Lễ vía Linh Sơn Thánh Mẫu - núi Bà Đen
Nếu như đền Hùng có ngày Giỗ Tổ, đền Trần có lễ Khai ấn, đền Bà Chúa Kho có lễ “vay tiền, xin lộc” đầu năm, thì tại núi Bà Đen, Tây Ninh, lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu (thường được gọi là lễ vía Bà) là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất với người Nam bộ.
Gắn liền với huyền tích về Linh Sơn Thánh Mẫu, lễ hội Vía Bà được tổ chức hàng năm vào những ngày đầu tháng 5 âm lịch tại núi Bà Đen. Trải qua nhiều thế kỷ, với giá trị tâm linh, văn hóa đặc sắc, lễ hội đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và là sự kiện thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tìm về.
Trong hai ngày sự kiện "Ngày Tây Ninh tại Hà Nội", người dân Thủ đô sẽ được chiêm ngưỡng những nghi lễ trang trọng, độc đáo của lễ Vía Bà tại triển lãm ảnh và qua các bộ phim sống động giới thiệu về vẻ đẹp của núi Bà Đen - một trong số các huyệt đạo thiêng của cả nước.
Múa trống Chhay dăm
Đây là loại hình múa dân gian của dân tộc Khmer, tồn tại và phát triển hàng trăm năm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Loại hình nghệ thuật độc đáo này đòi hỏi sự đồng điệu giữa động tác của diễn viên và âm thanh, với các động tác khi mạnh mẽ như võ thuật, khi uyển chuyển trong vũ điệu đẹp mắt. Người nghệ sĩ múa trống Chhay dăm không chỉ như một vũ công, mà còn không khác võ sư là mấy với các màn xuống tấn, nhào lộn, khi dùng tay, lúc dùng cùi chỏ, khi lại dùng gót chân để đánh trống.
Múa trống Chhay dăm thường được trình diễn trong các ngày lễ của người Khmer tại Tây Ninh và các lễ hội lớn trên đỉnh núi Bà Đen như lễ hội xuân núi Bà (tháng giêng), dịp tết Chol Chnam Thmay của người Khmer, dịp lễ 30.4, Quốc khánh 2.9…
Được mục sở thị điệu múa uyển chuyển của chính những nghệ sĩ người Khmer Tây Ninh và thử múa trống Chhay dăm cùng các nghệ nhân ngay giữa lòng phố đi bộ Hồ Gươm sẽ là một trải nghiệm đặc biệt lý thú dành cho người thủ đô trong hai ngày cuối tuần 7 - 8.10 tới đây.
Đờn ca tài tử Nam bộ
Từ cả trăm năm trước, đờn ca tài tử đã được hình thành từ nhạc lễ và nhã nhạc cung đình Huế. Nhưng, điều khiến đờn ca tài tử hấp dẫn chính là ở sự bình dị, tao nhã và gần gũi, nơi các nghệ sĩ có thể là nghệ nhân, cũng có thể là bất cứ ai biết diễn tấu vào những ngày nông nhàn. Đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu kết hợp với nhau tạo nên âm thanh tứ tuyệt không thể trộn lẫn cho đờn ca tài tử.
Có ở 21 tỉnh thành phía nam, đờn ca tài tử là loại hình diễn xướng dân gian đặc trưng được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, cũng là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Nam bộ. Đi khắp các tỉnh Đông và Tây Nam bộ, du khách có thể nghe đờn ca tài tử ở bất cứ nơi nào, trong các miệt vườn, các sân khấu biểu diễn ngoài trời hay một quán cóc ven đường.
Trong sự kiện Ngày Tây Ninh tại Hà Nội 2023, du khách không chỉ được nghe các nghệ nhân Tây Ninh tái hiện giai điệu Nam bộ độc đáo này, mà còn có thể tham gia thử tài hát vọng cổ Nam bộ cùng nghệ sĩ - một trong những trải nghiệm thú vị hứa hẹn sẽ thu hút rất nhiều du khách tại sự kiện.
Muối tôm Tây Ninh
Các gian hàng muối tôm Tây Ninh luôn thu hút rất đông du khách tại sự kiện Ngày Tây Ninh tại Hà Nội. Có thể thấy, không phải đợi đến năm 2023, khi nghề làm muối tôm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thì muối tôm Tây Ninh mới nổi tiếng khắp xứ.
Ba nguyên liệu chính không thể thiếu trong món muối đặc sản này chính là tôm khô, muối hột, bột ớt. Các nguyên liệu sẽ được xay nhuyễn, thêm sả và tỏi theo tỷ lệ nhất định. Công đoạn cuối cùng là rang trên chảo nóng, đây cũng là giai đoạn phức tạp nhất để hoàn thành món muối thơm ngon. Cứ thế, vị mặn mặn cay cay trộn lẫn với vị ngọt thơm của tôm và hương vị hành tỏi phi tạo thành thứ hương vị không thể trộn lẫn của muối tôm Tây Ninh.
Ban đầu muối ớt, muối tôm được các chị, các mẹ ở hậu phương gửi vào rừng tiếp tế cho chiến sĩ cách mạng. Sau giải phóng, muối không chỉ được dùng ăn với cơm nữa mà để chấm trái cây, khách đến hành hương chiêm bái núi Bà Đen và thăm Tòa thánh Cao Đài thấy ngon mua về làm quà. Miếng ngon nhớ lâu, muối tôm Tây Ninh cứ thế mà nổi tiếng, phát triển thành nghề lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ai đi Tây Ninh về mà không mang theo lọ muối tôm là đã thiếu mất thứ gia vị đặc trưng vốn chỉ của mảnh đất vùng biên này.
Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng
Vùng Trảng Bàng với ngày nắng, đêm sương cùng tay nghề kỹ thuật tráng bánh hai lớp, nướng, phơi sương, được truyền từ đời này qua đời khác đã hình thành một làng nghề truyền thống độc đáo và món ăn nức tiếng Tây Ninh.
Để có được chiếc bánh tráng ngon, người làm bánh phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ chọn gạo, vo gạo, ngâm gạo, xay bột, pha bột, tính toán kỹ lưỡng thời gian liều lượng để bánh vừa mềm, trắng, vừa có độ dai. Cầu kỳ nhất là phơi bánh ngoài sương phải canh lúc tờ mờ sáng độ 1 - 2 giờ mới đưa vào ép, cắt rìa, cho vào bọc để giữ được độ mềm, xốp, dai của chiếc bánh.
Được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2016, nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng là niềm tự hào của Tây Ninh. Được trưng bày tại các gian hàng trong Ngày Tây Ninh tại Hà Nội, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng chắc chắn sẽ là thức quà vùng biên hấp dẫn người dân Thủ đô đến tham dự.
Bình luận (0)