Mùi của rác - Truyện ngắn của Nguyễn Trí

03/12/2017 07:52 GMT+7

Hôm ấy mới chín giờ sáng nhưng những cái loa phóng thanh trên các con đường ở xã đã phát trên chục lần cái tin: “Đề nghị nhân dân trong toàn xã tạm dừng đóng tiền thu gom rác cho thầu rác Mai Thị Xuyên”.

Ái chà chà... vụ này lớn à. Có chuyện chi vậy kìa? Xin quý quan anh, quý ngài hưu trí và mấy ông con thất nghiệp ghé cà phê cóc Năm Lựu Đạn đấu cho ra cái sự đời.
Quán của Năm Lựu Đạn là nơi thiên hạ đến để nói láo mà chơi, nghe láo chơi. Bà vợ có ông chồng mê gái cà phê ôm, ông cha có đứa con nghiện hút, đến con ông đó bà kia phụ bán quán karaoke cao cấp, được bày ra để cùng nhau thở dài. Thở ra lời rằng:
- Bán quán bà cha nó chớ quán. Bán thân thì có.
- Kệ người ta.
Một người lắng tai nghe loa:
- Không đóng tiền thu gom rác cho mẹ Xuyên. Vụ gì nữa đây?
- Không đóng là phải lắm - già tên Mao lên tiếng - Tôi là tôi ghét bà này. Trong khi mọi người trong khu dân cư chỉ đóng ba mươi nghìn một tháng, còn tôi bà ấy đòi thu một trăm tám.
- Tại ông bán quán phở. Rác nhiều thì vậy thôi. Có chi đâu mà ghét người ta.
- Đồng ý là nhiều, nhưng giỏi lắm gấp ba hộ khác chớ bi nhiêu. Một trăm là được rồi. Đằng này thắt họng quá.
- Thôi cha nội. Một ngày bán cả trăm tô. Biết bao nhiêu là rác rưởi mà bo siết làm chi. Ông không thấy mấy thằng bốc rác khổ và bẩn thỉu như... như... như gì nhỉ? Tôi nói thật... con giun còn sạch sẽ hơn.
Năm Lựu Đạn xen chuyện:
- Tao theo phe mày đó Đức Đen. Mấy thằng bốc rác là đáng thương nhứt trần ai khoai củ này.
- Ngó vậy chứ rác thơm lắm đó ông Năm - già Mao nói.
- Thơm với tho... bay không biết rằng...
Rằng... phải trong chăn mới biết chăn có rận. Chỉ cần một xe rác chạy ngang là dân tình đã chun mũi vì cái mùi chua lòm của nó. Cái mùi này nhiều tiểu thơ khuê các, cả công tử con nhà sẽ ói ra mật xanh nếu tình cờ đứng hơi lâu bên xe rác. Bị kẹt bởi đèn đỏ chẳng hạn. Nhưng đó chỉ là thoáng qua. Làm phu bốc rác, ở những địa bàn bình thường tương đối, còn sâu và xa thì lắm nỗi đoạn trường. Rác rưởi của cơm thừa canh cặn, cả chó mèo, chuột chết được cho vào túi ni lông rồi vất vô thùng chứa. Hơi nóng sẽ khiến vi sinh vật phát sinh. Bốc một túi rác vất lên xe là ti tỉ giòi bọ bu trên áo quần và thân thể phu phen. Trong một thùng chứa thì cả hàng trăm túi như vậy. Đó là những thùng rác thường, còn những thùng rác ở những nhà nghỉ bình dân mới thật là kinh rợn. Ai cũng biết nhà nghỉ loại này là nơi trai gái thuê theo giờ. Túi ni lông ở đây chứa toàn “OK” đã qua sử dụng. Nhưng những thứ cực kỳ bẩn thỉu và hôi hám ấy chả có chi đáng kể so với...
- Với gì vậy chú Năm?
- Những khi xe bị trục trặc kỹ thuật hay đề pô rác quá tải không thể thu rác đúng kỳ hạn. Chỉ cần trễ hai ngày thì rác không chua nữa mà thối. Nó thối như mùi phân bắc sống. Và nếu trễ chừng năm ngày thì tụi mày biết nó có mùi gì không?
- Mùi gì chú?
- Mùi người chết để lâu
không chôn.
- Kinh khủng khiếp vậy à? Sao chú biết?
- Trước tao có ông anh chết trận. Người ta gói xác vô túi ni lông. Má tao vào Chung sự nhận xác, thương con quá bà mở túi ra và cái mùi đó xộc vô mũi... thiệt mà nói, đến chết tao cũng không quên. Và...
Và - Năm Lựu Đạn trầm ngâm - với phu rác thì chuyện xe hư, đề pô rác quá tải là chuyện thường.
- Bộ chú Năm từng làm nghề này hả?
- Ừ... hồi mới tù về. Tao...
- Tù? Ông làm gì mà dính tù?
- Cũng quậy quọ như tụi mày bây giờ, lỡ tay cho đối phương một cái chai vô đầu nên tù. Thân phận thằng tù về đời luôn luôn bị tha nhân nhìn với mắt bỉ khinh. Không ai thuê mướn nên tao phải đu đeo theo rác. Làm được một năm với biết bao buồn vui khổ hận, tao rành. Buồn nhứt là gì bay biết không?
- Dà... tiếp đi chú.
- Lúc đó tao chưa vợ con nên lâu lâu cũng gái gú quên sầu. Có những em vừa ngồi xuống tâm sự là từ chối tao ngay.
- Sao vậy chú?
- Họ ngửi ra cái mùi chua lòm của rác. Cái mùi mà chính tụi mày cũng chun mũi chửi thề khi xe rác chạy ngang. Hiểu không? Nhưng không phải vì vậy mà tao bỏ nghiệp này. Tao bỏ là vì một nguyên nhân khác đau đớn hơn, bất nhẫn hơn.
- Gì dữ vậy chú?
- Ừ... dữ lắm. Hôm đó tao nhặt được một xác thai nhi...
- Úy... mẹ ơi...
Già tên Mao gật gật:
- Ông Năm à. Chuyện của ông đã mấy chục năm rồi. Ông không biết chứ phu rác bây giờ cũng “thơm” lắm. Ông biết lương họ một tháng bao nhiêu không? Cho ông đoán đó.
- Năm triệu - gã trai tên Đức Đen nói.
- Năm triệu mày làm không? Cho nói lại đó.
- Thua. Con thua rồi chú Mao.
- Mười lăm triệu đó con. Nghiệp bẩn thỉu mà rẻ ai thèm làm. Đúng không Năm Lựu Đạn? Để tôi nói cho bạn già nghe. Phải thấu đáo mới hiểu vì sao hôm nay mấy cái loa ông ổng tạm dừng đóng phí rác cho mẹ Xuyên. Có một cuộc chiến xoay quanh vụ rác rưởi này đó bạn già. Rằng thì là...
***
Ông có biết - già Mao tiếp tục - bà Xuyên làm rác bao nhiêu năm rồi không? Và để làm được và được làm không dễ đâu nghe. Thuở mà xứ này lèo tèo dăm ba cái nhà thì rác được tống xuống sông suối và lô cao su. Với chiếc ba bánh đạp đời cũ, vợ chồng bà Xuyên lóc cóc thu gom để sống qua ngày. Thoạt tiên chỉ dăm ba người trong xóm vắng nhờ vất hộ. Lâu ngày mà ra nghiệp. Rác nhiều khi thiên hạ đông lên từ tự nhiên đến cơ học. Đặc biệt khi những khu công nghiệp hình thành. Dân ăn nên làm ra thì rác cũng nhiều hơn. Rác nhiều thì bà Xuyên cũng khá lên. Và sự ghen ăn tức ở bắt đầu. Vì không thế không thần nên bà Xuyên bị triệt.
- Dữ vậy sao? - Năm Lựu
Đạn hỏi.
- Khà khà khà... ông tuy từng trải sự đời nhưng vụ này thì thua đi. Con đường có cái quán mà ông đang bán cà phê cóc này là ngắn nhất trong hai mươi con đường ở tái định cư. Ông biết có bao nhiêu căn trên đường này không?
Năm Lựu Đạn lẩm nhẩm một hồi rồi trả lời:
- Phía bên tao là hai mươi lăm căn.
- Vậy đối diện chừng đó nữa là năm mươi căn. Tôi bỏ đi chục căn. Tại sao bỏ hả? Bỏ bớt cho ông khỏi giựt mình. Bốn mươi nhân ba chục ngàn cho một tháng thì riêng con đường này bà Xuyến có một triệu hai trăm nghìn. Hai mươi con đường trong khu ta thì bao nhiêu hả già Năm? Hai mươi bốn triệu. Ta bỏ đi con số lẻ cho dễ tính ha. Hai mươi triệu. Ông thủng lỗ tai chưa?
Năm Lựu Đạn giựt con mắt luôn chứ giựt mình thì nghĩa lý chi. Riêng bọn trẻ thì tròn cả hai con mắt. Già Mao tiếp tục:
- Chỉ một tổ trong hai mươi hai tổ của ấp mình đã vậy thì mười ấp trong xã này là bao nhiêu? Để tôi làm sơ một phép tính cho ông và lũ trẻ tường tận.
Tất nhiên là phải loại trừ những hộ không tham gia rác. Họ sẵn sàng đem vất xuống sông, xuống suối hoặc lô cao su, thậm chí quăng luôn ra lộ. Rất nhiều ông nhậu một trận triệu bạc, nhiều bà thua lô đề ngày vài trăm là bình thường nhưng không đóng dù một xu tiền rác. Ta hãy bỏ đứt năm mươi phần trăm cho thành phần này dù kiểu sống thiếu văn minh không nhiều lắm. Bỏ chủ yếu cho ông khỏi giựt mình. Vậy ta còn năm ấp, một ấp hai chục tổ, mỗi tổ hai chục triệu. Vậy một tháng bà Xuyên có bao nhiêu ông tính giùm cái chứ tôi thua rồi?
- Bà mẹ ơi... dữ vậy sao?
- Là đã trừ bớt trên năm mươi phần trăm rồi đó.
Bà Xuyên bây giờ đi xế hộp, nhà ba tấm nóc Thái và con cái đại học từ rác mà ra. Chủ cả ngon lành thì tớ phải ngon cơm. Ba chiếc cải tiến chạy bằng máy dầu D22 hai lơ một tài. Mỗi tháng bà ấy chung tất cả cho mắc-xi-mum hết một nửa. Phu phen mười lăm nhân chín là trăm triệu. Thêm trăm nữa cho cái khoản các vị quyền chức tư riêng. Mấy thằng phu phen bốc rác đồng ý là con giun dưới sình còn sạch hơn. Nhưng thuở Năm Lựu Đạn phu rác là cái thuở xà bông cục sáu mươi hai phần trăm dầu là nhứt hạng. Loại xà bông mà ngửi thôi đã hôi rình thì tắm táp không thể nào thơm được. Gái gú chê chua là phải lắm. Còn ngày nay? Phu phen bỏ ra trăm bạc ghé vào mát xa thư giãn, xông hơi. Cả đầu mình tứ chi trong hơi nóng ngạt mùi kinh giới suốt mười lăm phút, sau đó nhào vô bồn tắm cho người đẹp tắm táp bằng xà bông dành cho các ngôi sao thế giới thì thơm tho thua chi người mẫu trên sàn cát-quơ?
Từ khi rác có mùi thơm của nước hoa - Mao tiếp tục truyện dài nhiều tập - dân mần ăn xứ mình cũng muốn chen chân ăn phần. Thằng Dũng em phó chủ tịch xã cùng bộ sậu nhảy vô quyết ăn thua đủ. Ông hiểu không?
- Không. Hiểu chết liền. Bộ giàu có vậy mà bà Xuyên cự không lại à? - Lựu Đạn hỏi.
- Ông không rành đâu. Với chiếc ba bánh đạp, hai vợ chồng bà Xuyên đã bỏ biết bao nhiêu công sức để sông suối xứ này không bị ứ tràn bởi rác. Cái công đó nói cho công bằng thì rất đáng được ghi nhận. Hồi ông Hiệp còn làm chủ tịch xã đố ai dám ti toe. Ông Hiệp về hưu là vây cánh nhào vô tranh liền.
Mao già cướp lời:
- Bà Xuyên có ông anh bà con, kiểu bắn bốn phát bê bốn mươi chưa tới là phó chủ tịch huyện nên cũng tạm gọi là mành mạnh...
- Vậy sao hôm nay có chuyện không nộp tiền thu gom rác?
- Vậy mới có chuyện chớ Năm Lựu Đạn. Ông trong quán nên bầu trời chỉ có tí tẹo. Anh bà con của mẹ Xuyên vừa rời cái ghế mà nhờ nó bà Xuyên được nhờ.
- Chớ bị chuyện chi vậy
ông Mao?
- Chuyện chi ông đi hỏi thì biết. Vụ này lớn rồi ông Năm. Thanh tra về, tất cả bộ sậu trưởng phó bị đình chỉ công tác để điều tra hết ráo. Lợi dụng thời cơ nước đục thả câu, tụi thằng Tào, em phó xã mình, nhào vô rác rưởi chơi bà Xuyên không dung tình.
- Chơi sao?
- Nó chặn xe rác lại và cho em út đập tụi phu thiếu điều chuyển viện.
- Lý do?
- Bà Xuyên kiện ra xã thì tụi đánh người nói để rác lâu
không bốc.
- Có không?
- Thì ông thấy đó. Tụi nó canh đề pô rác bị ứ mới ra tay. Với lại em út của thằng Tào được bảo kê rồi. Đảm bảo vụ rác này thay chủ đổi ngôi nay mai. Rác thơm lắm ông hiểu không? Ông sẽ hiểu cặn kẽ trong vài hôm nữa thôi bạn già ơi.
***
Năm Lựu Đạn cho rằng cái lệnh từ loa phóng thanh đưa ra là bất hợp lý. Vậy nên khi bà Xuyên đến thu tiền rác là Năm đóng cái rẹt. Tuy nhiên cũng hỏi:
- Vụ gì mà loa lịnh đừng đóng tiền cho cô vậy?
- Dạ... thì cũng ghen ăn tức ở thôi anh Năm.
Chả là - bà Xuyên than thở - anh biết không... họ thấy em làm ăn được nên nhảy vô tranh. Để vận động bà con đóng tiền tham gia vệ sinh thôn xóm là một kỳ công không hề dễ. Cho đến bây giờ vẫn còn những hộ dứt khoát không. Họ vứt ra đường, ra suối, ra bất kể nơi nào họ thấy tiện và không kiêng dè gì hết. Ngay trên tái định cư này cũng có nhiều người xem lô cao su là bãi rác. Đến bây giờ tất cả tạm gọi là vào khuôn thì lắm kẻ nhào vô tranh phần. Để buộc em phải bỏ nghiệp xây dựng gần hai chục năm nay, họ...
- Sao? Nói tiếp đi. Tôi đang nghe nè.
- Họ buộc em phải thu gom cho hết rác rến vất bậy của những người không ý thức. Nếu em không tuân thì để người khác làm. Anh Năm thấy vô lý không? Đâu có ai dại mà làm chuyện trời ơi, vì nếu gom rác bỏ bậy thì thiên hạ sẽ bắt chước theo cho đỡ tốn. Thực ra chuyện yêu cầu tất cả các hộ làm tốt việc này thì đâu có khó. Chỉ cần một văn bản từ xã đưa ra là êm hết, nhưng họ muốn triệt em nên...
- Tôi nghe nói lính cô bị côn đồ xử đúng không?
- Dạ có anh. Huyện mình cả chục xã nên đề pô rác luôn nằm trong tình trạng báo động vì quá tải. Xe rác nằm ụ năm ngày là hết sức bình thường. Lợi dụng điều này nên bọn tranh ăn cho người làm khó khi lâu bốc rác. Lính em phân trần thì họ cho ăn cù loi rồi vu vì tội cự cãi. Cao điểm là họ thuê một ông già say xỉn cầm tầm vông ra nói chuyện với lính của em. Xung đột xảy ra và ông già lăn ra ăn vạ. Đơn từ đưa lên xã em phải nộp phạt, lo cơm thuốc vì công nhân dưới trướng đánh người già cả vô duyên cớ...
- Chán thiệt đó. Mà họ là ai?
- Là ai có biết cũng không dám nói. Sau đó xã kêu em lên yêu cầu hạ giá tiền và buộc phải gom rác trôi nổi, nếu không thì giao lại cho người khác. Biết rằng có chấp nhận điều kiện đưa ra vẫn thua nên em bỏ cuộc. Hôm nay em thu tiền tạm gọi là lần cuối cùng.
Hai hôm sau, một ba bánh đời mới hiệu Hoa Lâm đóng thùng mới keng ghé Năm Lựu Đạn gom rác. Một trai cầm lái và một nữ ghé quán:
- Chào chú Năm.
- Ừ... hôm nay tụi mày gom rác thay bà Xuyên hả?
- Dạ... thông báo cho chú luôn là bắt đầu từ hôm nay mỗi tháng tiền rác là hai mươi lăm ngàn.
- Hạ giá à?
- Dạ...
Năm Lựu Đạn nhìn theo. Quả là không hiểu chiêu thức mới của nghiệp này. Vẫn cứ già Mao là tay rành về rác:
- Ông thấy tôi nói linh không? Đã có văn bản yêu cầu tất cả các hộ trong xã phải tham gia tích cực vấn đề vệ sinh môi trường. Xã văn hóa bắt nguồn từ các ấp văn hóa. Ai không tham gia rác rưởi là mệt chứ không chơi.
- Không tham gia thì làm chi họ?
- Ông không biết đó thôi. Mấy hôm nay trên các ngả đường, đặc biệt mấy chỗ đổ rác bậy đã treo bảng “Cấm đổ rác. Ai vi phạm bị phạt một triệu đồng”.
- Xì... tụi nó ngu sao quăng ban ngày để bị bắt?
- Đồng ý với ông. Nhưng bọn không tham gia đã có biện pháp hay lắm.
- Pháp... sư gì?
- Hôm qua thằng Danh đi ký xác nhận hạnh kiểm và lý lịch để xin vô công ty. Xã yêu cầu nó đóng tiền thu gom rác mới duyệt. Ông không đóng có việc gì nhờ ký kiếc thì nó truy thu cho ông sói trán luôn. Hiểu không?
- Tao thấy vậy mà được à. Để rác quăng đầy đường mất mỹ quan quá xá.
- Đó... ông hiểu ra rồi đó Năm Lựu Đạn. Hạ giá nhưng buộc tất cả phải tham gia nên lợi gấp ba lần mẹ Xuyên. Nếu anh mụ Xuyên về lại cái ghế thì tụi nó để rác rưởi trở lại bổn cũ là ai muốn quăng đâu thì quăng. Nhưng nếu cha nội đi tù hoặc về vườn sớm thì giá rác sẽ tăng trở lại như cũ, thậm chí còn có thể hơn. Ai cũng nghĩ ngày một hai ngàn bạc không đáng chi. Ông hiểu chưa?
Năm Lựu Đạn thừ người. Ai nói rác thối là không hiểu chi về rác hết.
Thật vậy.

tin liên quan

Sinh nghề tử nghiệp - Truyện ngắn của Nguyễn Trí
Lớp ba trường làng chưa xong thì Bảy Bền đã xếp bút bi phụ mẹ lo cho hai em có cái tọng vô mồm. Bà má nói học cho nhiều cũng vậy thôi con ơi, cái mả nhà mình không phát đường chữ nghĩa. Vô rừng theo cha mày cho chắc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.