Mũi nhọn đang... tà

07/06/2012 08:22 GMT+7

Hiện nay, tình trạng tôm nuôi bị chết xảy ra tràn lan ở các tỉnh ĐBSCL với mức độ và diễn biến bất thường. Hàng ngàn tỉ đồng tiền đầu tư của nông dân đã bị đổ sông, đổ biển theo những vuông tôm. Đáng nói hơn là tình trạng tôm nuôi bị chết hàng loạt kéo dài trong nhiều năm qua với mức độ tăng dần qua từng năm.

Trà Vinh là tỉnh có diện tích tôm nuôi bị thiệt hại lớn nhất vùng với gần 9.000 ha. “Một con số rất lớn so với nhiều năm qua, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế và đời sống người dân”, lãnh đạo tỉnh này thừa nhận. Ngành nông nghiệp các tỉnh cho biết, nếu như mọi năm tôm trên 30 ngày tuổi mới chết thì năm nay tôm mới thả cũng chết, càng điều trị tôm càng chết, thậm chí có hộ thả giống 2 - 3 lần đều bị chết sạch. Theo Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản (NTTS) 2, nguyên nhân tôm chết là do các bệnh về gan, tụy. Còn Trường ĐH Arizona (Mỹ) thì nhận định tôm chết có thể do độc tố. Độc tố có thể đến từ môi trường nuôi, thức ăn, vi khuẩn...

Nếu như Viện Nghiên cứu NTTS 2 tìm được nguyên nhân trực tiếp gây chết tôm, thì Trường ĐH Arizona đã tiến được một bước xa hơn là tìm được nguồn gốc gây bệnh: nhiễm độc tố có thể đến từ môi trường nuôi. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi người nuôi tôm ở ĐBSCL vẫn sử dụng những loại thuốc độc hại mà những nước khác đã cấm sử dụng từ rất lâu. TS Dương Văn Ni (Trường ĐH Cần Thơ) cũng cho rằng, môi trường nuôi tôm bị ô nhiễm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tôm chết hàng loạt. Khi mà môi trường đã bị ô nhiễm thì càng nuôi, tôm sẽ càng chết nhiều hơn vì không khống chế được dịch bệnh. Vấn đề bây giờ là phải cải thiện môi trường nuôi và điều này cần phải có thời gian, không nên cứ đợt này chết thả nuôi tiếp đợt khác.

Thực trạng của con tôm hiện nay cho thấy sự phát triển tràn lan, thiếu quản lý, quy hoạch và cả đầu tư của các địa phương cũng như ngành nông nghiệp. Đơn cử như việc để nông dân sử dụng những loại thuốc độc hại gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, không quản  lý chặt vật tư đầu vào; thiếu đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ cho việc nuôi tôm. Khi phát sinh dịch bệnh thì vẫn để nông dân thả nuôi lấp vụ, gây thiệt hại càng nặng nề hơn.

Con tôm là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của ĐBSCL. Đã đến lúc Nhà nước cần đầu tư một cách bài bản để mũi nhọn không bị tà. 

Bảo Nguyên

>> Tôm chết hàng loạt ở Phú Yên
>> Tôm nuôi chết bất thường
>> Tôm hùm chết hàng loạt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.