Nhận định trên về mức lương nhà giáo được đưa ra trong tọa đàm "Pháp luật về nhà giáo của một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam" do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức sáng nay (3.4). Tham dự tọa đàm có bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá-Giáo dục của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng; lãnh đạo sở GD-ĐT một số địa phương và nhiều trường ĐH trên địa bàn TP.HCM.
Cần có cơ chế để tuyển dụng được nhà giáo giỏi
Phát biểu trong tọa đàm, PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, chia sẻ về sự cần thiết của việc xây dựng luật Nhà giáo tại Việt Nam. Một trong những lý do được PGS Quân nêu ra khi xây dựng luật này là nhằm bảo vệ quyền lợi cũng như nêu rõ trách nhiệm của nhà giáo. "Đặc biệt là cần có cơ chế để tuyển dụng được nhà giáo giỏi. Nếu không có thầy giỏi thì rất khó mà có trò giỏi", Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM nhấn mạnh.
Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung, Phó trưởng ban phụ trách Ban Thanh tra-Pháp chế ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng luật Nhà giáo. Một trong những lý do được tiến sĩ Dung nêu ra là các văn bản pháp luật còn "tản mạn", chưa có tính hệ thống và thậm chí còn chồng chéo nhau. Ví dụ, nhà giáo ở các cơ sở giáo dục công lập chịu sự điều chỉnh của luật Viên chức. Nhà giáo ngoài công lập và nhà giáo nước ngoài vào giảng dạy tại Việt Nam chịu sự điều chỉnh của bộ luật Lao động, được xem như người lao động bình thường.
"Trong bối cảnh phát huy quyền tự chủ giáo dục với nhiều áp lực do yêu cầu ngày càng cao của nhà nước và xã hội đối với nhà giáo cần đặt ra yêu cầu phải có một luật riêng để điều chỉnh về vị thế của nhà giáo", tiến sĩ Tuyết Dung nói thêm.
Cho rằng nghề giáo có tính chất đặc thù và riêng biệt, tiến sĩ Tuyết Dung cho rằng: "Áp lực từ xã hội kể cả văn hóa Á đông đặt trên vai nhà giáo nhiều sứ mệnh nhưng quyền, phúc lợi họ được hưởng chưa tương xứng, một số nơi chưa đáp ứng được kỳ vọng. Mức thu nhập, mức lương như vậy thì chúng ta cũng không thể đòi hỏi cao quá mức ở nhà giáo". Từ đó, bà Dung cho rằng cần có luật Nhà giáo để có những chính sách toàn diện và đồng bộ hơn. Trong bối cảnh tự chủ hiện nay, không chỉ nhà nước mà các trường cũng cần có trách nhiệm quan tâm tới nhà giáo.
Biên chế của ngành giáo dục chiếm đến 43% tổng biên chế sự nghiệp cả nước
Theo thông tin được chia sẻ tại tọa đàm, năm 2023 cả nước có 23 triệu học sinh, 2 triệu sinh viên và khoảng 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập. Trong 48.055 đơn vị sự nghiệp công lập trên cả nước, riêng lĩnh vực giáo dục chiếm đến 80%; biên chế của ngành giáo dục chiếm đến 43% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước. Riêng ĐH Quốc gia TP.HCM hiện có khoảng 6.000 nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đang làm việc.
Từ số liệu trên có thể thấy vị trí, vai trò đội ngũ nhà giáo góp phần vào sự nghiệp giáo dục. Dù là lực lượng đông đảo nhất với tính chất nghề nghiệp đặc thù, nhưng hiện nay không có một đạo luật điều chỉnh riêng mà chịu sự chi phối bởi nhiều văn bản khác nhau như luật Giáo dục, luật Giáo dục ĐH, luật Giáo dục nghề nghiệp, luật Viên chức năm 2010 và rất nhiều văn bản liên quan.
Các văn bản này vẫn chưa phản ánh rõ vị trí, vai trò và tính chất đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo, xác định nhà giáo như tất cả viên chức ở tất cả lĩnh vực nghề nghiệp khác. Thực tiễn áp dụng các quy định về chính sách nhà giáo cũng gặp một số bất cập, thậm chí mâu thuẫn nhau, do có quá nhiều văn bản điều chỉnh nên thiếu sự đồng bộ và thống nhất.
Tọa đàm cũng ghi nhận chia sẻ các chính sách tuyển dụng, đào tạo, phát triển giảng viên trong nước và thu hút giảng viên nước ngoài tại Singapore, quá trình xây dựng và ban hành luật Nhà giáo tại Trung Quốc.
Ngày 7.7 năm ngoái, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 95 về xây dựng pháp luật, trong đó thông qua đề xuất của Bộ GD-ĐT về đề nghị xây dựng luật Nhà giáo với 5 chính sách nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo, tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo. Bộ GD-ĐT đã và đang trong quá trình lấy ý kiến, khảo sát đề hoàn thiện hồ sơ Dự án luật Nhà giáo, đảm bảo đưa ra các quy định, cơ chế phù hợp dành cho nhà giáo, là tiền đề quan trọng để phát triển giáo dục toàn diện.
Bình luận (0)