Mục tiêu lọt vào tốp 10 châu Á của đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Troussier có khả thi?

24/05/2023 18:33 GMT+7

Mục tiêu dài hạn của đội tuyển Việt Nam là lọt vào tốp 10 châu Á, đây là đích ngắm đầy thách thức, nhưng vẫn khả thi với HLV Troussier cùng học trò.

Tại Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khóa 9 diễn ra cuối năm 2022, mục tiêu đưa đội tuyển Việt Nam lọt vào tốp 10 châu Á từng được đưa ra thảo luận, trước khi được chốt trở thành đích ngắm lâu dài của bóng đá Việt Nam ở năm 2030. Ngoài ra, đội tuyển Việt Nam còn mục tiêu lọt vào tứ kết Asian Cup 2023, vòng loại thứ ba World Cup 2026, hay xa hơn là dự World Cup 2030.

Tại SEA Games 32, sau trận tranh HCĐ với U.22 Myanmar, HLV Philippe Troussier nhắc lại mục tiêu này: "Chúng tôi đang trong quá trình xây dựng lối đá, không chỉ là hướng tới Đông Nam Á, mà còn là tốp 10 châu Á".

Mục tiêu lọt vào tốp 10 châu Á của đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Troussier có khả thi? - Ảnh 1.

Mục tiêu lọt vào tốp 10 châu Á của đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Troussier có khả thi? - Ảnh 2.

HLV Troussier sẽ bắt đầu hành trình với đội tuyển Việt Nam vào tháng 6

NGỌC DƯƠNG

Nhà cầm quân người Pháp nêu rõ quan điểm chiến thuật của mình, đó là kiểm soát. Không chỉ dừng ở kiểm soát bóng, mà còn là kiểm soát trận đấu, làm chủ nhịp độ thi đấu. Đây là phong cách thi đấu của các đội tuyển hàng đầu. Thay đổi về triết lý chơi bóng được ông Troussier đặt ra nhằm nâng tầm bóng đá Việt Nam.

Trên bảng xếp hạng FIFA, đội tuyển Việt Nam đứng hạng 95 thế giới và hạng 16 châu Á. Thực tế thứ hạng FIFA chỉ mang tính tham khảo. Dưới thời HLV Park Hang-seo, đội tuyển Việt Nam từng vào tới tứ kết Asian Cup 2019 (tương đương tốp 8 châu Á) và vòng loại thứ ba World Cup 2022 (tốp 12 châu Á), nhưng chưa thể nói thực lực đã nằm trong tốp 10.

Ở châu Á, nhóm ưu tú nhất gồm những đội tuyển thường xuyên dự vòng chung kết World Cup tính trong khoảng 20 năm qua. Đó là Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ả Rập Xê Út và Iran. Đây cũng là 5 đại diện châu Á (cùng chủ nhà Qatar) dự World Cup 2022 vừa qua. Nhóm hai gồm các đội tuyển hiếm khi dự World Cup, nhưng thường đi sâu ở các giải châu Á và là "khách quen" của vòng loại thứ ba World Cup, như UAE, Iraq, Uzbekistan, Oman, Jordan, Syria, Trung Quốc, Qatar và Bahrain. Đội tuyển Việt Nam hay Thái Lan mới đang nằm ở tiệm cận nhóm hai, tức là đã góp mặt ở vòng loại cuối World Cup nhưng chưa nhiều.

Mục tiêu lọt vào tốp 10 châu Á của đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Troussier có khả thi? - Ảnh 3.

Đội tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup 2022

AFP

Mục tiêu lọt vào tốp 10 châu Á của đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Troussier có khả thi? - Ảnh 4.

Đội tuyển Việt Nam đã có những bước chuyển mình

VFF

Để lọt vào tốp 10 châu Á, đội tuyển Việt Nam cần có một vị trí ổn định trong nhóm hai, tức là ngang ngửa UAE, Iraq, Uzbekistan hay Oman,... Dưới thời HLV Park Hang-seo, đội tuyển Việt Nam từng thắng UAE, Jordan, hay chỉ thua Iraq ở phút cuối,... Dù vậy, 8 trận thua ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 cho thấy vẫn có khoảng cách nhất định giữa đội tuyển Việt Nam với nhóm hàng đầu.

Bình luận viên (BLV) Quang Huy nêu quan điểm: "Đội tuyển Việt Nam đã lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022, nhưng lối chơi phòng ngự phản công khó giúp chúng ta tiến xa. Tôi chờ đợi ông Troussier mang đến lối đá tấn công với mức độ kiểm soát, chủ động cao hơn". 

Dù vậy, để có mặt trong hàng ngũ 10 đội mạnh nhất châu Á, việc ông Troussier thay đổi triết lý chơi bóng chỉ là phần ngọn của vấn đề. Bóng đá Việt Nam cần đầu tư và có chiến lược bài bản ở nhiều cấp độ đội tuyển lẫn CLB để phát triển đồng đều. Cú vấp của U.22 Việt Nam ở SEA Games 32 cho thấy nếu không đầu tư bền bỉ mà chỉ trông đợi vào tài năng của HLV trưởng, cũng rất khó vô địch ngay cả trong khu vực Đông Nam Á. Khi đầu tư bài bản rồi, mới có thể nhìn thấy khả năng thành công của mục tiêu tốp 10 châu Á. 

Mục tiêu lọt vào tốp 10 châu Á của đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Troussier có khả thi? - Ảnh 5.

Các cầu thủ cần được đầu tư bài bản

AFP

Chuyên gia Đoàn Minh Xương đánh giá: "Bóng đá Việt Nam ở giai đoạn chuyển giao, nhưng lại chưa có nhiều tài năng trẻ nổi trội. Tôi cho rằng, HLV Troussier và VFF cần ngồi lại để đánh giá lực lượng hiện tại, chuẩn bị cho mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Với mục tiêu trước mắt, nòng cốt đá vòng loại World Cup 2026 và Asian Cup 2023 vẫn là lực lượng hiện nay của đội tuyển, có thể kết hợp với một số cầu thủ U.22. Sau Asian Cup 2023, chúng ta sẽ biết đội tuyển Việt Nam đang đứng ở đâu. Còn với mục tiêu lâu dài, bóng đá Việt Nam và ông Troussier cần đầu tư dài hạn cho U.17 và U.20 Việt Nam bởi đây là nòng cốt đá vòng loại World Cup 2030. 

Bóng đá Việt Nam còn nhiều vấn đề mà VFF, CLB, Tổng cục TDTT và Bộ VH-TT-DL cần xây dựng lộ trình đồng bộ, xây dựng yếu tố nền tảng để phát triển. Cần có bệ phóng vững vàng như bóng đá học đường, đào tạo trẻ, phát triển hệ thống thi đấu, thay vì đầu tư kiểu "gọt bút chì", đến một lúc nào đó sẽ hết cả gỗ lẫn chì. Đầu tư bài bản như thế rồi mới nghĩ được đến tốp 10. HLV Troussier rất giỏi, nhưng nếu không có quỹ thời gian xây dựng lối chơi và chất lượng cầu thủ không đáp ứng được thì rất khó thành công. Việc nâng tầm đội tuyển Việt Nam cần thay đổi tư duy và cả cách làm. Ông Troussier muốn thay đổi triết lý chơi bóng với thế hệ mới của bóng đá Việt Nam, nhưng tôi cho rằng điều đó sẽ rất khó khăn và đòi hỏi kiên nhẫn". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.