Muốn đi đâu, ăn gì, nhiều người chọn cách này…

Thanh Nam
Thanh Nam
24/10/2024 15:42 GMT+7

Mỗi khi có thắc mắc như: đi đâu, ăn gì, phải thế nào?..., Thay vì đưa ra quyết định, không ít nhiều người lại lưỡng lự và cậy nhờ những công cụ chọn tên ngẫu nhiên (tạm gọi là random).

"Random đi!"

Đỗ Vũ Minh Anh, sinh viên Trường ĐH Văn Lang, cho biết mỗi khi nhóm bạn dự định lên kế hoạch du lịch, tụ họp ăn chơi… thì hầu như đều sử dụng công cụ tạo vòng quay ngẫu nhiên. Nữ sinh này cho rằng đây là câu chuyện chung của nhiều người trẻ hiện nay.

Minh Anh kể: "Nhóm có 7 người. Những ý kiến đa phần là khác nhau. Như có đợt cuối tuần muốn tổ chức chuyến dã ngoại. Có thành viên mong đi Vũng Tàu, có người lại thích Đà Lạt, có ý kiến cho rằng nên đi Phan Thiết… Chẳng thể thống nhất nên cả nhóm quyết định "random đi!". 7 địa điểm được hiện diện trên vòng quay và bấm để đưa ra kết quả. Cuối cùng "chốt" phương án đi Đồng Nai".

Muốn đi đâu, ăn gì, nhiều người chọn cách này…- Ảnh 1.

Có nhiều công cụ chọn tên ngẫu nhiên để người trẻ sử dụng

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Theo Minh Anh, không riêng gì câu chuyện trên, mà trong cuộc sống hàng ngày, có… vô số lần phải cậy nhờ công cụ chọn tên ngẫu nhiên.

Chẳng hạn, nữ sinh này và bạn cùng phòng thường rơi vào tình cảnh "không biết ăn gì". Và rồi, họ ghi các món lên website chọn tên ngẫu nhiên để nhờ công cụ này… chọn giúp.

Hoàng Phú Bình, sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật – Du lịch Sài Gòn, kể: "Cứ mỗi lần có kế hoạch hẹn hò là mình và người yêu lại phải… random. Nghĩa là mỗi người đưa ra những dự định nên đi đâu, ăn món gì "quăng" lên các công cụ như: Lucky Draw, Random.com.vn, Random.org… để "bấm chọn đại"

Cũng theo Bình, nhờ cách này mà cả hai không còn tranh cãi, cũng chẳng phải trả lời với nhau "sao cũng được", "ăn gì cũng được".

Muốn đi đâu, ăn gì, nhiều người chọn cách này…- Ảnh 2.

Nhiều người trẻ chọn món ăn từ những công cụ chọn ngẫu nhiên

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Trên một nhóm ở Facebook, thành viên My Thanh Tran thắc mắc: "Có mem (thành viên – PV) nào phải sử dụng công cụ random hàng ngày không?" đã thu hút nhiều sự tương tác. Các thành viên cho biết họ cũng là người trong cuộc, khi thường xuyên phải nhờ những công cụ chọn tên ngẫu nhiên. Nên xem phim gì, chọn quần áo thế nào, uống gì khi đến quán cà phê, tặng quà gì cho người yêu… cũng được một số người trẻ chọn ngẫu nhiên theo kiểu "hên xui".

Nguyễn Việt Hân, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nói: "Trước đây, mọi người thường viết các phương án dự định sẽ chọn vào giấy. Sau đó, xếp lại rồi bốc thăm. Nhưng giờ đây, có rất nhiều công cụ, là các website trên mạng, rất dễ sử dụng, nên người trẻ ưa chuộng cách "mọi thứ để random lo". Bản thân mình thi thoảng cũng phụ thuộc vào sự ngẫu nhiên của những công cụ ấy".

Có trường hợp, khi đặt tên cho con, khi hai vợ chồng không thể thống nhất ý kiến, cũng nhờ những vòng quay ngẫu nhiên. Họ liệt kê các tên vào từng ô và… bấm chọn theo sự sắp đặt của những phần mềm.

Muốn đi đâu, ăn gì, nhiều người chọn cách này…- Ảnh 3.

Không nên quá lệ thuộc vào những vòng quay ngẫu nhiên

ẢNH: THANH NAM

Khi người trẻ quá phụ thuộc vào... sự ngẫu nhiên

Theo chuyên gia kỹ năng sống Đỗ Thành Vinh, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, không thể phủ nhận việc hiện nay có những người trẻ thường sử dụng công cụ chọn tên ngẫu nhiên vào các tình huống trong cuộc sống.

"Vấn đề này có hai mặt. Thứ nhất, đây là cách khá thú vị. Đối với những thắc mắc đơn giản, như: ăn món gì, xem phim nào, tặng quà gì cho bạn bè nhân dịp sinh nhật… thì có thể áp dụng. Và khi chọn ngẫu nhiên bằng cách random như vậy sẽ tạo nên những tiếng cười. Cách làm này cũng có thể sử dụng khi quay số may mắn những dịp liên hoan cuối năm của lớp, công ty… Tuy nhiên, có những thắc mắc quan trọng hơn. Như khi lăn tăn có nên "nhảy việc", liệu cần phải học bậc học cao hơn, đặt tên cho con… thì không nên cậy nhờ vào những vòng quay ngẫu nhiên. Thay vào đó, cần có suy nghĩ chín chắn và lựa chọn một cách cẩn trọng", ông Vinh nói.

Ông Vinh cũng cho rằng, nếu thi thoảng sử dụng các công cụ: Dorabot.io, Random.org, Lucky Draw… thì không để lại hệ lụy. Nhưng nếu tần suất sử dụng liên tục sẽ tạo thành thói quen lệ thuộc vào các công cụ này, dẫn đến việc lười suy nghĩ, thường ỷ lại.

"Khi đó, người trẻ sẽ thiếu sự tập trung, không có chính kiến, lập trường, quan điểm riêng. Và theo thời gian, sẽ dẫn đến sự thiếu tự tin, định hướng trong học tập, công việc, cuộc sống", ông Vinh nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.