngàn bông điên điển với bóng hình những cô gái chèo xuồng hái bông đẹp làm sao. Có những đêm nơi Miệt Thứ, Cạnh Đền mà những sinh hoạt về đêm đều diễn ra trong mùng bò (mùng lớn) mới tránh khỏi muỗi đốt…”.

Thật vậy, những ca sĩ chuyên hát dòng nhạc trữ tình, âm hưởng dân ca Nam bộ như: Hương Lan, Phi Nhung, Cẩm Ly, Hương Thủy, Bích Tuyền… hiện nay đều rất thích thể hiện những ca khúc của Hà Phương. Mảng ca khúc này không chỉ thành công trong nước mà còn nhanh chóng lan tỏa ra cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, và đã để lại trong ông những kỷ niệm ngọt ngào. Ông kể: “Năm 2009, gia đình sa sút, tôi rời bỏ Mỹ Tho về quê vợ, một xã xa xôi hẻo lánh thuộc tỉnh Bến Tre. Vậy mà, ca sĩ Trường Vũ từ Mỹ về vẫn lặn lội tìm thăm, bởi ở Mỹ anh hát rất thành công bài Mưa đêm tỉnh nhỏ. Sau đó, ca sĩ Phi Nhung cũng từ Mỹ về gặp tôi nói lời cám ơn, vì cô cũng đã nổi tiếng qua bài Bông điên điển...”. Đây cũng là niềm động viên ấm áp cho những nghệ sĩ miệt mài sáng tác như ông: “Tôi chỉ viết được vài chục bài nhưng mỗi ca khúc viết ra đều thể hiện được điều mình muốn gửi gắm nên dù viết ít, vẫn được mọi người mến mộ, yêu thích. Tuy nhiên, dù sao tôi vẫn tâm đắc với những ca khúc Mùa mưa đi qua, Mưa đêm tỉnh nhỏ hơn vì nó thể hiện được tâm trạng, tiếng lòng thời trai trẻ và làm sống lại kỷ niệm về những cuộc tình trong quá khứ nhưng vẫn luôn hiện hữu trong tôi.

Đò đưa bến khác và 2 nàng tên hoa

Riêng với ca khúc Đò đưa bến khác, thì ông kể cho tôi nghe cái xuất xứ rất thú vị. Số là dạo đó, chàng nhạc sĩ hào hoa đã “trồng cây si” trước cổng ngôi trường có một cô giáo rất xinh. Nàng tên Mỹ Hoa. Mỹ Hoa có một cô bạn thân tên là Huỳnh Hoa. Thấy chàng cuồng si quá, nên Huỳnh Hoa làm bài thơ Đò đưa bến khác với những câu: Cây đa tung gốc trôi rồi/Đò đưa bến khác anh ngồi trông ai?... Nhìn hoa theo nước xuôi dòng/Những chiều đứng lặng bờ sông mong đò..., và nhờ Mỹ Hoa trao lại cho chàng. Xúc động, chàng đã phổ nhạc bài thơ và gửi tặng cả hai. Ít lâu sau, chàng mới vỡ lẽ ra rằng, Mỹ Hoa sắp lên xe hoa với một sĩ quan và bài thơ ấy như là một sự thương hại, ái ngại của cô bạn kia dành cho chàng trai. Qua những quan tâm an ủi, săn sóc của Huỳnh Hoa, dần dần giữa họ nảy sinh tình cảm và chàng trai đã quên luôn người kia. Huỳnh Hoa trở thành “bà xã” của nhạc sĩ Hà Phương, nay đã lên chức bà nội của 2 đứa nhỏ.

Hà Đình Nguyên

>> Nhạc sĩ Giáng Son làm giám khảo 'Ngôi sao trẻ
>> Nhạc sĩ Dương Thụ 'mơ một giấc mơ
>> Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9: 'Thấy buồn và quá mệt mỏi
>> Nhạc sĩ Phú Quang: “Nhạc của tôi đến với nhiều lứa tuổi khác nhau”
>> Nhạc sĩ Hoài Sa: 'Chỉ có duy nhất Thu Minh trên đời này
>> Nhóm Bee.T bật khóc cảm ơn nhạc sĩ Phương Uyên
>> Quốc ca ra đời trong sự kỳ lạ của nhạc sĩ Văn Cao  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.