Trong phiên thảo luận tại hội trường về tái cơ cấu kinh tế chiều 2.11, hai Bộ trưởng TN-MT và NN-PTNT đã có những thông điệp đáng chú ý về tháo gỡ nút thắt nhằm tạo điều kiện cho tích tụ đất đai.
Trước đó, gần 30 ý kiến phát biểu trước phần giải trình của tư lệnh hai ngành trên đều phản ánh tình trạng tái cơ cấu còn chậm, mà một trong những cản trở là chính sách đất đai không cho phép tích tụ ruộng đất.
Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, thực tế hiện nay cho thấy nơi nào mà doanh nghiệp và nông dân tích tụ được ruộng đất cỡ hàng trăm ha thì đều sản xuất rất tốt. Ông Cường dẫn chứng, tại Hải Dương có nông dân trồng lúa trên diện tích 200 ha là có sản phẩm xuất khẩu; hay chuyện một hộ ở Hưng Yên có 120 ha chuối thì sản phẩm cũng được xuất thẳng đi Nhật.
"Rõ ràng nút thắt đầu tiên đang là chính sách hạn điền. Nếu Quốc hội cho phép sửa điều 129 luật Đất đai để cho phép tích tụ đến một ngưỡng thích hợp đủ lớn thì sẽ thúc đẩy sản xuất phát triển", ông Cường kiến nghị.
tin liên quan
Nông nghiệp khó làm ăn lớn vì... thiếu đấtTư lệnh ngành Nông nghiệp cũng chia sẻ, ở đâu đó vẫn còn lo ngại cho phép tích tụ đất đai sẽ đưa đến hệ lụy là tài nguyên này rơi vào tay một số người, khiến nông dân mất ruộng. "Vừa rồi chúng tôi đi thực tế, hàng chục mô hình sản xuất có tích tụ thì điều này rất khó xảy ra. Thứ nhất là vì doanh nghiệp tính toán rất kỹ quy mô thế nào để phù hợp với khả năng quản trị của mình. Trong khi đó họ cũng cần người làm nên phải thuê lại 4 - 6 nông dân/1 ha. Khi đó nông dân thành công nhân với thu nhập ổn định từ 3 - 5 triệu/người/tháng", Bộ trưởng trấn an.
Phát biểu liền sau đó, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng TN-MT bày tỏ ủng hộ những chia sẻ của người đồng cấp ngành nông nghiệp. Bộ trưởng Hà cho biết, hai ngành đã thảo luận và đang có kế hoạch đề xuất thành lập một ngân hàng quỹ đất để những người dân chưa có nhu cầu sử dụng thì có thể gửi vào đây, trong khi những nông dân hay doanh nghiệp có nhu cầu làm ăn lớn cũng sẽ có niềm tin để thuê sử dụng lâu dài, ổn định.
Bình luận (0)