Mũi nhọn công nghệ thông tin

22/07/2009 22:25 GMT+7

Tại Triển lãm quốc tế về Công nghệ thông tin - Truyền thông VN 2009 vừa diễn ra ở TP.HCM, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Chính phủ luôn xem Công nghệ thông tin (CNTT) là một ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước và quyết tâm đến 2015, VN phải là một quốc gia mạnh về CNTT.

Lợi nhuận trên 25%

Theo khảo sát của Hội Tin học TP.HCM (HCA), tổng doanh thu ngành CNTT năm 2008 đạt khoảng 4.074 tỉ USD và mức tăng trưởng bình quân là 49%. Trong đó, doanh thu phần cứng tăng trưởng 19%, phần mềm và dịch vụ tăng trưởng khoảng 87%. Riêng ngành phần mềm và dịch vụ CNTT đang có xu hướng phát triển nhanh với lợi nhuận bình quân trên vốn đầu tư khoảng 25%.

Con số lợi nhuận, mức tăng trưởng này hoàn toàn làm kinh ngạc những doanh nhân trong các lĩnh vực khác nhưng với doanh nghiệp ngành CNTT, đây là điều bình thường. Doanh thu bình quân của một người trong ngành CNTT khoảng 11.000 USD/năm, con số đó đối với một kỹ sư phần mềm là gần 15.000 USD/năm. Con số này còn bỏ xa so với doanh thu của nhân sự trong nhiều ngành nghề khác. Chỉ tính riêng tổng doanh thu gia công, xuất khẩu phần mềm năm 2008 đạt khoảng 118 triệu USD thì theo HCA, nếu đủ khả năng giữ được tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mức 40%/năm thì đến năm 2020, con số này sẽ đạt 3,5 tỉ USD. Doanh thu xuất khẩu này tương đương với kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước hiện nay. Với nhân lực toàn ngành phần mềm hiện khoảng 30.000 người thì hiệu quả đạt được cao hơn nhiều so với việc xuất khẩu gạo với hàng triệu nông dân tham gia.

Ông Patrick J.McGovern - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG (Mỹ) - cho biết, các quỹ đầu tư của IDG tại Trung Quốc đạt tỷ suất lợi nhuận bình quân khoảng 35%/năm. Do đó ông kỳ vọng đầu tư của IDG vào các công ty CNTT tại VN cũng có mức lợi nhuận tương đương.

Lợi thế thu hút đầu tư

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định việc đầu tư 10 tỉ USD để tạo ra 1 triệu kỹ sư phần mềm giỏi cũng không khó. Tuy nhiên các doanh nghiệp cũng phải có đề án cụ thể để đặt hàng cho các đơn vị đào tạo; hai bên cùng phối hợp để tạo ra được nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của đối tác...

Đầu năm 2009, lần đầu tiên tổ chức A.T.Keaney xếp VN thuộc Top 10 quốc gia hấp dẫn nhất trong số 50 quốc gia về gia công phần mềm toàn cầu. Còn theo báo cáo của Gartner - một tổ chức chuyên xếp hạng về CNTT khác - trong cả hai năm 2008 và 2009, VN vẫn nằm trong danh sách Top 30 và là 1 trong 10 nước của khu vực châu Á - Thái Bình Dương có ưu thế cao nhất nhờ chi phí thấp.

Ông Patrick J.McGovern nhận định VN sẽ là điểm thu hút đầu tư về CNTT trong thời gian tới vì nhiều lợi thế như tốc độ tăng trưởng của ngành từ 10-12%/năm; chi phí gia công hiện thấp hơn Ấn Độ 50% và thấp hơn cả Trung Quốc, Philippines... Do đó ông cho rằng VN nên tập trung vào việc trở thành quốc gia chuyên về gia công (outsourcing) vì đây là xu hướng của các doanh nghiệp trên thế giới.

Thế nhưng, làm thế nào để thúc đẩy nhanh sự phát triển của ngành CNTT vẫn đang là trăn trở của các doanh nghiệp và Chính phủ. TS Nguyễn Trọng - nguyên Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT - cho biết doanh thu của một kỹ sư ngành CNTT VN hiện nay dù cao hơn rất nhiều doanh thu của nhiều lĩnh vực khác nhưng vẫn thấp hơn nhiều nước như Ấn Độ, Philippines là 30.000 USD/người/năm, Mỹ là 100.000 USD/người... Chỉ có một con đường hiệu quả để phát triển CNTT là phải tập trung 80% nguồn lực để đào tạo kỹ sư phần mềm giỏi. TS Trọng cho biết với chi phí 10.000 USD thì sẽ đào tạo được 1 kỹ sư phần mềm đủ sức làm việc trên thị trường thế giới. Như vậy nếu đầu tư 10 tỉ USD từ nay đến năm 2025 cho đào tạo nguồn nhân lực thì sẽ có ít nhất 1 triệu kỹ sư phần mềm quốc tế.  Khi đó một kỹ sư VN cũng sẽ tạo ra doanh thu hằng năm ngang bằng với bạn bè hiện nay là khoảng 30.000 USD/người/năm. Cứ cho rằng chỉ có 50% số kỹ sư đó làm trong ngành công nghiệp phần mềm thì đến năm 2025, tổng doanh thu sẽ đạt được là 15 tỉ USD. Đó là chưa tính con số tổng doanh thu của số kỹ sư đang làm việc trong ngành CNTT từ nay đến thời gian đó mang lại. Việc đầu tư này sẽ nhanh, hiệu quả và an toàn hơn gấp nhiều lần hiệu quả những dự án đầu tư khác. 

VN chỉ mới đi những bước nhỏ đầu tiên trên con đường dài phát triển CNTT. Cần có sự quyết tâm cao nhất, sự đồng thuận từ các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, các cấp quản lý để có quyết sách hiệu quả và nhanh chóng hơn.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.