Xây thương hiệu gạo Việt trên giống ngoại: Phải tự chủ ngay từ hạt gạo

06/10/2016 11:12 GMT+7

Đó là ý kiến nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Xây thương hiệu gạo Việt trên giống ngoại! đăng trên Thanh Niên ngày 5.10.

Không nên lệ thuộc
Đọc bài viết về thương hiệu gạo của quý báo mà tôi thấy rất buồn, vì sự lệ thuộc. Trong khi VN có nền nông nghiệp lúa nước lâu đời, sản lượng gạo xuất khẩu cũng rất lớn, vậy mà không tự chủ được một số giống lúa thuần Việt, phải “vay mượn” đặc tính của gạo Trung Quốc để áp cho gạo Việt. Tại sao lại thiếu tính tự chủ đến vậy? Không nên lệ thuộc kiểu như vậy nữa!
Nguyễn Thanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Đứng trên chân của mình
Vấn đề hạt gạo, nhưng tầm vóc còn lớn hơn rất nhiều. Đó là uy tín của một quốc gia. Hãy đứng trên đôi chân của mình. Trong nhiều năm qua, sự cố gắng của các nhà khoa học để cho ra đời nhiều giống lúa mới, nhưng sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý chuyên ngành đến đâu, mà để bây giờ lại phải “vay mượn”, đối phó như thế. Chúng ta có thể tạo ra các giống lúa tốt, vấn đề là phải có sự động viên, kích thích sáng tạo. Nếu không làm được điều này thì sẽ rất khó có được giống lúa tốt để xây dựng được thương hiệu gạo Việt.
Văn Giảng (Q.1, TP.HCM)
Tạo giống lúa mới
Singapore dù không phải là nước nông nghiệp nhưng những nhà khoa học của họ vừa cho ra đời giống lúa với giá bán rất cao. Còn ở ta, trong vài chục năm qua có bao nhiêu giống lúa mới được nghiên cứu và cho ra đời? Có thể có nghiên cứu và tạo được giống mới đấy nhưng chắc là không áp dụng được vào thực tiễn bởi nông dân hiện chỉ toàn trồng lúa ngoại. Thế mới thấy thế khó của xây dựng thương hiệu gạo cho VN là người dân không chịu trồng lúa giống thuần Việt vì cho sản lượng kém. Muốn thương hiệu gạo Việt được uy tín, được cả thế giới tin dùng thì khâu nghiên cứu tạo giống lúa mới, thuần Việt là vô cùng quan trọng.
Võ Thị Như Châu (Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ)
“Râu ông nọ cắm cằm bà kia”
Gạo Việt phải có cái gì đặc trưng, độc đáo. Mà điều này thì nhiều giống lúa của VN có được. Vậy sao không sàng lọc, chọn lựa và phát triển giống lúa thuần Việt mà lấy giống ngoại để làm thương hiệu cho mình. Làm vậy thì ai tin tưởng gạo Việt và làm sao gạo Việt có sức cạnh tranh với thương hiệu gạo của các nước khác trên thị trường quốc tế. Lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia” kiểu đó, khi có chuyên gia hỏi đến thì trả lời là “nhầm” thì thật quá đáng. Không biết những người đứng ra xây dựng thương hiệu gạo Việt thực sự có tâm hay chỉ để đối phó, thực hiện quyết định của Thủ tướng?
Đỗ Thị Khánh Linh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Đầu tư cho tư nhân
Đặc trưng của ngành lúa gạo VN hiện nay là chưa tạo dựng được những vùng nguyên liệu chuẩn, các doanh nghiệp, hợp tác xã hay tư nhân mỗi nơi trồng lúa mỗi kiểu. Để thay đổi điều này rất khó. Vì vậy, để xây dựng thương hiệu gạo Việt thì tốt nhất nhà nước cứ giao và hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, hợp tác xã, thậm chí cá nhân để họ xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó cần dần dần hình thành những đồng lúa quy mô lớn để phát triển số lượng cho gạo thương hiệu.
Nguyễn Văn Quang (TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
       
Là một trong ba cường quốc về xuất khẩu gạo nhưng VN chưa xây dựng được một thương hiệu gạo cho riêng mình. Đấy là do chúng ta chỉ chú trọng đến số lượng mà quên đi chất lượng, tạo dựng thương hiệu. Đây là thiệt thòi cho gạo Việt khi giá cả khó cạnh tranh được với gạo có thương hiệu của các nước khác. Vì vậy, việc tạo thương hiệu cho gạo Việt là cần thiết nhưng không vì vội vã mà lấy giống ngoại làm thương hiệu cho mình.
Huỳnh Ngọc Sang (H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai)
       
Thương hiệu gạo Việt thì trước tiên đó phải là giống thuần Việt. Song song đó giống này phải cho năng suất cao, và được trồng đại trà ở những vùng nguyên liệu cụ thể. Gầy dựng thương hiệu phải song song với việc phải có sản lượng gạo để xuất khẩu. Nếu sản lượng quá ít thì sức lan tỏa của thương hiệu cũng không được xa rộng.
Nguyễn Thị Mai Thanh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
An Phong - Duy Khang (thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.