Anh Trần Văn Tuấn, cư dân chung cư (CC) Golden West (số 2 Lê Văn Thiêm, P.Nhân Chính, Q.Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết từ khi chuyển về đây sinh sống đến nay, chủ đầu tư (Công ty CP phát triển thương mại VN - Vietradico) vẫn chưa hoàn thiện các hạng mục còn dang dở, trong đó đặc biệt là hệ thống PCCC không hoạt động. “Chúng tôi mới xem hệ thống PCCC, máy bơm không hoạt động, nước cứu hỏa thì tậm tịt… Nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn, số mệnh hàng trăm hộ dân sẽ như thế nào”, anh Tuấn bức xúc.
Theo anh Tuấn, cộng đồng cư dân Golden West nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi UBND P.Nhân Chính, Q.Thanh Xuân, Cảnh sát PCCC TP... Tháng 9.2017, Ban Dân vận T.Ư, Văn phòng Quốc hội, đại diện TP.Hà Nội có ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND TP, tham gia kiểm tra CC Golden West, chỉ rõ những sai phạm của chủ đầu tư và yêu cầu khắc phục... nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến gì.
Khoảng 20 giờ 20 ngày 20.3, một đám cháy bất ngờ bùng phát tại cửa căn hộ 904 ở tầng 9, tòa nhà CT2B CC Tràng An Complex (số 1 Phùng Chí Kiên, P.Nghĩa Đô, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) do Công ty TNHH Toàn cầu Tràng An làm chủ đầu tư và GP Invest là đơn vị quản lý tòa nhà. Khi đám cháy xảy ra, hầu hết cư dân trong tòa nhà không hay biết bởi chuông báo cháy không kêu, loa phát thanh không phát thông báo. Một số cư dân phát hiện nhanh chóng loan báo chữa cháy, mất gần 10 phút mới dập được lửa. “Rất may là đám cháy không gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng điều chúng tôi bức xúc nhất là mang tiếng CC cao cấp mà khi có cháy thì hệ thống báo cháy không hoạt động”, anh Phạm Hoàng Nam (37 tuổi, cư dân tòa CT2B) cho biết.
Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2 - Cảnh sát PCCC Hà Nội, khi trả lời báo chí cho biết trên địa bàn Hà Nội còn tồn tại 79 công trình không đảm bảo an toàn PCCC. Cảnh sát PCCC đã mời các chủ đầu tư lên cam kết khắc phục, tuy nhiên tại các công trình này chủ đầu tư đã đưa người dân vào ở nên gây khó khăn cho công tác hoàn thiện các hạng mục PCCC để được nghiệm thu chứng nhận an toàn. Một số công trình đã bị Cảnh sát PCCC ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhiều nhất là 120 triệu đồng. Tuy nhiên, theo đại tá Sơn, mức phạt này chưa đảm bảo tính răn đe. TP.Hà Nội cũng đưa ra biện pháp cắt điện, cắt nước đối với những tòa nhà có chủ đầu tư cố tình không hoàn thiện PCCC để được cấp chứng nhận an toàn.
Đại tá Sơn cũng nhìn nhận, công trình nhà CC mới xây dựng phải được nghiệm thu về PCCC thì mới được đưa vào hoạt động. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí không ký hợp đồng cấp điện, nước. Nhưng thời gian qua, tình trạng chủ đầu tư vì lợi nhuận, muốn bàn giao nhà sớm cho cư dân vào ở khi chưa được nghiệm thu chứng nhận an toàn PCCC khá nhiều.
Ngày 24.3, đại tá Trần Đình Chung, Giám đốc PCCC TP.Đà Nẵng, cho biết đã có văn bản gửi các đơn vị tăng cường kiểm tra, yêu cầu chủ các CC, tòa nhà cao tầng rà soát công tác PCCC. Đại tá Lê Ngọc Hai, Phó giám đốc PCCC TP, cho rằng phải đặc biệt lưu ý đóng các cửa chống khói độc (bởi cửa vốn cơ cấu đóng tự động nên phần lớn người dân hay chèn cửa này để đi lại thuận lợi, rất nguy hiểm nếu xảy ra sự cố) và phải bảo quản, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện PCCC thường xuyên, hằng tuần phải cho khởi động máy bơm. “PCCC TP sẽ có văn bản khuyến cáo sâu hơn và sẽ thông tin, hướng dẫn thêm cho người dân sinh sống trong các CC, nhà cao tầng kỹ năng thoát nạn trong đám cháy”, đại tá Hai nói. (Hoàng Sơn)
|
Bình luận (0)