Mười lăm năm ấy

29/11/2013 03:30 GMT+7

Mười lăm năm là thời gian không ngắn với một đời người, không ngắn với những biến động của lịch sử như chiến tranh, nhưng lại không dài với sáng tạo văn học nghệ thuật. Bây giờ, sẽ là kỳ dị nếu cứ đặt câu hỏi: “Vì sao chúng ta chưa có những tác phẩm đỉnh cao ?”.

Bởi câu hỏi này tôi và nhiều nhà văn đã nghe từ mấy chục năm trước, một câu hỏi không có câu trả lời. Bởi, không ai có thể biết được, vào lúc nào và ở đâu, bao giờ thì xuất hiện những “tác phẩm đỉnh cao”. Văn học nghệ thuật rất cần tài năng, nhưng cũng cần những “ánh chớp” đột nhiên. Không thể sáng tác theo “phong trào”, không thể cứ “chém gió” là sẽ có tác phẩm hay, đỉnh cao, vượt thời gian là có được. Văn học nghệ thuật là chuyện mang nặng đẻ đau, nhưng hơn cả mang nặng đẻ đau, là “người mang thai” không thể cứ đủ “chín tháng mười ngày” là “đẻ” ra tác phẩm. Và cũng chẳng nhà văn nào “mang thai hộ” cho nhà văn nào, dù là chỉ “mang thai ý tưởng”. Tuyệt đối cô đơn trong sáng tác, và không hề biết tương lai của “đứa con tinh thần” của mình sẽ như thế nào, chỉ biết hết mình, hết lòng vì nó, vậy thôi.

Nhưng nhà văn, người nghệ sĩ, trong khi sáng tạo trong cô đơn như vậy, lại rất cần một “không khí xã hội” có tác động hỗ trợ mình. Kể cả khi lao thẳng vào “những xung đột xã hội” để sáng tác như NSND Đình Quang kêu gọi, thì người sáng tạo vẫn rất cần sự đồng cảm, chia sẻ của người đọc, của khán giả. Không phải sự phản bác, thậm chí trù dập, lên án, mà chính sự “im lặng đáng sợ” của dư luận xã hội mới thật sự đáng sợ đối với người sáng tạo và với tác phẩm. Bây giờ, sự im lặng đáng sợ ấy có khi lại hiện hình qua những bình luận vô cảm, hời hợt, vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết theo kiểu a dua mà ta hay đọc được trên internet. Với những nhà văn hy vọng quảng bá tác phẩm của mình qua internet, thì hãy rất nên dè chừng “thế giới ảo” này, kể cả dè chừng những lời tán dương thái quá. Những lời khen dễ dãi và thiếu chất lượng, đôi khi lại giết chết tác phẩm của nhà văn nhanh hơn những lời chê, nhất là những lời chê xác đáng.

Phê bình văn học nghệ thuật bây giờ không còn có nghĩa “quất roi vào mông ngựa cho nó lồng lên”, quá tay tới mức khiến nó gục ngã, mà ngược lại, “phê bình nước ngọt” có khi lại khiến “con ngựa sáng tác” xỉu nhanh hơn!

Với sự ra đời của những sáng tác văn học nghệ thuật được làm bởi những người sáng tạo có nghề và tử tế, thì rất cần sự bình tĩnh khi xem xét và đánh giá chúng. Tôi tâm đắc với phát biểu của đạo diễn Nguyễn Thước tại hội thảo về “15 năm nhìn lại Văn học - Nghệ thuật Việt Nam”: “Khuyến khích sáng tác tốt nhất là mang lại một môi trường mà ở đó sự sáng tạo của người nghệ sĩ được tôn trọng, dù cho là những sáng tạo lạ lùng nhất, phi lý nhất. Lúc đó, nghệ thuật mới thực sự có cơ hội phát triển”. “Môi trường” đó luôn gắn liền với một xã hội dân chủ, phát triển và có văn hóa.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.