Muôn dặm nghĩa tình...

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
08/10/2021 04:57 GMT+7

Đã qua 22 ngày Báo Thanh Niên phát đi lời kêu gọi chung tay bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19, những tiếng lòng vượt qua muôn dặm từ miền Trung, miền Bắc đã hiện hữu với chương trình, với các em nhỏ mồ côi ở TP.HCM, tưởng như đang bên cạnh.

Đại diện Báo Thanh Niên trao tiền hỗ trợ khẩn cho 4 em học sinh mồ côi ở H.Củ Chi (TP.HCM) ngày 2.10. Mẹ của các em mất do tai nạn giao thông năm 2009, ba lại vừa mất do đại dịch Covid-19

BÙI CHIẾN

Từ Hà Nội đến Hà Đông

Đó là buổi sáng vừa qua giữa tháng 9 mấy ngày. Bận rộn với nhiều cuộc gọi đến vừa xong, tôi nghe tiếng ông qua điện thoại hối hả thăm hỏi tình hình TP.HCM ra sao. Rồi tiếp đó, ông giới thiệu mình tên là N.T.S, một sĩ quan quân đội lớn tuổi, gần về hưu, có 2 người con trai, 1 đứa đang học đại học, 1 đứa đang học cấp 3. Ông nói rằng khi nghe thông tin đau thương về trận đại dịch ở miền Nam và có nhiều trẻ em rơi vào tình cảnh mồ côi, vợ chồng ông muốn dang tay đón nhận 1 bé gái về cùng gia đình. “Có thể là một học sinh tiểu học hoặc cấp 2. Nhưng chúng tôi hơi ngại ngần vì xa xôi muôn dặm, không biết gia đình họ hàng có cho ra ngoài này hay không?”, ông S. nói. Tôi chia sẻ rằng trong thực tế, ở nước ngoài vẫn có thể nhận con nuôi Việt, chỉ là cuộc sống sau đó của trẻ ra sao mà thôi. Ông S. đồng ý ngay và nói một câu rưng rưng: “Tôi nghĩ miễn sao mình có tấm lòng, có trái tim nhân hậu yêu thương và nuôi dạy cho tốt, thì chắc khi về với gia đình, cháu vẫn có thể hòa nhập được”. Dòng thông tin ghi lại nguyên văn lời ông nói, mỗi khi giở ra lại thấy tình cảm nâng đỡ trẻ mồ côi của vợ chồng ông S. vô cùng đáng trân trọng.

Quý nhà hảo tâm có nhã ý tham gia chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời, nhằm bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 theo hình thức trực tiếp, xin vui lòng chuyển tiền mặt đến Phòng Tài vụ Báo Thanh Niên, 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM; Tòa soạn Hà Nội và các Văn phòng đại diện Báo Thanh Niên trên cả nước.

Hoặc chuyển khoản theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Ủng hộ trẻ mồ côi do dịch Covid-19.

Báo Thanh Niên sẽ tính toán điều phối số tiền này của chương trình một cách công tâm, hợp lý, hiệu quả nhất và sẽ cập nhật, công bố đầy đủ trên các ấn phẩm của Thanh Niên.

Bước sang chiều 18.9, là một chủ doanh nghiệp tư nhân. Ông là N.Q.H, năm nay 50 tuổi, nói ngay rằng mình đang ở một khu đô thị Sala, có hộ khẩu ở P.Long Biên, TP.Hà Nội. “Tôi gọi để đề nghị chương trình kết nối được nhận nuôi một bé gái, cháu khoảng 5, 6 tuổi, để sống trong nhà và nuôi dạy thành người như 2 đứa con trai đã lớn của tôi”, ông H. tâm tình. “Ý nghĩ của vợ chồng tôi đã chín sau nhiều đêm suy nghĩ. Nếu được như ý nguyện, tôi sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng để cháu lớn lên trong tình thương yêu”, ông nói tiếp. Và nhiều ngày sau đó, ông H. vẫn giữ liên lạc với chương trình, lần gần đây nhất là hôm 4.10.

Một bạn đọc khác, cũng 50 tuổi, là ông Đ.X.H ở P.Văn Quán, TP.Hà Đông, bộc bạch: “Tôi và bạn bè rất tâm đắc với chương trình của Thanh Niên, và hẹn nhau sẽ cùng bắt tay ủng hộ”. Ông H. kể vừa rồi gia đình bên nhà vợ ở TP.HCM cũng có người bị nhiễm Covid-19, nên sốt ruột liên lạc thường xuyên. “Tình cảnh ấy trong hoạn nạn đã thôi thúc chúng tôi phải làm gì đó cho các cháu. Tôi xin nhận chu cấp hằng tháng cho 1 cháu đến tuổi trưởng thành, không nhất thiết là bậc học, lứa tuổi nào cả”, ông H. nói chắc nịch.

Những cuộc gọi, và sau đó là kết nối Zalo để gửi trao yêu thương đến trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 ở TP. HCM, từ xa cả “vạn lý” ấy, khiến chúng tôi cảm thấy ấm áp vì sức lan tỏa, bởi nỗi bất hạnh của những mầm xanh ở thành phố phương Nam đang vọng ra cả ngàn dặm đường ngoài ấy, nơi đồng bào đang dõi theo từng bước đi buồn tủi của các cháu đột ngột mồ côi.

“Chị là giáo viên về hưu…”

Không ít những dòng thư và cuộc gọi bắt đầu bằng câu giới thiệu như vậy. Tình cảm của những người phụ nữ suốt đời cống hiến cho ngành giáo dục, thể hiện bằng lời qua chiếc điện thoại nhỏ bé nhiều đến mức trong vài tiếng đồng hồ của buổi sáng chủ nhật (3.10), tôi đã tiếp cuộc gọi của 3 cô giáo lớn tuổi. Đó là cô Luyến, cô Hương và cô Huệ đều ở Hà Nội. Hóa ra, họ vừa gửi email đến với chương trình, vừa muốn thăm hỏi tình hình các cháu ngay, nên mới rời hộp thư là lại gọi điện thoại.

Trong nhiều ngày qua, chương trình của Báo Thanh Niên cũng nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc ở tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng. Họ là những người đã về hưu hoặc sắp về hưu như vợ chồng ông N.V.M, đề nghị nhận nuôi 2 cháu, với lời đề nghị: “Nếu 2 cháu bé ấy là anh em hoặc chị em ruột thì rất hay. Vì khi xa nhà, các cháu sẽ dễ bảo ban nhau”, và ông M. cũng nhắn gửi ước nguyện của mình cũng như lời góp ý chân thành. Ông N.V.H, chủ một doanh nghiệp tư nhân chuyên về lĩnh vực môi trường và công nghệ ở tỉnh Thái Nguyên, cũng muốn tài trợ bằng hình thức chu cấp hằng tháng cho 2 trẻ mồ côi. Ông H. nói: “Dù xa xôi nhưng chương trình cứ ghi cho tôi đăng ký bảo trợ 1 - 2 cháu. Tôi sẽ chuyển tiền đều đặn để các cháu ăn học”… Và còn rất nhiều nữa, những nhà hảo tâm từ cả ngàn dặm gửi gắm đề nghị đến chương trình để bảo trợ cho các cháu.

Vì vậy, có lúc tôi đã bị nhầm tên cô giáo này với cô giáo khác, bởi đang đi ngoài đường chưa kịp lưu lại số. Tấm chân tình ấy của họ đã xí xóa cho cái sự chậm trễ mà nếu rơi vào tình huống khác, e rằng có thể đã bị đôi chút trách móc.

Nhưng không, sau khi vào đề giới thiệu “Chị là giáo viên về hưu”, là những lời hỏi thăm bằng giọng Hà Nội rất mực nhỏ nhẹ, đằm thắm. Không chỉ vậy, có cô giáo kể luôn hoàn cảnh gia đình như để giãi bày ý muốn bảo trợ trẻ mồ côi của mình rất… hợp lẽ: “Anh chị đã về hưu, con cái đã trưởng thành, nên có đôi chút tiền tích lũy. Bây giờ cũng chẳng để làm gì, nên muốn giúp các cháu nhỏ. Em nói với tòa soạn đồng ý nhé”. Nghe những câu như vậy, dù công việc đang thúc hối, cũng phải nán lại và xin một điều: “Chị có thể kết nối Zalo nhắn tin để trao đổi được không ạ, chương trình sẽ gửi toàn bộ thông tin”. Hóa ra, khi về nhà mở hộp thư, đã thấy hiện diện lời đề nghị bảo trợ trẻ mồ côi của những quý bạn đọc - nhà giáo ấy rồi.

*****

Lời bày tỏ của bạn đọc với chương trình của Báo Thanh Niên đã tiếp thêm sức cho những người thực hiện rất nhiều. Bởi vậy, thỉnh thoảng khi nghe đôi lời thăm hỏi ái ngại, rằng “đang dịch giã thế, chắc các em vất vả lắm vì phải tiếp hàng trăm cuộc gọi và trả lời hàng trăm email?”, tôi đã trả lời: “Tụi em được rất nhiều từ tấm lòng của quý bạn đọc như các anh, các chị. Và những người làm Báo Thanh Niên cũng được rất nhiều từ sự quan tâm, yêu quý ấy”.

Với những gì diễn ra hơn 20 ngày qua, những lời đề nghị vượt hàng ngàn cây số để vào với trẻ em trong mùa đại dịch phương Nam khiến chúng tôi cảm nhận một cách đủ đầy: dù ở bất cứ nơi đâu, nghĩa tình người Việt với nhau trong hoạn nạn vẫn là một giá trị hằn sâu trong tâm khảm. Nói như lời một cô giáo về hưu ở Hà Nội tối 6.10 vừa qua, khi bàn bạc chuyện gửi đóng tiền học phí cho 4 em học sinh mồ côi ở H.Củ Chi (TP.HCM), mà chị biết được qua bài viết của một đồng nghiệp, rằng: “Chị đã khuyên gia đình làm đơn, và tin rằng trường sẽ giảm bớt học phí. Cộng với chút ít tiền chị gửi vào chắc sẽ đủ lo một phần học phí trường nghề cho các cháu. Nói thật, tiền chị không có nhiều, nhưng khi đọc bài báo, chị đã rơi nước mắt, không cầm lòng được…”.

Nghe vậy, lại tẩn mẩn nghĩ rằng giọt nước mắt ấy của chị, với ít nhất 30 năm đứng trên bục giảng của một cô giáo, đã là tấm lòng quý giá với trẻ em mồ côi ở TP.HCM. Huống chi, kèm theo cả lời khuyên và tiền học phí…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.