Mùa 'vàng trắng' ở Tây Bắc

Đình Phú
Đình Phú
05/06/2022 12:07 GMT+7

Sau 15 năm thực hiện chủ trương của Trung ương về việc đưa cây cao su lên miền núi Tây Bắc, đến nay hàng chục ngàn hec ta cao su do VRG chủ trì đầu tư đã cho khai thác mủ với năng suất tốt.

Tây Bắc có địa hình đồi núi, khí hậu rất đặc thù. Trong quá trình phát triển cây cao su ở Tây Bắc, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) liên tục cải tiến nguồn giống để thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết của vùng núi cao. Đến nay, cây cao su đã phát triển xanh tốt trên những ngọn đồi núi cao Tây Bắc và đã đến thời kỳ thu hoạch từ 3 - 4 năm qua

ĐÌNH PHÚ

VRG có 9 đơn vị thành viên phát triển vùng nguyên cao su ở vùng Tây Bắc, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lượt lao động, với mức thu nhập trên dưới 5 triệu đồng/người/tháng. Khoảng 95% công nhân lao động tại các nông trường cao su ở Tây Bắc là đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú, Mông... Từ tập quán canh tác nông nghiệp lạc hậu, nhiều đồng bào dần đã thuần thục tác phong công nghiệp

ĐÌNH PHÚ

Cùng với sự đầu tư vốn của VRG và các đơn vị thành viên, nhất là sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền địa phương, các vùng nguyên liệu cao su ở Tây Bắc hình thành từ việc góp đất của đồng bào. Khi các vườn cao su phát triển, những công nhân là người đồng bào ở Tây Bắc được giao khoán chăm sóc, thu hoạch mủ với thu nhập ổn định. Lợi tức từ vườn cao su còn được VRG chia thêm 10% cho các hộ gia đình đồng bào góp đất

ĐÌNH PHÚ

Ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên... thuộc vùng Tây Bắc, có những cặp vợ chồng đều là công nhân cao su. Mùa cạo mủ cao su thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 12 hằng năm (từ tháng 1 đến tháng 3 là mùa cao su thay lá, chỉ chăm bón, không thu hoạch mủ). Do vậy, công việc có thu nhập tiền lương của họ ổn định quanh năm. Vòng đời trồng, khai thác mủ của cây cao su kéo dài khoảng 30 năm đã tạo công ăn việc làm lâu dài cho đồng bào, nhờ đó điều kiện kinh tế của nhiều gia đình đổi thay tích cực

ĐÌNH PHÚ

Công nhân cao su của Công ty CP cao su Sơn La (tỉnh Sơn La). Công ty này thuộc VRG đã phát triển được gần 6.000 ha cao su, phần lớn đã đến kỳ thu hoạch. Năm 2021, công ty khai thác được sản lượng hơn 4.712 tấn, năng suất đạt 1,09 tấn/ha, doanh thu hơn 188 tỉ đồng, lợi nhuận 22,5 tỉ đồng. Từ 2007 đến nay, công ty giải quyết việc làm cho gần 50.000 lượt lao động là người đồng bào

ĐÌNH PHÚ

Công nhân Cà Thị Phương, 40 tuổi, là 1 trong số hơn 1.000 lao động là người đồng bào của Công ty CP cao su Điện Biên (thuộc VRG). Chị Phương tham gia trồng cao su từ 2009, đã được đóng bảo hiểm xã hội 8 năm qua. Chị được giao quản lý, khai thác khoảng 3 ha cao su, thu nhập bình quân khoảng gần 6 triệu đồng/tháng. Chị Phương và gia đình ở xã Mường Pồn, H.Điện Biên (Điện Biên). Xã Mường Pồn thu ngân sách trên địa bàn năm 2021 khoảng 35 triệu đồng

ĐÌNH PHÚ

Nhà máy chế biển mủ cao su của Công ty CP cao su Sơn La, đặt tại xã Tông Lạnh, H.Thuận Châu (Sơn La) có công suất chế biến 6.000 tấn mủ cao su/năm. Đây là nhà máy duy nhất ở địa bàn xã Tông Lạnh, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động là người đồng bào. Đang mùa cạo mủ, các vườn cao su cho năng suất tốt nên nguyên liệu nhà máy khá dồi dào, hoạt động hết công suất

ĐÌNH PHÚ

Từ thành công bước đầu của Nhà máy chế biến mủ cao su tại xã Tông Lạnh, H.Thuận Châu (Sơn La) của Công ty CP cao su Sơn La, đứng chân ở tỉnh lân cận là Điện Biên, Công ty CP cao su Điện Biên đã có kế hoạch xây dựng nhà máy công suất 6.000 ha để chế biến mủ cao su trong những năm tới, góp phần tạo công ăn việc làm cho đồng bào ở địa phương. Năm 2021, Công ty CP cao su Sơn La khai thác được 3.610 tấn mủ, năng suất 1,3 tấn/ha, doanh thu hơn 126 tỉ đồng, lợi nhuận hơn 16 tỉ đồng

ĐÌNH PHÚ

Tại các địa bàn cao su đứng chân, VRG còn đầu tư cơ sở trường học cho con em đồng bào, trong đó có con em của công nhân lao động ngành cao su. Trong ảnh là trường mầm non do Công ty CP cao su Sơn La (thuộc VRG) đầu tư xây dựng tại xã Chiềng Bằng, H.Quỳnh Nhai (Sơn La). Đang mùa hè nên các em học sinh không đến trường học

Bản Tin Tốc, xã Mường Pồn, H.Điện Biên (tỉnh Điện Biên) trước đây là bản nghèo nhất xã Mường Pồn. Bản hiện có 53/64 hộ của bản tham gia làm cao su. Nhờ thu nhập ổn định từ tiền lương và tiền chia lợi tức góp đất trồng cao su (đã cho thu hoạch mủ) nên điều kiện kinh tế nhiều gia đình đã cải thiện, xây dựng nhà ở khang trang, kiên cố. Trong ảnh là nhà của vợ chồng ông Lò Văn Một và bà Quàng Thị Ding ở bản Tin Tốc. Ông Một và bà Ding đều là công nhân cao su của Công ty CP cao su Điện Biên

ĐÌNH PHÚ

Trong ảnh là công nhân Ngần Văn Bảy, 32 tuổi, ở bản Khoan, xã Chiềng Bằng, H.Quỳnh Nhai (Sơn La). Anh Bảy làm công nhân cao su từ 2008, ngay từ những ngày đầu phát dọn mặt bằng gieo giống cao su. Cũng như hàng ngàn công nhân là người đồng bào ở Tây Bắc, anh Bảy được Công ty CP cao su Sơn La cho vay vốn nuôi thêm trâu bò. Anh đang có 2 con trâu (khoảng gần 60 triệu/con) và 1 con bò (khoảng gần 20 triệu/con). Ngôi nhà sàn của anh rộng 5 gian, là nơi sinh hoạt khá đầy đủ tiện nghi cho cả gia đình

ĐÌNH PHÚ

Ở các vùng nguyên liệu cao su, VRG và các đơn vị thành viên còn đầu tư điện, đường, trạm..., góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng ở địa bàn cao su đứng chân. Trong ảnh là công nhân cao su Công ty CP cao su Điện Biên đi làm về trên đường bê tông. Đường bê tông này còn giúp việc vận chuyển mủ cao su được thuận lợi hơn so với đường đất trơn trượt vào mùa mưa

ĐÌNH PHÚ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.