Mười năm cho một cái sa bàn

18/08/2011 08:45 GMT+7

(TNTS) Trò chơi sa bàn, xây dựng mô hình các công trình công cộng của một thành phố từ lâu được rất nhiều người trên thế giới ưa chuộng. Dù phổ biến, nhưng thú vui này cũng khá “kén” người chơi!

Ở nước ta, sa bàn thường được nhìn thấy trong các bảo tàng có thể là mô hình một thành phố, khu vực quân sự… Nhưng bây giờ nhiều người coi việc làm các sa bàn như một cái thú để “giết” thời gian. Muốn làm một cái sa bàn, trước tiên người chơi nghĩ ra chủ đề, tưởng tượng được quy mô, hình dáng của nó. Sau đó, phải tính toán các chi tiết cần có, rồi vẽ phác thảo mô hình ra giấy, sau đó tìm mua các nguyên vật liệu về làm. Dù trò chơi không mới nhưng chưa có nhà máy nào ở nước ta sản xuất sản phẩm này nên dân chơi sa bàn phải “săn” hàng trên mạng của nước ngoài, rồi đợi hai đến ba tuần mới được “sờ” tới từng mẫu đứa “con cưng” của mình.


 Ông Bình bên sa bàn của mình - Ảnh: N.T


Một góc “đế chế” của họa sĩ Lê Thanh Bình - Ảnh: N.T

Người ta không tự chế được các chi tiết như: nhà cửa, cây cối, tàu, đường ray, công sự... ngay cả cỏ cũng phải mua mới đồng bộ rồi lắp thành một mô hình tổng thể. Chuyện lắp ráp một thành phố nhỏ rồi tháo ra làm lại chỉ vì một cái mạch điện không khớp với sơ đồ là chuyện thường tình của “dân chơi” sa bàn. Như mô hình của họa sĩ Lê Thanh Bình (đường Bạch Đằng, Q.Tân Bình. Tp.HCM) đã làm hơn mười năm mà vẫn chưa hoàn thiện, bởi cái sa bàn luôn “bị” mở rộng thêm, phức tạp hơn theo thâm niên chơi mô hình của từng người.

Đến nhà họa sĩ Lê Thanh Bình để xem mô hình của dân chơi “nghiệp dư” như ông tự thừa nhận. Toàn bộ sa bàn có chiều dài 9m, có những chỗ rộng 2,6m là các nhà ga, khu  dân cư, các dãy núi, hầm mỏ… Từng chi tiết được ông tính toán tỉ mỉ như “thật”. Một đoàn tàu đang di chuyển mang theo mười toa tàu chở hàng phía sau đang vào ga để trả hàng, từ đây, tàu lại tiếp tục nối với các toa chở khách rồi chuyển đường ray đi theo một hướng đi khác. Lâu lâu tiếng kêu inh ỏi của đầu máy xe lửa làm người xem phải “giật  mình”, cảm giác không khác gì như đang đứng trong một sân ga. Và khi “màn đêm buông xuống”, hệ thống chiếu sáng từ bóng đèn trong nhà đến đèn trong sân ga, cột đèn giao thông bật lên làm mô hình thêm rực rỡ.

Thường nói “ăn chơi không sợ tốn kém”, nhưng khi nhìn bảng giá của từng chi tiết làm nên mô hình, nhiều tay chơi phải “chùn tay”. Một đầu máy xe lửa có còi cũng “tốn” hơn 100 USD, một toa xe lửa thường nhất cũng mất hơn 10 USD, chưa kể những toa hành khách sang trọng có đèn, có cửa kính… Cũng giống thú chơi đồ cổ, chơi sách..., trò này “ngốn” của người chơi một khoản kha khá nhưng sa bàn mà họ làm ra “chẳng đem lại giá trị kinh tế gì” theo lời nhận xét của ông Bình và chỉ thỏa mãn thú chơi của những kẻ thích “xây dựng một đế chế cho riêng mình”.

Nguyên Trang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.