Thay đổi tư duy
Từ hàng chục năm trước đã có xu thế người nông dân tích dồn ruộng đất để làm ăn lớn, điều này phù hợp với quy luật phát triển. Muốn làm ăn lớn thì phải có diện tích đất lớn. Việc phân chia đất đai dẫn đến người nông dân chỉ làm cầm chừng, mạnh ai nấy làm và chủ yếu làm bằng thủ công, khó áp dụng cơ giới theo kiểu công nghiệp được. Vì vậy, muốn phát triển kinh tế nông nghiệp, việc đầu tiên là phải thay đổi tư duy quản lý.
Nguyễn Minh Hoàng (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng)
Học hỏi các nước
Điều nghịch lý là ở VN dành một tỷ lệ diện tích đất đai rất lớn cho nông nghiệp nhưng lại bị chia nhỏ nên hiệu quả không cao. Ở những nước phát triển, người ta không cần sử dụng diện tích đất đai lớn dành cho nông nghiệp như VN. Tuy nhiên, họ làm theo kiểu công nghiệp trong nông nghiệp, số lượng người làm nông nghiệp ít nhưng đã làm nông dân thì đều có những cánh đồng rộng lớn hàng trăm héc ta. Nhờ vậy, họ mới có thể áp dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Vì vậy, nên học hỏi những nước phát triển thì nông nghiệp VN mới có cơ hội phát triển.
Trần Đăng Ninh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Phù hợp với xu thế
Trong tương lai, tỷ lệ người làm nông nghiệp sẽ giảm dần. Cạnh đó, khoa học kỹ thuật phát triển thì nhu cầu tích tụ ruộng đất, sử dụng diện tích đất nông nghiệp rộng lớn sẽ diễn ra. Vì vậy, nhà nước phải có tầm nhìn xa và phải dự liệu trước, tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất mà không bị rào cản pháp lý nào. Để đảm bảo công bằng cho người dân, nhà nước nên đưa ra các mô hình kinh tế phù hợp để người không có đất vẫn có thể lao động sản xuất bình đẳng với những người làm chủ ruộng đất với tư cách là công nhân, đem lại thu nhập cho họ. Đó cũng là xu thế mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng.
Nguyễn Công Phúc (H.Củ Chi, TP.HCM)
Lạc hậu
Thực tế cho thấy những người nông dân giỏi đều là những người có trong tay diện tích đất rộng lớn. Nếu họ làm ăn chân chính, bằng chính sức lao động của mình, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, tạo ra việc làm cho cộng đồng thì phải khuyến khích họ. Quy định mỗi người chỉ được cấp 3 ha đất đến nay đã quá lạc hậu rồi. Thời đại hiện nay không còn phù hợp với lối sống tự cung tự cấp nữa, nên nhà nước không cần phải “bảo hộ” cho người dân với chính sách mỗi người nông dân đều phải có ruộng để sản xuất. Cho phép một người được sử dụng nhiều ruộng đất không có nghĩa là những người không có đất mất việc làm, mà họ vẫn làm việc ở một vai trò khác, có khi còn hiệu quả hơn.
Nguyễn Bằng Giang (Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Bùi Minh Khang (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng)
Phạm Ngọc Uyên (Q.10, TP.HCM)
An Phong - Sơn Hải (thực hiện)
|
Bình luận (0)