Các nhà đầu tư vàng tài khoản đều "cảm thấy" có gì đó khuất tất, mờ ám nhưng cụ thể là gì thì "bó tay". Bởi "số phận" những lệnh mua - bán của họ được quyết định bởi bàn tay của một "siêu trộm" bí ẩn do các chủ sàn tạo ra mà họ không hề biết.
Sàn vàng chính thức đóng cửa, sàn lậu không bỏ lỡ cơ hội |
đào ngọc thạch |
Những cú twist "cháy" tài khoản
Những bảng hiệu được gỡ xuống, nhà đầu tư lo tất toán trạng thái cuối cùng và thanh lý hợp đồng, nhân viên sàn vàng thu dọn tài liệu, bàn ghế còn các ông chủ thì tiếc hùi hụi cơ hội kiếm tiền như nước... Đó là ngày 30.3.2010, ngày chính thức khép lại một thời sôi động của sàn vàng theo quyết định của Chính phủ. Nhưng gần 12 năm kể từ thời điểm đó, có hàng trăm sàn vàng lậu đã được mở ra, lôi kéo hàng ngàn, hàng vạn nhà đầu tư vào canh đỏ - đen sát phạt. Một điểm chung của cả sàn vàng chính thức và sàn lậu là các nhà đầu tư luôn gặp những cú twist (điểm ngoặt) biến họ trở thành bại tướng ngay tại thời điểm mà họ chắc mẩm đã "kiếm bẫm". Đơn cử chiều 21.2.2008, đúng vào thời điểm sôi động nhất, hệ thống giao dịch tại Trung tâm giao dịch vàng Sài Gòn của Ngân hàng Á Châu (ACB) đột nhiên chập chờn khiến lệnh của nhà đầu tư bị kẹt gần 2 giờ liền. Mạng thì "đột nhiên" nhưng lệnh bị khớp lại chỉ theo chiều hướng duy nhất, đó là bất lợi cho nhà đầu tư. Nhìn lại lịch sử những lần bị sự cố, một người có tài khoản tại sàn này đúc kết, hệ thống giao dịch của sàn ACB thường xuyên trục trặc vào những lúc thị trường biến thiên thuận tiện cho nhà đầu tư lướt sóng. Tương tự, một cú twist kinh điển mà giới đầu tư vàng tài khoản không thể nào quên đó là vụ tranh chấp 1,7 tỉ đồng giữa nhà đầu tư và sàn vàng đầu tháng 12.2009. Đó là trường hợp bà N, nhà đầu tư tại sàn V. thực hiện 33 giao dịch mua và bán trên tài khoản trong một ngày, lãi trên 1,7 tỉ đồng song số tiền này không được chủ sàn công nhận với lý do hệ thống lỗi hoặc bị "hack". Rủi ro, tranh chấp giữa chủ sàn và nhà đầu tư là một trong những nguyên nhân khiến Chính phủ quyết định đóng cửa sàn vàng. Tính đến thời điểm đó, Việt Nam có khoảng 20 sàn hoạt động hợp pháp, thu hút hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi phiên giao dịch mà "không tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế" - theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước.
Sàn vàng IMMS bị đánh sập với gần 6.000 tài khoản giao dịch với số tiền 600 tỉ đồng |
công nguyên |
Sàn vàng chính thức đóng cửa, sàn lậu không bỏ lỡ cơ hội, mở ra như nấm để "đón" các nhà đầu tư đang "bơ vơ" nhưng bầu nhiệt huyết đỏ - đen thì tràn đầy. Một lực lượng không nhỏ trong số đó ngay lập tức chuyển tài khoản sang sàn lậu. Nhiều sàn vàng giả vờ đóng cửa nhưng thực tế vẫn lén lút hoạt động chui. Ở "thế giới ngầm", sàn chui hoạt động còn sôi nổi hơn cả thị trường vàng tài khoản khi còn được hoạt động chính thức. Những mánh lới, chiêu trò, biến tướng... lúc này mới thực sự "bung xõa". Thế nên chỉ một thời gian ngắn, những vụ kiện cáo, xung đột, thảm cảnh vỡ sàn, chủ sàn "bốc hơi" ôm theo tiền của nhà đầu tư đã xuất hiện đầy rẫy, gây rối loạn thị trường. Năm 2014, lãnh đạo sàn vàng chui đầu tiên (Công ty đầu tư VGX) bị bắt. Lực lượng chức năng xác định được có khoảng 700 nhà đầu tư tham gia mở tài khoản tại công ty này với tổng số tiền giao dịch lên tới hơn 110 tỉ đồng. Năm 2015, sàn vàng ảo lớn nhất TP.HCM của Công ty IMMS Holdings đã huy động trái phép hàng ngàn tỉ đồng của hơn 5.800 tài khoản bị triệt phá. Cùng năm, hàng ngàn người trắng tay khi tham gia sàn vàng BBG... Những mánh lừa khách hàng của sàn vàng cũng được chỉ rõ như đánh sập mạng khi khách hàng thắng để hủy giao dịch; thắng ít thì cho rút tiền nhưng thắng lớn ngay lập tức hệ thống bị hack... Nhưng đó cũng chỉ là những hiện tượng mang tính bề mặt. Trên thực tế, chủ các sàn vàng có rất nhiều cách "rỉa thịt" nhà đầu tư một cách "hợp pháp" khiến họ chỉ còn biết ôm hận mà không thể làm gì.
Hàng loạt "anh hùng" ngã ngựa
"Vàng tài khoản tham là chết. Tôi từng tham và chỉ một cú click, tài khoản của tôi bay mất 150.000 USD" - đó là lời tự thú của một "trùm" vàng tài khoản đã rửa tay gác kiếm tên H.T.T. Nhưng chơi vàng tài khoản, ai mà không tham bởi các sàn đều áp dụng tỷ lệ margin rất cao (giao dịch ký quỹ - một đòn bẩy tài chính mà nhà đầu tư có thể sử dụng khoản vay từ chủ sàn), các sàn chính thức khoảng 1:10 - 20; các sàn chui sau này thì 1:100, 1:500 thậm chí là 1:1.000. Nghĩa là có một lượng vàng, có thể giao dịch giá trị 10 - 20 - 100 hay 1.000 lượng. Bỏ tiền ít mà được quyền giao dịch nhiều thì ham và tham là điều dễ hiểu. Nhưng nguyên lý kinh doanh cũng như nguyên lý cuộc đời thì lợi nhuận càng cao, rủi ro càng lớn. Có gì ngon lành mà lại dễ dàng hoặc nếu có đi chăng nữa, cũng không dành cho số đông. Nguyên lý này ai cũng biết, giới đầu tư thì càng thấm nhuần. Nhưng trong "cơn say" đỏ đen, trong cơn khát gỡ gạc mấy ai còn để ý đến. Họ cứ lao vào như con thiêu thân để rồi chết như ngả rạ, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. "Tôi có 2 người bạn thân, một người đã tự tử, còn một người đang ở trong tù cũng vì vàng tài khoản" - ông H.T.T buồn bã thú nhận.
Đó không phải là hiện tượng cá biệt. Vàng tài khoản những năm 2000 trở về trước kích thích người chơi tột độ bởi biến động từng phút, từng giờ với biên độ lớn. Nó tạo thành các cơn sóng giá đầy rủi ro nhưng cũng không kém phần hấp dẫn. Đó là năm 2008, sau cú sốc khủng hoảng tài chính, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tung ra 3 gói nới lỏng định lượng (bơm thêm tiền) với hy vọng vực dậy nền kinh tế đang bế tắc. Tiền ra ồ ạt khiến lạm phát không chỉ ở Mỹ mà lan rộng ra nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Những bất ổn kinh tế khiến người ta lao vào vàng tìm nơi trú ẩn, đẩy kim loại quý tăng phi mã. Từ dưới 1.000 USD/lượng, vàng đã tăng lên gần 1.900 USD, gần gấp đôi. Năm 2010 cũng chính là năm giá vàng trong nước lập kỷ lục ở mức đỉnh 62 triệu đồng/lượng. Mức tăng phi mã của vàng đã tạo cơ hội làm giàu cho nhiều người nhưng cũng khiến cho hàng loạt "anh hùng sa cơ", trong đó có một số ông chủ các nhà băng lớn mà giới đầu tư vàng đều biết. Còn nhà đầu tư trên sàn thì ôi thôi, chết như ngả rạ.
"Rỉa thịt" nhà đầu tư
Vì sao ngay cả những tay chơi vàng tài khoản lão luyện cũng "ngã ngựa" là câu hỏi chưa bao giờ có câu trả lời thỏa đáng. Ngã ngựa vì lướt sóng gặp sóng thần, vì sự rủi ro thường trực của kim loại quý, vì sàn vàng chơi bẩn hay vì "số đen"... Có một ngàn lẻ một lý do để giải thích khi thua lỗ. Nhưng theo tiết lộ của một chủ sàn vàng đã giải nghệ thì, họ - những chủ sàn vàng có rất nhiều cách "rỉa thịt" người chơi và 100% nhà đầu tư không thể thắng, trừ trường hợp được thả cho một tí như mồi nhử. "Tất cả các chủ sàn vàng luôn có vài tài khoản gọi là "market maker" (người tạo lập thị trường). Những tài khoản này không cần ký quỹ nhưng lại có quyền lực độc nhất vô nhị. Nó có thể cùng lúc khớp lệnh của người bán giá rẻ, bán cho người mua giá cao không kịp hủy lệnh và kiếm tiền nhiều kinh khủng. Đó là vũ khí bí mật của các chủ nhà sàn mà không ai biết. Thế nên có người chỉ cần chậm một giây không kịp hủy lệnh, mà phải bán giá thấp. Hay chỉ vì một vài giây không kịp hủy lệnh mà phải mua giá cao. Các market maker được hỗ trợ bằng một đường truyền riêng cực mạnh để giúp chủ sàn thao túng lệnh của người chơi" - vị này tiết lộ. Nhưng "đòn bẩn cuối cùng" của các chủ sàn theo vị này "giả sử gặp người đánh cực giỏi, đánh thắng nhiều hơn thua, có số dư tài khoản muốn rút tiền ra thì bao nhiêu khó khăn, phiền toái. Ví dụ như hệ thống trục trặc, chưa rút được. Mà chưa rút được thì 1 tiếng sau, giá thị trường đã thay đổi biến anh từ lời thành lỗ. Vì tài khoản của anh vẫn đó, anh đang bán hay mua, treo trạng thái đó, thay đổi giá là chết rồi".
Ngoài những "đòn bất lương" này, chủ sàn còn "ăn" trên thân xác nhà đầu tư đủ kiểu. Chính đáng và công khai là hoa hồng. Khoản này nhà cái ăn được 2 đầu, đầu mua lẫn bán cho dù chỉ giao dịch 1 lần. Nhà đầu tư thì thắng cũng nộp phí và thua cũng phải nộp phí. Phí giao dịch những năm 2008 trung bình khoảng là 2.000 đồng/lượng, khối lượng giao dịch tối thiểu là 10 - 50 lượng/lệnh. Theo thống kế của Ngân hàng Nhà nước, chỉ riêng Trung tâm giao dịch vàng Sài Gòn của Ngân hàng ACB ở thời điểm giao dịch sôi động nhất một ngày doanh số lên đến hơn 8.000 tỉ đồng. Với giá vàng thời điểm đó khoảng 16 triệu đồng/lượng, tần suất giao dịch liên tục thì hoa hồng thu được không hề nhỏ. Khoản "ăn" thứ 2 là cho vay bắt buộc. Trước năm 2010, trung bình các sàn đều quy định ký quỹ khoảng 7%, cho vay bắt buộc 93%, lãi suất thay đổi theo thị trường (từ 12 - 14%/năm). Sàn vàng "ăn" phần lãi suất cho vay nhưng thực tế họ không phải bỏ tiền, bỏ vàng ra mà chỉ là cho vay ảo. Cứ hình dung thế này, để chơi sàn vàng, việc đầu tiên người chơi phải ký quỹ bằng vàng, bằng tiền Việt hay USD. Ví dụ giá vàng thế giới ngày hôm đó quy ra đồng Việt Nam là 40 triệu đồng/lượng và nếu người chơi nộp vào tài khoản 40 triệu đồng, họ đã có 1 lượng vàng ký quỹ. Với 1 lượng này, người chơi có thể mua tối đa 1.000 lượng. Nếu giá vàng tăng 42 triệu đồng/lượng, họ lời 200 triệu đồng. Còn nếu giá vàng xuống 38 triệu đồng/lượng, họ lỗ 200 triệu đồng. Hay nói đúng hơn, họ nợ sàn 200 triệu đồng. Trừ đi số tiền trong tài khoản 40 triệu, số nợ của người chơi là 160 triệu đồng. Tất nhiên họ sẽ không nộp mà ghi vào tài khoản nợ. Cái họ mất là 40 triệu đồng tiền tươi ký quỹ ban đầu. Nhưng để xóa số nợ này, họ phải tiếp tục nộp 40 triệu đồng hoặc bao nhiêu tùy máu đỏ đen để chơi tiếp. Sau khi nhiều sàn ảo bị đánh sập cho thấy, nhiều nhà đầu tư đã nộp hàng tỉ đồng vào tài khoản. Còn với một cú click chuột mà bay hết 150.000 USD như "cá mập" vàng tài khoản kể trên thì số tiền đổ vào đây lên đến hàng chục tỉ đồng. Đó là trong trường hợp nhà đầu tư thua. Còn nếu họ thắng, thì như nói trên, nhà cái sẽ tìm đủ mọi cách để biến họ thành bại tướng bằng những chiêu trò bẩn mà nhà đầu tư chỉ còn nuốt hận chứ không thể làm gì.
Tính hợp pháp không có, thua lỗ quá nhiều, vàng tài khoản chết dần. Đến thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư cũ rất ít. Giới trẻ chuyển sang "đánh" forex, hăm hở như nhà đầu tư trên sàn vàng trước đây. Nhưng các chiêu trò ở hậu trường của các chủ sàn vàng tất nhiên chẳng xa lạ gì với các chủ sàn forex... chỉ có điều đã được nâng lên một bậc. Và nhờ đó, họ có thể "rỉa thịt" người chơi "ngọt" hơn mà thôi.
Bình luận (0)