Thầy hiệu trưởng và hồi ức bán trái cây không thể quên

Thúy Hằng
Thúy Hằng
21/02/2023 10:10 GMT+7

40 năm công tác trong nghề để lại trong tâm khảm thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Đại Thanh bao kỷ niệm vui buồn. Những tháng ngày vừa dạy học vừa đi bán trái cây để lo cho các con ăn học trở thành hồi ức không thể nào quên.

Thầy hiệu trưởng và hồi ức bán trái cây không thể quên - Ảnh 1.

Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Đại Thanh

THÚY HẰNG

Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Đại Thanh về công tác ở Trường tiểu học Hồ Văn Thanh, P.Tân Chánh Hiệp, Q.12, TP.HCM từ năm 2018.

Là trường tiểu học thuộc diện khó khăn nhất tại Q.12, còn thiếu phòng học và các phòng chức năng, sân bãi nên Trường tiểu học Hồ Văn Thanh không tổ chức bán trú vì cơ sở vật chất không cho phép. Thầy Đại Thanh và các giáo viên trong trường luôn trăn trở làm sao để tạo điều kiện học tập tốt nhất cho các em học sinh.

"Phụ huynh các em học sinh ở đây chủ yếu là lao động tự do, công nhân, người là thợ hồ, người bán trái cây, buôn bán lặt vặt… thu nhập thấp, kinh tế gia đình các em rất khó khăn. Có những học trò hoàn cảnh rất khó khăn nhưng các em học giỏi, chúng tôi có quỹ khuyến học của nhà trường để tặng các em trong từng học kỳ, động viên các em vươn lên", thầy hiệu trưởng kể.

Hay trong trường có những học trò hoàn cảnh tội nghiệp, cha mẹ không có đủ tiền đóng bảo hiểm y tế cho các con, thầy hiệu trưởng và các giáo viên chủ nhiệm kêu gọi nhà hảo tâm và các thầy cô trong trường, mỗi người góp một chút hỗ trợ các em.

Thầy hiệu trưởng và hồi ức bán trái cây không thể quên - Ảnh 2.

Ngôi trường tiểu học thuộc diện khó khăn nhất tại Q.12

THÚY HẰNG

Thầy hiệu trưởng và hồi ức bán trái cây không thể quên - Ảnh 3.

Ngôi trường nhỏ còn nhiều khó khăn ở Q.12, TP.HCM

THÚY HẰNG

Hồi ức rưng rưng

Thầy Đại Thanh cho biết mình sinh ra và lớn lên ở Bà Điểm, H.Hóc Môn. Công tác trong ngành giáo dục TP.HCM được 40 năm, thầy Đại Thanh chuyển qua 7 trường tiểu học, nơi nào cũng nhiều kỷ niệm. Đi qua những vất vả, gian truân, thầy hiệu trưởng càng thương các học trò nghèo, cha mẹ vất vả vươn chải ngoài đường để nuôi đàn con khôn lớn.

Thầy không thể nào quên những năm 1990 tới đầu những năm 2000, kinh tế khó khăn, lương từ nghề giáo không đủ để hai vợ chồng trang trải cuộc sống ở TP.HCM và nuôi nấng 2 con, vợ chồng thầy bàn nhau: đi bán trái cây!

"Vợ tôi cũng là giáo viên. Chúng tôi ngày ấy vừa đi dạy học vừa bán trái cây có lẽ khoảng 10 năm, từ những năm chín mấy tới hai ngàn lẻ mấy. Mỗi sáng sớm vợ tôi chạy xuống khu Chợ Lớn, Chợ Bình Tây lấy hàng rồi bày hàng buổi sáng còn chiều đi dạy. Đến buổi trưa, tôi đi dạy học về thì ra chợ bán tiếp hàng cho vợ. Cứ như thế, vừa dạy học vừa xoay xở bán hàng ở chợ, chúng tôi đi qua những năm tháng khó khăn nhất nuôi dạy các con nên người", thầy Đại Thanh bồi hồi nhớ lại.

Thầy hiệu trưởng và hồi ức bán trái cây không thể quên - Ảnh 4.

Thầy giáo đã công tác trong ngành giáo dục 40 năm

THÚY HẰNG

Các con nối nghiệp cha

Thầy hiệu trưởng cho biết cả gia đình thầy có truyền thống nghề giáo. Cha của thầy từng là giáo viên dạy tiếng Pháp, ông nội cũng nói tiếng Pháp như gió.

"Vợ tôi từng công tác ở Trường THCS Nguyễn An Ninh, Q.12, giờ đã nghỉ hưu. Niềm hạnh phúc nhất của tôi là 2 con gái đã nối nghiệp mẹ cha, nối nghiệp gia đình", thầy Thanh vui vẻ kể.

Con gái lớn của thầy Đại Thanh đang là giáo viên tại Trường tiểu học Nguyễn Thị Định, Q.12. Cô con gái út tốt nghiệp đại học, học thạc sĩ tại Đức và đang là giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.

Những ngày như 20.11 ngày nhà giáo Việt Nam, ngôi nhà nhỏ của vợ chồng thầy ríu ran những bước chân học trò cũ trở về thăm thầy cô.

Thầy hiệu trưởng và hồi ức bán trái cây không thể quên - Ảnh 5.

"Khi nghỉ hưu, tôi sẽ nhớ lắm nơi này, mái trường và các học trò..."

THÚY HẰNG

Thầy giáo ngoài 60 tuổi nhẩm tính chỉ còn vài tháng nữa mình sẽ nghỉ hưu, sẽ nhớ lắm ngôi trường nhỏ bé này mình vẫn lui tới sáng chiều, nhớ lắm tiếng hò reo của học trò giờ ra chơi, nhớ lắm những giờ sinh hoạt dưới cờ tiếng học trò ríu rít…

"40 năm công tác trong nghề giáo với tôi có biết bao nhiêu kỷ niệm. Thời bao cấp khó khăn lắm, mọi thứ đều tem phiếu, rồi vừa đi dạy, vừa đi bán trái cây để kiếm tiền chân chính nuôi các con, nhưng chúng tôi đều đã vượt qua. Chúng tôi không có tài sản gì quý giá truyền lại cho các con ngoài đạo đức để làm nghề. Nghề giáo vất vả, khó khăn, nhưng nếu ai cũng quay lưng, ai sẽ dạy lớp trẻ? Và nếu làm nghề mà chỉ chọn nghề có thu nhập cao mới làm thì tất cả chúng tôi đã không cùng ngồi với nhau ở đây ngày hôm nay", thầy hiệu trưởng xúc động chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.