Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này, ông Ngô Quang Đảo, Cục phó Cục Đường bộ VN cho biết, hiện hằng năm ngân sách mới đáp ứng được 50% nhu cầu kinh phí duy tu, bảo dưỡng đường bộ theo định ngạch của Cục Đường bộ. Vì vậy kinh phí này chỉ đủ để làm những việc nhỏ như sơn kẻ biển báo, khơi thông hệ thống thoát nước, cắt cỏ hai ven đường... Đến phần lấp “ổ voi”, “ổ gà” thì... hết tiền.
Nhà thầu phải chịu trách nhiệm
Ông Ngô Quang Đảo cho biết tình trạng “ổ voi”, “ổ gà” thường xảy ra đối với những tuyến đường đang khai thác và thu phí nhưng có chủ trương nâng cấp, mở rộng. Điển hình của tình trạng này là Quốc lộ 14. “Để xảy ra tình trạng này, các nhà thầu phải chịu trách nhiệm”, ông Ngô Quang Đảo nhấn mạnh.
* Là cơ quan quản lý nhà nước, Cục Đường bộ có biện pháp gì để “cột” trách nhiệm của nhà thầu?
- Chúng tôi hết sức quan tâm tới vấn đề này và thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị quản lý duy tu đường bộ và nhà thầu thi công, yêu cầu họ phải đảm bảo an toàn giao thông, để làm sao khi qua trạm thu phí mua vé, lái xe cảm thấy thoải mái. Chúng tôi đưa ra biện pháp “rắn” đối với các nhà thầu, nếu họ không đảm bảo được an toàn giao thông thì Thanh tra giao thông sẽ phạt nặng, bị phạt rồi mà không khắc phục thì đình chỉ, thu hồi giấy phép thi công. Đưa ra biện pháp này, các nhà thầu đã quan tâm hơn tới việc đảm bảo giao thông, tình trạng đường hư hỏng trong quá trình thi công đã giảm so với trước.
* Trên thực tế, thu hồi giấy phép thi công là rất khó vì Cục Đường bộ và các đơn vị thi công đều “chung một nhà”. Cục đã thu hồi trường hợp nào chưa, thưa ông?
- Kiểm tra phát hiện thì thanh tra xử phạt, nếu phạt rồi mà họ khắc phục thì cho thi công tiếp.
* Nhưng có những trường hợp không phải do đầu tư mở rộng, đường quá xuống cấp mà vẫn thu phí. Trách nhiệm của Cục và đơn vị quản lý, khai thác như thế nào?
- Đa số các tuyến đường đang khai thác, chưa có chủ trương đầu tư nâng cấp là đạt chất lượng, xe đi lại êm dịu. Hy hữu mới có một số đoạn bị “ổ gà”. Cái này, trách nhiệm thuộc về các khu quản lý đường bộ.
* Đặt mình ở vị trí là lái xe, ông có thấy phi lý và bực bội khi phải đi lại trên những “con đường đau khổ” nhưng vẫn phải nộp phí?
- Tất nhiên, vì tâm lý của lái xe là bỏ tiền ra mua vé để góp phần xây dựng hạ tầng giao thông thì phải được đi trên những con đường êm dịu. Chính vì hiểu được tâm lý này nên chúng tôi đã quan tâm, nhắc nhở nhà thầu, thậm chí những trường hợp nhà thầu xử lý chậm, Cục Đường bộ đã yêu cầu đơn vị quản lý, duy tu đường phải chủ động đảm bảo an toàn giao thông.
Tình trạng “ổ voi”, “ổ gà” có được cải thiện?
* Doanh nghiệp than vãn họ chịu quá nhiều áp lực, vừa phải mua vé qua đường, đường xấu làm đội chi phí, hạn chế tính cạnh tranh của hàng hóa. Ở góc độ quản lý nhà nước, ông nghĩ sao?
- Đúng, đường xấu sẽ làm hạn chế tốc độ, vì thế chi phí vận chuyển tăng và có ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa. Khắc phục tình trạng này, chúng tôi quyết tâm sẽ cải thiện phần nào tình trạng “ổ gà” trên những tuyến đường huyết mạch, tuyến đường có lưu lượng vận chuyển hàng hóa lớn, chẳng hạn như từ cảng biển về trung tâm thành phố.
* Cả nước đang tập trung mọi nỗ lực để giảm tai nạn giao thông, trong khi đó đường “ổ voi”, “ổ gà” lại là một trong các nguyên nhân dẫn tới tai nạn. Khi nào vấn đề này mới được giải quyết?
- Tình trạng sình, lún xảy ra ở một số tuyến đường do địa chất quá yếu, xe quá tải chạy thường xuyên, đặc biệt là vào mưa lũ. Nếu không có biện pháp, chủ trương lớn, kịp thời thì tình trạng đường “ổ voi” tiếp tục xảy ra. Chính vì vậy, Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã đưa ra biện pháp ngăn chặn xe quá tải, hình thành mạng lưới các trạm cân xe trên quốc lộ. Cục Đường bộ và Bộ GTVT đang xem xét những tuyến đường nào chưa được đầu tư thì tập trung đầu tư, trong đó sẽ tập trung vào những tuyến huyết mạch.
Trước mắt, trong tháng 9 này, Cục Đường bộ và Bộ GTVT tập trung vào chiến dịch dập “ổ gà” trên một số tuyến đường. Cục trích kinh phí của ngân sách dự phòng để làm việc này.
Ông Lê Toàn - Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM: Đơn vị thu phí chịu trách nhiệm chính Về các hư hỏng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) như doanh nghiệp và người dân phản ánh, UBND TP đã chấp thuận chủ trương chỉ định Tổng công ty xây dựng số 1 nhận thầu thực hiện đầu tư dự án sửa chữa khắc phục các hư hỏng tại công trình này theo hình thức hợp đồng "chìa khóa trao tay". Đồng thời, Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (trực thuộc Sở GTVT) được giao làm chủ đầu tư dự án. Hiện các đơn vị liên quan đang lên phương án sửa chữa, ghi nhận ý kiến chuyên gia nhằm khắc phục triệt để các hư hỏng tại đường Nguyễn Hữu Cảnh và cầu Văn Thánh 2. Theo kế hoạch việc sửa chữa sẽ hoàn thành cuối năm nay. Còn cầu Bình Triệu 2 thuộc dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2 do Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5, thuộc Bộ GTVT) làm chủ đầu tư và đến năm 2006 dự kiến bàn giao lại cho TP. Tuy nhiên, đến nay Cienco 5 vẫn chưa hoàn thành hết thủ tục bàn giao, nghiệm thu hoàn công. Do vậy, việc khắc phục các hư hỏng hiện hữu tại cầu Bình Triệu 2 vẫn thuộc trách nhiệm của Cienco 5, TP đã nhiều lần đề nghị nhưng đến nay đơn vị này vẫn chưa thực hiện. Đối với các dự án BOT do TP bán quyền thu phí cho doanh nghiệp thì trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng công trình thuộc về đơn vị thu phí. Sở GTVT chỉ thay mặt TP ký kết hợp đồng đầu tư, sau đó khi thông xe công trình thì kiểm tra, nhắc nhở đơn vị thu phí thường xuyên duy tu, sửa chữa các hư hỏng nhằm đảm bảo giao thông. Ông Phan Phùng Sanh - Phó chủ tịch thường trực Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM: Phải có biện pháp chế tài Đúng là hiện nay nhiều con đường, cây cầu hư hỏng nặng nhưng người lưu thông vẫn phải bỏ tiền mua phí là bất hợp lý. Nghị định 78 (năm 2007) về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh), BT (xây dựng - chuyển giao) quy định rõ trách nhiệm của đơn vị thu phí như phải bảo dưỡng công trình, duy trì hoạt động bình thường của công trình... Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn lờ trách nhiệm này là do chưa có biện pháp chế tài. Theo tôi, nên giao cho một lực lượng (chẳng hạn Thanh tra giao thông, CSGT) có trách nhiệm kiểm tra các công trình có thu phí, nếu phát hiện hư hỏng thì yêu cầu đơn vị thu phí sửa chữa ngay. Nếu đơn vị thu phí vẫn không chịu sửa chữa thì lực lượng này có quyền đình chỉ việc thu phí cho đến khi các hư hỏng trên công trình được khắc phục. Hiện nay, các công trình đầu tư theo hình thức BOT đang nở rộ nên càng cần phải siết chặt ràng buộc trách nhiệm của đơn vị thu phí đối với công trình do mình quản lý thu phí, để đảm bảo quyền lợi cho người lưu thông. P.Thanh (ghi) |
Xuân Toàn
(thực hiện)
Bình luận (0)