Mũi dại, lái chịu đòn

29/12/2009 14:50 GMT+7

Sau những tháng ngày đằng đẵng nuôi con trưởng thành, chưa kịp thở phào nhẹ nhõm, họ lại phải gom góp tiền bồi thường thay con và còn gánh thêm cả nỗi đau, sự tủi hổ.

Tòa tuyên bố nghị án. Thấy những chiếc máy ảnh lóe lên, mẹ của bị cáo đứng bật dậy hoảng hốt: “Xin các anh chị đừng chụp hình cháu nữa mà tội nghiệp. Cháu đã biết sai và cũng đã phải trả giá rồi. Kể từ sau khi vụ án xảy ra, báo chí đăng đầy thông tin về cháu khiến bà con xa gần đều biết chuyện...Chúng tôi khổ tâm lắm”.

Rồi dường như không thể ngăn các phóng viên phải tác nghiệp, bà nhấp nhổm, hết đứng lại ngồi đau xót nhìn con đang lấy tay che mặt. Những giọt nước mắt lặng lẽ rơi. Tôi phân vân. Và quyết định cất máy ảnh.

Quả thật vụ án này được dư luận đặc biệt quan tâm bởi hình thức lừa đảo bán hàng qua mạng khá mới mẻ, rất cần thông tin để cảnh giác cho nhiều người. Lý là vậy. Nhưng đằng sau vụ án, ngoài sự trả giá của chính bị cáo là nỗi đau đớn, “xấu hổ đến mức không dám ngẩng mặt nhìn người quen” của cả gia đình bị cáo - những người không liên quan gì đến việc làm sai trái của bị cáo.

Lặng thinh nhìn con, thỉnh thoảng nhè nhẹ lắc đầu, nén tiếng thở dài, phải một hồi an ủi, gợi chuyện, bà mới thôi “cảnh giác” với tôi, chậm rãi kể về gia đình, đặc biệt là C.

Báo động đạo đức học sinh, sinh viên

Sau khi nghe HĐXX tuyên phạt C. mức án 1 năm 6 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ông T., bị hại trong vụ án, tiến đến nhắn nhủ C. ráng cải tạo để sau này còn trở thành người có ích.

Quay sang phía chúng tôi, ông trầm tư khi nói về tình trạng học sinh, sinh viên phạm tội ngày càng nhiều và tội nào cũng đặc biệt nghiêm trọng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của chính người phạm tội mà còn là sự thất thoát tài năng của đất nước.

“Ngày xưa, con cái rất sợ cha mẹ và thầy cô. Còn bây giờ, gia đình nào cũng ít con nên nuông chiều, nhà trường chú trọng dạy chữ hơn dạy làm người, mà nếu có phạt học sinh thì cũng phải coi chừng... Vậy là sinh hư”.

Theo lời bà, C. là con út. Bà và chị C. đều là giáo viên, còn C. sau khi học xong THPT lên TPHCM học hệ trung cấp ở một trường cao đẳng. Ban đầu, C. ở ký túc xá của nhà trường và tuần nào cũng về thăm nhà. Nhìn con trưởng thành, chững chạc hơn, cha mẹ C. cũng khá yên tâm. Một thời gian ngắn sau, C. nói với gia đình đã dọn ra ngoài thuê nhà trọ sống để dễ sinh hoạt và làm thêm.
 
Nghe vậy, bà nói con chở lên TP xem chỗ ăn ở, học tập ra sao nhưng C. từ chối với lý do: “Con sống ở đó rất tốt, ba mẹ đừng lo. Với lại có chở lên lần sau mẹ cũng không biết đường mà tìm đâu”. Thấy con không có biểu hiện gì lạ, lại thêm công việc ở trường nhiều nên bà cũng cho qua, định khi nào mẹ con rảnh rỗi rồi tính. Nào ngờ, học chưa xong năm nhất, C. bị bắt.

Theo cáo trạng, do thường xuyên vào mạng internet, C. phát hiện có nhiều loại hàng được mua bán trên mạng nên nảy sinh ý định lập riêng trang web, quảng cáo bán máy ảnh kỹ thuật số... “ảo”. Bắt đầu từ việc vào các trang web bán máy ảnh kỹ thuật số trên mạng,  C. sao chụp lại hình ảnh, mẫu mã, các thông số kỹ thuật... rồi chuyển về gắn vào các trang web của C.

Với nội dung quảng cáo bán  mẫu mã mới nhất, hàng giao tận nơi, giá cả thấp hơn so với giá thị trường, được bảo hành trên toàn quốc; khách hàng có thể thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt, qua thẻ ATM, ứng trước từ 20% đến 50% giá trị máy..., trong vòng hơn 4 tháng, C. đã “câu” được 104 người với số tiền hơn 144 triệu đồng.

Ngày nhận được tin C. phạm tội, cả gia đình bị giáng một cú sốc mạnh. Hằng tháng, gia đình vẫn gửi tiền chu cấp cho C. đầy đủ, C. vốn điềm đạm, hiền lành và rất vâng lời, sao lại làm nên chuyện tày đình như thế? Sau bao đêm khóc cạn nước mắt tự trách mình đã không giám sát con đến nơi đến chốn, cha mẹ C. gượng dậy, cố gắng giữ vững tinh thần, động viên con khai báo thành khẩn, đồng thời vay mượn nhiều nơi cho đủ số tiền bồi thường, khắc phục hậu quả để con được giảm nhẹ một phần hình phạt.

“Mũi dại, lái chịu đòn. Đó thật sự là những ngày đen tối của gia đình tôi. Là giáo viên, dạy dỗ bao nhiêu  học trò nhưng lại không dạy được con mình, để nó thành tội phạm, xấu hổ lắm chứ. Không ai làm khó gì mình, chỉ là cuối năm không được khen thưởng vì đã không “nuôi con khỏe, dạy con ngoan” nhưng quả thật tôi đã không dám nhìn ai...”, bà đưa khăn tay chấm nước mắt.

Tại phiên tòa, các bị hại đều cho rằng do thấy máy ảnh C. quảng cáo đẹp, giá rẻ, điều kiện mua bán nhanh chóng nên chọn mua. Tới khi không thấy máy mà cũng không liên lạc được với C., họ mới biết bị lừa. Nhưng vì số tiền ứng trước không nhiều nên họ cũng bỏ luôn, xem như là một bài học.

Được phép trình bày trước khi HĐXX vào nghị án, bà ngập ngừng, thở hắt ra. Xoắn hai bàn tay vào nhau như để lấy thêm bình tĩnh, bà nhắc đi nhắc lại lời xin lỗi đối với HĐXX, tất cả bị hại, kể cả những người không có mặt tại phiên tòa và những ai quan tâm đến vụ án.

Bà tha thiết xin mọi người hãy tha thứ cho việc làm nông nổi của C., mở rộng vòng tay, cho C. một cơ hội để làm lại cuộc đời. Đến lúc này, những giọt nước mắt đớn đau, tủi hổ nhưng vẫn ngập đầy yêu thương của mẹ dường như C. mới cảm nhận hết được. Anh ta đã bật khóc.

Theo Tố Trâm / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.