Vì vậy, xây dựng luật Nhà giáo để định vị vị trí pháp lý và các điều kiện đảm bảo cho sự phát triển nhà giáo là một yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Địa vị pháp lý khác nhau giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập
Trước thời điểm luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, các nội dung về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, tiêu chuẩn, tuyển dụng, sa thải; chế độ lương, phụ cấp của nhà giáo được quy định tại Điều 15 và từ Điều 70 đến Điều 82, luật Giáo dục 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Bên cạnh đó, luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) năm 2014, luật Giáo dục đại học (GDĐH) năm 2012 cũng có quy định về nhà giáo giảng dạy ở các cơ sở GDNN, GDĐH, nhưng chỉ dừng lại ở mức độ khái quát. Ngoài các luật nêu trên, địa vị pháp lý của nhà giáo còn được quy định bởi một số luật khác, như:
Luật Cán bộ, công chức, quy định người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập, được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động thuộc tổng cục, cục và tương đương, trực thuộc bộ và cơ quan ngang bộ là công chức. Theo đó, hiệu trưởng, giám đốc học viện trực thuộc bộ là công chức, chịu sự điều chỉnh của luật Cán bộ, công chức. Nhưng sau ngày 1.7.2020, theo luật số 52/2019/QH14 (có hiệu lực từ ngày 1.7.2020) sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức thì hiệu trưởng, giám đốc học viện… các cơ sở giáo dục thuộc bộ, tổng cục, cục là "viên chức quản lý".
Các nhà giáo không giữ chức vụ quản lý tại các cơ sở giáo dục công lập là "viên chức suốt đời" đối với các trường hợp sau: nhà giáo tuyển dụng trước 30.6.2020; nhà giáo tuyển dụng sau 1.7.2020 chuyển từ công chức sang; và nhà giáo đang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Nhóm các nhà giáo còn lại làm việc ở các cơ sở giáo dục công lập và nhà giáo làm việc tại cơ sở giáo dục ngoài công lập, là người lao động theo quan hệ hợp đồng lao động, chịu sự điều chỉnh của luật Lao động.
Như vậy, địa vị pháp lý của nhà giáo vẫn đang chịu sự điều chỉnh của nhiều đạo luật khác nhau. Cùng là nhà giáo nhưng có sự khác biệt lớn giữa nhà giáo là viên chức cơ sở giáo dục công lập và người lao động tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Những bất cập của pháp luật VN về nhà giáo
Qua rà soát, đối chiếu các luật có liên quan đến nhà giáo, nhóm tác giả PGS-TS Nguyễn Văn Vân và cộng sự thuộc Trường ĐH Luật TP.HCM, qua bài viết in trong cuốn sách Luận cứ khoa học sửa đổi bổ sung luật Giáo dục (NXB ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng khung pháp luật VN về nhà giáo còn có những bất cập:
Thứ nhất, những quy định khá ưu việt về nhà giáo trong các luật về giáo dục còn mang nặng tính "tuyên ngôn", thiếu tính cụ thể của một quy phạm pháp luật.
Chẳng hạn, khoản 2, Điều 66 về vị trí, vai trò của nhà giáo quy định "Nhà giáo có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, có vị thế quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh". Luật Giáo dục 2005 và cả luật Giáo dục 2019 thiếu những cơ sở pháp lý cụ thể cho nhà giáo thực hiện vai trò của mình. Các quy định chi tiết về quy trình thẩm định, tuyển dụng, sa thải, đánh giá, hệ thống ngạch bậc, thang bảng lương nhà giáo không được quy định trong các luật giáo dục; với lý do nhà giáo là viên chức, là người lao động nên chịu sự điều chỉnh của luật Viên chức và luật Lao động.
Thứ hai, khối lượng, tính chất công việc và trách nhiệm nhà giáo tương đối giống nhau, nhưng chế độ lương của nhà giáo ở các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập khác nhau. Hoặc cùng một hành vi vi phạm, nhưng hậu quả pháp lý và trình tự giải quyết cũng khác nhau giữa nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập.
Thứ ba, một số quy định về nhà giáo không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. Chế độ "viên chức suốt đời" không còn là động lực để nhà giáo đổi mới phương pháp, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Quy trình tuyển dụng, đánh giá, xếp loại, thôi việc… đối với nhà giáo tại cơ sở giáo dục công lập quá phức tạp, theo quy định của luật Viên chức và luật Lao động.
Thứ tư, những quy định về quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà giáo hiện nay được quy định tại luật Giáo dục và phần lớn được cụ thể hóa bằng văn bản dưới luật. Liệu rằng các quy định về cấm đoán, hạn chế các quyền và gia tăng nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà giáo bằng các văn bản dưới luật có phù hợp với quy định về quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013 hay không?
Với những bất cập như trên, hệ thống luật pháp hiện hành của VN liên quan đến nhà giáo khá phức tạp, có khi lại triệt tiêu lẫn nhau.
Nhiều vấn đề cần rà soát, điều chỉnh
Để xây dựng luật Nhà giáo, cần rà soát, xem xét nhiều vấn đề liên quan, như: Quy định về chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; Quy định về các tiêu chuẩn khác đối với nhà giáo như chuẩn trình độ, lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức; Quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của nhà giáo; Quy định về quyền được mời giảng và dạy thêm của nhà giáo…
Nhà giáo là nhân tố quyết định sự thành bại trong sự nghiệp giáo dục của mỗi quốc gia. Bên cạnh các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp thì các quy định pháp luật về vị trí pháp lý của nhà giáo là vô cùng cần thiết và cấp thiết. Các nội dung về quyền và nghĩa vụ nhà giáo, cơ chế đảm bảo thực thi các quyền và nghĩa vụ đó phải được rõ ràng, cụ thể trong văn bản pháp luật. Qua đó tạo tiền đề cho mỗi nhà giáo tiếp nhận và tự bảo vệ quyền, cũng như tuân thủ các nghĩa vụ luật định, góp phần hoàn thành sứ mệnh to lớn của sự nghiệp GD-ĐT.
Kinh nghiệm pháp luật nước ngoài về nhà giáo
Vấn đề nhà giáo không phải luôn được quy định trong luật Giáo dục của tất cả các quốc gia trên thế giới, nhưng các nước châu Á quy định về nhà giáo nhiều và chi tiết hơn.
Trong luật Giáo dục cơ bản của Nhật Bản năm 2006, quy định rõ ràng mối quan hệ cụ thể giữa giáo viên (GV) và nhà nước. Theo quy định, GV phải nỗ lực hoàn thành trách nhiệm của mình và nhận thức sâu sắc về sứ mệnh cao cả của nghề nghiệp. Vị trí GV được tôn trọng và được đảm bảo sự đãi ngộ hợp lý, được bồi dưỡng và phát triển kỹ năng nghề nghiệp.
Tại Hàn Quốc, luật khung về giáo dục 2016 cũng có quy định về GV. Theo đó, trình độ GV trong trường học được tôn trọng, các điều kiện kinh tế - xã hội của GV được ưu tiên; GV nỗ lực rèn luyện đạo đức với vai trò là nhà giáo dục.
Luật Giáo dục của Trung Quốc có một chương về nhà giáo. GV được hưởng quyền và lợi ích theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, luật Giáo dục năm 2012 của Nga cũng dành hẳn một chương riêng để quy định về nhà giáo, người quản lý giáo dục và những người lao động trong lĩnh vực giáo dục.
Cần thiết xác định lại nội hàm thuật ngữ nhà giáo
Hiện nay, khái niệm "Nhà giáo" được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Theo từ điển VN, "Nhà giáo" hay "thầy cô giáo" để chỉ những người làm nghề dạy học, hay đôi khi nhà giáo được hiểu khá rộng, để chỉ những người làm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Nhà giáo có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng nền giáo dục, vì vậy cần được xác định rõ ràng, thống nhất khái niệm "Nhà giáo", làm tiền đề cho những nhận thức đúng đắn, khoa học, cụ thể.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Vân, cần bỏ một số khái niệm tại Chương IV, luật Giáo dục 2019, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số thuật ngữ có liên quan đến nhà giáo như: "nhà giáo", "giáo viên", "giảng viên", "cán bộ quản lý giáo dục", "giảng viên thỉnh giảng", "giáo viên/giảng viên thỉnh giảng".
Bên cạnh đó, cần làm rõ nội hàm "Nhà giáo ưu tú", "Nhà giáo nhân dân", bởi thực tế có nhiều người là công chức, đang công tác ở sở/phòng GD-ĐT vẫn được phong tặng 2 danh hiệu này, kể cả một số nhà giáo chuyển sang làm lãnh đạo chính quyền, khi về hưu vẫn được đặc cách phong tặng "Nhà giáo ưu tú".
Những khái niệm liên quan đến nhà giáo cần được quy định trong Điều "Giải thích từ ngữ" khi xây dựng luật Nhà giáo.
Bình luận (0)