Thầy giáo 'đảm đang nhất' miền Tây: Nhà giáo ưu tú, làm 3 hecta lúa

Thúy Hằng
Thúy Hằng
08/03/2023 09:10 GMT+7

Liên tiếp là giáo viên giỏi cấp tỉnh, là nhà giáo ưu tú, nhận bằng khen của Thủ tướng và Huân chương lao động hạng 3 với những thành tích trong ngành giáo dục, thầy giáo miền Tây còn đảm đương nuôi cá, trồng 3 hecta lúa, nhận bằng khen từ Hội Nông dân tỉnh.

Thầy giáo miền Tây 'đảm đang nhất': Nhà giáo ưu tú, làm 3 hecta lúa - Ảnh 1.

Thầy giáo miền Tây Đỗ Trung Lai, xuất sắc trong nghề giáo và cả nghề nông

NHÀ TRƯỜNG CUNG CẤP

Đó là thầy Đỗ Trung Lai, giáo viên toán, Trường THPT Tân Châu, thị xã Tân Châu, An Giang.

Gần 40 năm trong nghề

Thầy Lai tốt nghiệp khoa Sư phạm toán, Trường ĐH Cần Thơ năm 1984, sau đó trở thành cán bộ giảng dạy tại Trung tâm đào tạo-bồi dưỡng tại chức An Giang-Kiên Giang và Trường CĐ Sư phạm-Đào tạo tại chức An Giang.

Năm 1990, thầy bắt đầu giảng dạy tại Trường THPT Tân Châu. Từ năm học 1997-1998 đến nay, thầy là tổ trưởng chuyên môn quản lý tổ toán.

Nhà cách xa trường gần 20 km không là một trở ngại với thầy giáo yêu nghề, được nhiều học sinh yêu mến. Các học trò thích học toán cùng thầy Lai vì thầy không gây áp lực điểm số và luôn quan tâm đến học trò nghèo. Thầy Lai còn nhớ những học trò mất hết căn bản môn toán ở các lớp trước. Thầy kiên trì, nhẫn nại cùng các em học lại từng chút một, sau 4-5 tuần, học trò ấy tiến bộ hơn, trò gặp thầy và bảo "Ước gì em được học thầy sớm hơn".

Thầy giáo miền Tây 'đảm đang nhất': Nhà giáo ưu tú, làm 3 hecta lúa - Ảnh 2.

Gần 40 năm qua, thầy Lai đã dìu dắt nhiều thế hệ học trò ở Tân Châu khôn lớn

Thầy giáo miền Tây 'đảm đang nhất': Nhà giáo ưu tú, làm 3 hecta lúa - Ảnh 3.

Thầy giáo dạy toán được nhiều thế hệ học sinh yêu mến, kính trọng

NHÀ TRƯỜNG CUNG CẤP

Gần 40 năm qua, thầy giáo miền Tây đã dìu dắt nhiều thế hệ học trò ở Tân Châu khôn lớn, trưởng thành, nhiều em thi đậu vào các trường ĐH lớn tại TP.HCM. Nhiều em trở thành bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, tiếp tục nối bước người thầy mang đến niềm khao khát học tập cho học trò.

"Tôi không có bí quyết gì lớn lao cả. Tôi chỉ biết tự nỗ lực hàng ngày, tự học hàng ngày để học trò nhìn vào và học theo. Đến bây giờ, tôi vẫn tự mày mò, học nhiều kiến thức mới để có thể áp dụng nhiều phương pháp hay, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Nhiều cái không biết, nửa đêm tôi vẫn gọi điện cho các em là học trò cũ và hỏi các em là "thầy xin lỗi gọi giờ này, mong không phiền em, nhờ em hướng dẫn thầy thêm phần này được không", thầy Lai kể.

"Học toán để rộng lượng hơn với đời"

Thầy Lai tâm sự, dạy toán cũng là dạy cách làm người, dạy học trò sống trung thực, biết đạo lý. Trong mỗi bài giảng, thầy lồng ghép những câu chuyện lịch sử về các nhân vật gắn liền với môn toán, từ đó dạy học trò về ý chí, khát vọng trong cuộc sống.

Hay trước những bài kiểm tra, thầy dạy học trò về sự trung thực. "Tôi nói với học sinh rằng thầy kiểm tra để biết trình độ của các em đang ở đâu, thầy cần sự trung thực, cần các em tự lực làm bài để biết rằng hôm nay mình đã tiến bộ hơn ngày hôm qua chưa. Điểm cao thì cũng tốt. Nhưng nhân cách con người quan trọng hơn", thầy Lai chia sẻ.

Thầy giáo miền Tây 'đảm đang nhất': Nhà giáo ưu tú, làm 3 hecta lúa - Ảnh 4.

Thầy giáo dạy toán dìu dắt nhiều thế hệ học sinh nên người

NHÀ TRƯỜNG CUNG CẤP

Thầy hay nhắn nhủ học trò: "Học toán không phải chỉ để nhớ những công thức máy móc mà phải biết để vận dụng vào thực tế. Học toán cũng không phải để tính toán chi li với mọi người mà để rộng lượng hơn với người thân và cả những mảnh đời bất hạnh. Người có một vài tỉ đồng trong tay mà lúc nào cũng cô độc vì sự ích kỷ thì đó là dấu trừ trong cuộc đời. Thầy mong các em phấn đấu, sống có nhân cách, đạo đức, biết "chia" những món quà cho người yếu thế thì dù không giàu có các em vẫn được "cộng" thêm, được "nhân" thêm nhiều niềm vui".

Dạy giỏi, nuôi cá và trồng lúa càng giỏi

Không chỉ là một giáo viên dạy giỏi, luôn yêu nghề, nhiệt huyết với những bài giảng, thầy Lai còn là một nhà nông xuất sắc từng được Hội Nông dân tỉnh tặng bằng khen vì có nhiều thành tích trong hoạt động sản xuất nông nghiệp từ những năm 1997 - 1998.

Vợ thầy Lai cũng từng là giáo viên (cô nghỉ dạy năm 1999). Trước đây, vừa đi dạy học, hai vợ chồng thầy Lai còn làm 5 công ruộng (5.000 m2) và nuôi nhiều lồng bè cá ba sa. Sau này, nuôi cá không còn hiệu quả kinh tế, thầy Lai và vợ chuyển sang làm lúa nhiều hơn. Hiện hai vợ chồng thầy giáo canh tác hơn 3 hecta (ha) lúa. Thầy Lai khiêm tốn chia sẻ: "Đa số thì máy móc làm, chúng tôi chỉ vất vả khi đến mùa vụ nhưng vì mình xuất thân nhà nông, làm việc quen rồi, không thể ngồi yên. Sau này có nghỉ hưu thì tôi cũng không ngừng lao động".

Thầy giáo miền Tây 'đảm đang nhất': Nhà giáo ưu tú, làm 3 hecta lúa - Ảnh 5.

Hết giờ trên bục giảng, thầy giáo là người nông dân cần mẫn ngoài đồng

Thầy giáo ngoài 60 tuổi tâm sự mình từng rất yêu thích nghề cơ khí, máy móc. Trước đây, khi nằm trong đội tuyển học sinh giỏi toán của tỉnh đi thi học sinh giỏi quốc gia, thầy được tuyển thẳng vào khoa Sư phạm toán Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Nhưng vì vẫn nuôi ước mơ được học kỹ thuật, thầy thi vào Trường ĐH Cần Thơ, nhưng như một định mệnh, đến khi phân khoa, thầy được xếp vào khoa Sư phạm toán.

"Cái duyên của nghề theo tôi mấy chục năm qua. Càng làm thì tôi lại càng say mê và yêu thích nghề giáo. Nghề giáo cao quý nhưng cũng lắm vất vả và nhiều đắng cay. Đâu phải lúc nào cha mẹ học sinh và bản thân các em cũng hiểu hết tấm lòng của mình, hiểu những quan tâm, lo lắng của mình dành cho. Vì vậy, đã là thầy cô giáo, tôi nghĩ là mình càng phải lắng nghe, thấu hiểu, kiên nhẫn, để vững tay chèo, giúp học trò đi đến thành công", thầy giáo miền Tây bộc bạch.

Thầy giáo miền Tây 'đảm đang nhất': Nhà giáo ưu tú, làm 3 hecta lúa - Ảnh 6.

Thầy giáo miền Tây được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhân dịp 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam

NHÀ TRƯỜNG CUNG CẤP

Thầy giáo được trao Huân chương Lao động Hạng 3

Cuối năm học 2022-2023 này thầy Lai sẽ nghỉ hưu. Nhận xét về thầy Đỗ Trung Lai, Ban giám hiệu Trường THPT Tân Châu, thị xã Tân Châu, An Giang dành những lời tốt đẹp và trân trọng. Ban giám hiệu nhà trường cho biết trong gần 40 năm công tác trong nghề giáo, thầy Lai liên tiếp nhiều năm học là chiến sĩ thi đua cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, nhận bằng khen của UBND tỉnh, là tấm gương điển hình về ý chí và tâm huyết với nghề giáo.

Đáng chú ý, thầy Lai luôn chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học cho giáo viên và học sinh. Thầy tạo nhóm LATEX Tân Châu để giáo viên trao đổi, biên soạn tài liệu giảng dạy hay nhiệt tình hướng dẫn giáo viên trong tổ sử dụng các phần mềm giảng dạy toán như: GSP, Geogebra, Cabri,... Trong mùa dịch Covid-19, thầy giáo dạy toán cho học sinh trên sóng Đài phát thanh truyền hình tỉnh An Giang, đồng thời cùng nhiều đồng nghiệp trong tổ toán dạy hiệu quả cho học sinh qua các phần mềm.

Năm 2007-2008, thầy Lai được nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT. Năm 2009-2010, thầy được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm học 2011-2012, thầy đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú và năm học 2012-2013, thầy vinh dự được trao Huân chương Lao động hạng 3. Mới đây, thầy giáo miền Tây cũng là một trong 400 nhà giáo tiêu biểu của cả nước được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ và tặng bằng khen nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.