Dự đoán là có nhiều ý kiến tâm huyết về các nút thắt của nền kinh tế, những vấn đề bức xúc trong xã hội.
Nhưng nếu theo dõi hầu hết các phiên thảo luận tại Quốc hội (QH) cũng như các phiên thảo luận về tài chính, ngân sách mấy ngày gần đây sẽ thấy, vẫn có đại biểu QH thể hiện sự nhận biết vấn đề của ngành, của địa phương, hơn là nơi bàn về các giải pháp để giải quyết các bức xúc mà cử tri mong đợi.
Khi nói về các mục tiêu cũng vậy, chúng ta thường nêu quá nhiều mục tiêu mà chưa có định hướng mũi nhọn. Trong khi, trong lý thuyết kinh tế vĩ mô, lựa chọn mục tiêu đúng là yếu tố quyết định sự thành công của một nền kinh tế.
Theo kinh nghiệm phát triển của nước láng giềng Singapore, họ đã lựa chọn đúng mục tiêu trong điều hành vĩ mô và quản lý xã hội. Các mục tiêu nổi bật là giáo dục, là dựa vào thương mại và đầu tư để đạt các mục tiêu phát triển (thay vì dựa vào tài trợ nước ngoài; nâng cao khả năng tự lực của người dân), là đề cao sự trung thực và chính quyền không tham nhũng.
20 năm qua, lượng vốn ODA đổ vào VN là 90 tỉ USD, gần bằng 1/2 GDP hiện tại, và bài toán tụt hậu vẫn luôn cần lời giải.
Ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế VN đang phải vật lộn với nhiều nút thắt. Nhưng theo khuyến cáo của WB thì một trong những thắt cổ chai là năng suất lao động của chúng ta quá thấp. Có lẽ các đại biểu QH nên quan tâm đến khuyến cáo này, bởi năng suất lao động luôn được ví như đôi cánh của bất kỳ nền kinh tế nào. Năng suất lao động của VN đang thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, Malaysia 5 lần.
Do vậy, rất cần thiết việc thảo luận và ban hành các chính sách nhằm một mục tiêu tăng năng suất lao động. Năng suất lao động thấp là nguyên nhân của hầu hết vấn đề trong nền kinh tế hiện nay, mà bản chất của nó là vấn đề chất lượng con người, là hàm lượng khoa học kỹ thuật trong sản phẩm được tạo ra. Nếu không cải thiện được vấn đề này thì nền kinh tế VN sẽ còn nút thắt và chật vật phát triển.
Bình luận (0)