Cuộc chính biến ở Ai Cập bùng nổ cách đây đúng một năm. Nó được đặt tên là “Mùa xuân Ai Cập” và được coi là một bộ phận rất quan trọng của cái gọi là “Mùa xuân Ả Rập”. Tuy nhiên, mùa xuân ấy xem ra vẫn còn dang dở đối với nước này.
Dù vậy, một năm qua đúng là giai đoạn có ý nghĩa và tầm vóc lịch sử nổi bật nhất trong mấy chục năm đối với Ai Cập. Bi kịch lớn nhất của cuộc chính biến ở đây là thời cũ đã chấm hết nhưng thời mới chưa thật sự bắt đầu. Ai Cập khác với Tunisia một năm sau chính biến ở chỗ đó. Không thể nói là Ai Cập không thay đổi gì sau chính biến. Việc cựu Tổng thống Hosni Mubarak bị buộc phải từ chức sau 31 năm và bị đưa ra xét xử cũng như giới quân sự chấm dứt tình trạng khẩn cấp đã tồn tại hơn 3 thập niên đều là các bước ngoặt lịch sử. Nhưng việc giới quân sự nắm được thực quyền và sự thắng thế của các lực lượng Hồi giáo lại báo hiệu những chiều hướng trái ngược nhau trong tương lai chính trị của đất nước.
Mùa xuân chính trị ở Ai Cập sau một năm vì thế tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn là cơ hội cho thời kỳ phát triển thịnh vượng và ổn định mới. Vấn đề quyền lực nhà nước chưa được giải quyết ổn thỏa. Nội bộ xã hội vẫn chưa có được sự đồng thuận cần thiết để có được sự khởi đầu mới về chính trị. Nhưng dù rồi đây có thế nào thì Ai Cập cũng đã có được vị thế và ảnh hưởng hơn hẳn trước đó ở khu vực và trong thế giới Hồi giáo. Mùa xuân dẫu có dang dở thì vẫn là mùa xuân.
La Phù
Bình luận (0)