‘Mufasa’: Phần tiền truyện ‘Vua sư tử’ nặng hình thức, yếu nội dung

19/12/2024 16:43 GMT+7

'Mufasa: The Lion King' tạo thiện cảm với bối cảnh thiên nhiên rộng lớn cùng phần kỹ xảo vi tính mướt mắt, song khiến người xem hụt hẫng do kịch bản lan man, nhiều tình tiết bất hợp lý.

Ra mắt cuối năm nay, Mufasa: The Lion King (tựa Việt: Mufasa: Vua sư tử) lấy mốc thời gian khi cha của Simba còn là chú sư tử nhỏ bị lạc gia đình sau cơn bão. Cậu được Nữ hoàng Eshe và Vua Obasi cưu mang, trở thành anh trai kết nghĩa của Hoàng tử trẻ Taka - về sau là nhân vật phản diện Scar.

Khi gã bạo chúa Kiros lãnh đạo binh đoàn Ngoại đạo xâm chiếm vương triều, Mufasa và Taka trở thành kẻ lưu vong. Định mệnh khiến họ gặp gỡ Sarabi - nàng công chúa đến từ vùng đất khác. Cũng từ đây, tình anh em của hai sư tử trẻ gặp nhiều thách thức, dần rạn nứt và khiến họ trở thành kẻ tử thù của nhau sau này.

‘Mufasa’: Phần tiền truyện ‘Vua sư tử’ nặng hình thức, yếu nội dung- Ảnh 1.

Phần tiền truyện khai thác mối quan hệ từ anh em sang kẻ thù giữa Mufasa và Taka

Ảnh: Disney

Những chương truyện chưa kể của bộ phim điện ảnh kinh điển

Ra mắt năm 1991, thương hiệu hoạt hình The Lion King được đại chúng đánh giá là một trong những tác phẩm không tuổi, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ khán giả. Nhiều nhà phê bình quốc tế đánh giá giai thoại sư tử Simba giành lại ngôi vương từ người chú tàn ác Scar có thể ví như “Hamlet của thế giới động vật”, vừa phù hợp với khán giả mọi lứa tuổi vừa có tính nhân văn cao.

Trên thực tế, Mufasa: The Lion King không lấy nhiều chất liệu từ bản gốc kể trên, mà đóng vai trò là phần tiếp nối/tiền truyện của bản remake cùng tên ra mắt năm 2019. Vì thế, nhiều tình tiết cũng được thay đổi cho phù hợp.

So với phần phim năm 2019, bản tiền truyện đầu tư nhiều hơn ở phần nhìn. Bối cảnh của Mufasa: The Lion King không còn gói gọn ở Pride Land (Vùng đất tự hào), mà dõi theo bước chân của Mufasa và Taka, trải dọc từ vùng thảo nguyên trù phú, đến những vùng núi tuyết lạnh lẽo. Phim kết hợp linh hoạt giữa đại cảnh thiên nhiên thật và CGI (kỹ xảo vi tính), mang đến những khung hình nịnh mắt, đẹp đến thổn thức.

‘Mufasa’: Phần tiền truyện ‘Vua sư tử’ nặng hình thức, yếu nội dung- Ảnh 2.

Mufasa: The Lion King tập trung đầu tư ở khâu hình ảnh

Ảnh: Disney

Trong các cảnh chiến đấu, nhà làm phim sử dụng kỹ thuật motion capture (bắt chuyển động), mang đến những màn đối đầu nảy lửa, chân thực hơn. So với bản 2019, phim sử dụng nhiều góc cận hơn, khắc họa tốt tính khốc liệt mỗi khi muông thú giao tranh. Đồng thời, đối trọng với tạo hình sư tử giống với thực tế là phe phản diện, gồm lũ sư tử trắng to lớn, quỷ dị; mang đến độ tương phản cao, tăng tính nghệ thuật trong nhiều cảnh phim.

Phần hình ảnh đã mắt là thế, song yếu tố khác làm nên thương hiệu Vua sư tử - âm nhạc - lại thiếu điểm nhấn. Mufasa: The Lion King sở hữu nhiều bài hát dài hơi nhưng thiếu điểm nhấn, ca từ chưa đủ ý nghĩa như phần phim 1991. Nếu khán giả từng mê đắm với loạt ca khúc bất hủ như The Circle of Life, I Just Can’t Wait to Be King... thì phần phim mới cũng có những giai điệu mang thông điệp tương tự, tuy nhiên khó tìm được điểm chạm với các fan lâu năm.

Kịch bản thiếu chiều sâu

Có thể thấy rõ thông điệp mà Mufasa: The Lion King muốn truyền tải là gốc gác không quan trọng bằng phẩm chất. Mufasa xuất thân từ tầng lớp thường dân, qua bao phen lửa thử vàng mới bộc lộ được khí chất của bậc đế vương.

Ngược lại, Taka mang dòng máu vương giả, nhưng hèn nhát, nên đành chịu cảnh lép vế. Tuy nhiên, cách thể hiện của phim lại nặng tính sắp đặt, khi tạo ra nhiều cơ hội để Mufasa trở thành anh hùng cứu nguy, nhưng phớt lờ những phẩm chất đáng quý khác của Taka, vốn được xây dựng ở đầu phim.

‘Mufasa’: Phần tiền truyện ‘Vua sư tử’ nặng hình thức, yếu nội dung- Ảnh 3.

Kịch bản của Mufasa: The Lion King nặng tính sắp đặt

Ảnh: Disney

Nhiều chi tiết sắp đặt tạo nên sự khiên cưỡng trong kịch bản. Ban đầu, Taka là cậu sư tử nhỏ tử tế, có sức mạnh thể chất và trí tuệ ngang tầm Mufasa. Nhưng đến giữa tác phẩm, để hợp lý hóa tương lai trở thành phản diện của cậu, nhà làm phim để Taka đổi nết đột ngột, trở thành kẻ luôn lép vế trước ông anh. Biến cố khiến huynh đệ tương tàn cũng được xây dựng không đủ thuyết phục, mang đến sự hụt hẫng cho người xem.

Ngoài ra, mạch phim thiếu tính liên tục, nhiều lần bị đứt gãy. Tác phẩm xen kẽ hai mốc thời gian quá khứ và hiện tại, khi nhà hiền triết Rafiki kể lại cho sư tử con Kiara những giai thoại về ông mình. Tuy nhiên, điều này lại khiến tác phẩm mang tính kể lể, dài dòng, trong khi tất cả có thể được khắc họa qua hình ảnh. Tuyến nhân vật Timon - Pumbaa tiếp tục trở lại với vai trò tấu hài, nhưng lần này lại kém duyên và lan man hơn phần trước.

‘Mufasa’: Phần tiền truyện ‘Vua sư tử’ nặng hình thức, yếu nội dung- Ảnh 4.

Việc xen kẽ quá khứ - hiện tại, cùng vài tuyến vai thừa khiến mạch phim loãng

Ảnh: Disney

Tóm lại, Mufasa: The Lion King là phim điện ảnh có chất lượng giải trí chấp nhận được, không đột phá khi so với những bom tấn khác ra rạp trong năm nay của Nhà Chuột. Khán giả nhí sẽ dễ thấy hứng thú với phim hơn người trưởng thành, đặc biệt là những ai từng có tuổi thơ gắn bó với thương hiệu Vua sư tử lừng danh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.