Sau tết, Mũi Né quay trở lại trạng thái... đìu hiu như cuối năm 2015. Các nhà đầu tư resort, các doanh nghiệp du lịch đều than tụt giảm doanh thu vì vắng khách.
Hàng quán mọc tua tủa tạo cảnh nhếch nhác ở Mũi Né - Ảnh: Quế Hà |
Khác với trước đây, vào thời điểm từ tháng 10 tới giáp tết âm lịch, lượng khách Tây (nói chung) và khách Nga (nói riêng) đổ về Mũi Né chật cứng. Còn năm nay, tình trạng thiếu vắng khách quốc tế làm cho các chủ đầu tư resort lo lắng.
Do đồng rúp mất giá ?
Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận Trần Văn Bình, đồng thời cũng là chủ đầu tư Mũi Né Litte resort 3 sao (TP.Phan Thiết), phân tích: “Thời điểm khách Nga đến Mũi Né nhiều tỷ giá đồng rúp đổi từ 30 đến 35 rúp/USD. Hiện nay 84 rúp mới đổi được 1 USD. Làm sao có khách Nga khi mà đồng tiền Nga mất giá như vậy”. Cũng theo ông Bình, những resort càng lớn, nhiều phòng, đông nhân viên càng đối diện với nguy cơ lỗ nhiều vì chi phí lớn, trong khi doanh thu tụt giảm.
Ông Phạm Anh Kha, Giám đốc điều hành Seahorse resort khá nổi tiếng tại Mũi Né, cho biết resort của ông có lượng khách sau tết giảm khoảng 10% so cùng kỳ năm trước. Trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm resort của ông giảm từ 8 - 10%.
Bà Nguyễn Thị M., phụ trách kinh doanh một resort “3 sao” trên đường Nguyễn Đình Chiểu (P.Hàm Tiến, TP.Phan Thiết), cho biết resort của bà có đêm chỉ bán được chưa tới 20 phòng (trong tổng số 70 phòng). Vào những ngày đầu tuần có khi không bán được phòng nào. Trong khi tiền điện, nước, bảo dưỡng resort và nhất là lương cho gần 60 nhân viên khiến công ty chóng mặt.
Tương tự, anh Minh Tuấn, một nhân viên kinh doanh của H.T resort cũng tiết lộ: “Chúng tôi đã dùng mọi giải pháp như giảm giá phòng, giá dịch vụ, tăng khẩu phần ăn và khuyến khích khách nội địa nhưng vẫn vắng bóng du khách”.
Ông Lê Ngọc Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, đồng thời là Giám đốc điều hành Hoàng Ngọc resort, cho biết: “Thời điểm này mà resort duy trì được công suất phòng 50% là hay lắm rồi”. Theo ông Hà, sở dĩ tình trạng vắng bóng khách đến Mũi Né, đặc biệt là khách Tây không chỉ do nguyên nhân thiếu sản phẩm du lịch, mà còn có nguyên nhân khách quan “không thể chống đỡ được”, đó là tình hình kinh tế khó khăn ở một số thị trường khách truyền thống, trong đó khách Nga là một ví dụ.
Giải pháp nào ?
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch dã ngoại Lửa Việt (TP.HCM) cho biết, trong năm qua khách Nga và Trung Quốc giảm tới 10%, dù đây là thị trường chính của vài năm trở lại đây. Mặt bằng chung là khách quốc tế tăng chưa tới 1%; trong số đó chủ yếu là khách châu Phi, Hàn Quốc (chi tiêu không nhiều).
“Theo tôi, không có cách nào khác là phải có sự liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch và hướng đến thị trường trong nước. Mình phải giảm giá, bảo đảm chất lượng sản phẩm và tăng cường quảng bá để kích cầu. Ở Thái Lan, Campuchia người ta cũng có những chính sách tương tự như vậy. Không chỉ ngày thường, mà ngay cả ngày tết, lễ cũng phải ưu đãi giá cả, dịch vụ để thu hút khách. Làm du lịch mà để khách đến một lần không bao giờ trở lại thì hỏng rồi”, ông Mỹ nói.
Bình luận (0)