(TNO) Đã 41 năm ngày Trung Quốc nổ súng chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa. Đối với người Việt Nam, ngày 19.1.1974 đó sẽ không bao giờ trôi vào quên lãng, nhất là khi Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ mộng bá quyền trên biển Đông mà sự kiện đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào hạ đặt trái phép ở vùng biển Tri Tôn (Hoàng Sa, TP.Đà Nẵng) vẫn còn nguyên tính thời sự.
>> Muôn đời vẫn quyết lấy lại Hoàng Sa
Thuyền trưởng Lê Minh Phúc và vết thương khâu vội tại thực địa - Ảnh: Độc Lập
|
Những ngày dài từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2014, những người lính kiểm ngư, cảnh sát biển đã sát cánh cùng ngư dân Việt kiên trì ngăn cản, đẩy đuổi giàn khoan khổng lồ. Mồ hôi, nước mắt và cả máu đã đổ xuống trong hơn 70 ngày cam go đó, nhưng chưa phút giây nào những người giữ biển nản chí sờn lòng.
Máu đổ giữa biển
Đối với Lê Minh Phúc, nguyên thuyền trưởng tàu KN-22, mới nhận nhiệm vụ ở tàu khác, ký ức về 74 ngày đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc vẫn còn vẹn nguyên.
Anh Phúc kể: Lúc 7 giờ ngày 25.5.2014, tàu KN-22 đang làm nhiệm vụ ở cách giàn khoan 10 hải lý thì bị 3 tàu Trung Quốc điên cuồng tấn công (Hải cảnh 32101 ép sau lái, Hải cảnh 32102 ép và va húc vào phía sau mạn phải, tàu kéo Hữu Liên 09 tăng tốc, đâm vào mạn trái, phun nước chính diện cabin). Đứng ở vị trí chỉ huy, thuyền trưởng Phúc hứng trọn hàng chục mảnh kính vỡ do vòi rồng bắn vỡ và áp lực nước cực mạnh quật gục anh xuống sàn.
Giữa ngổn ngang kính vỡ, thiết bị hỏng đổ ngổn ngang, nước biển từ vòi rồng điên dại đè những thân hình mong manh áo ngắn, các kiểm ngư viên vừa điều khiển tàu vòng tránh tàu Trung Quốc vừa dìu thuyền trưởng Phúc xuống buồng y tế.
“Lúc ấy tôi không biết gì, sau xem lại đoạn clip anh em quay lúc sơ cứu mới biết ngất vì mất máu quá nhiều, chảy tràn cả sàn!”, thuyền trưởng Phúc, “Tỉnh dậy là bắt anh em đưa lên buồng hành trình để chỉ huy con tàu. Không ai có thể nằm an dưỡng những lúc ấy!”.
Cùng với thuyền trưởng Phúc, 3 nhân viên kiểm ngư khác là Hà Văn Minh, Nguyễn Duy Trình và Cao Văn Chiến đang đi ca cũng bị thương, nhưng 4 người họ ai cũng lắc đầu khi cấp trên liên lạc, đề nghị về bờ cứu chữa.
|
"Mình là chỉ huy..."
Nguyễn Xuân Hưng là thuyền trưởng tàu KN-766, thuộc Chi đội Kiểm ngư 4. Hưng năm nay vừa tròn 30, quê ở Đô Lương, Nghệ An và đứng trong đội ngũ những người canh giữ biển từ tháng 9.2005, khi mới tròn 20 tuổi.
Giữa năm 2013, Hưng cưới vợ là Bùi Thị Duyên, sinh năm 1992, quê Quảng Bình, mới tốt nghiệp Trường trung cấp Y Nha Trang và đang là nhân viên y tế hợp đồng của Trường tiểu học Cam Linh (Cam Ranh, Khánh Hòa). Được nhận vào làm hợp đồng ở “thành phố lính” Cam Ranh đã là việc khó. Lại càng khó hơn khi mức lương hợp đồng từng năm, cũng chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng với mỗi ngày đi từ nhà trọ đến trường, hơn 20 km bụi bặm.
Vậy mà cô gái Bùi Thị Duyên vẫn cố gắng đến cùng cực để chồng yên tâm đi biển. Ngày 2.5.2014, trước khi nhận lệnh “ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ đặc biệt”, Hưng (khi ấy vẫn là Thuyền phó KN-766) chỉ đảo qua phòng trọ vài chục phút, động viên cô vợ trẻ chỉ 1 tháng nữa sinh con, rồi phóng xe máy hơn 20 km về lại tàu, kịp nhổ neo ra biển đuổi giàn khoan.
Ngày 5.5.2014, tàu KN-766 bị tàu hải cảnh, hải giám Trung Quốc tấn công 2 lần liên tục bằng vòi rồng và đâm trực tiếp, làm vỡ 5 kính ở mạn và đài chỉ huy bên trái, làm chập điện hệ thống máy hàng hải. Tiếp đó, tàu Trung Quốc còn tấn công quyết liệt, khiến quạt thông gió khoang máy bị hỏng, đồng thời làm hỏng cả hệ thống hàng hải và ra đa chỉ thị mục tiêu...
Ngay sau đó, hình ảnh con tàu biến dạng, móp méo xuất hiện trên chương trình thời sự của VTV, cô gái Bùi Thị Duyên một thân một mình trong căn phòng trọ khóc ngất, khiến hàng xóm phải tìm số điện thoại mẹ Duyên, gọi thông báo tình hình.
Thương con, bà Võ Thị Thủy (45 tuổi) bỏ dở mảnh ruộng đang gặt, tất tả bắt xe đò từ Quảng Bình vào Nha Trang, về nhà trọ thu dọn đồ đạc đưa con gái ra Bắc. Ngồi ôm con từ ga Nha Trang, đến ga Đồng Hới bà đành về nhà chăm gia đình, thu hoạch vụ mùa và cô gái Bùi Thị Duyên lại một thân đến ga Vinh, mới òa vào vòng tay bố mẹ chồng, mới từ Đô Lương chạy xuống đón con.
4 tháng kể từ khi hoàn thành nhiệm vụ, về lại bến đậu quen thuộc Cam Ranh, Hưng vẫn mướt mải với chức trách thuyền trưởng mới được giao phó và cuối ngày, khi công việc lắng xuống, Hưng lại thừ người ngắm hình con gái Nguyễn Thị Ngọc Hân (sinh ngày 12.6.2014), do vợ chụp lại bằng điện thoại gửi qua email đều đặn mỗi ngày.
Nguyễn Văn Nam, Bí thư Chi bộ tàu KN-766 kể: Bố mẹ Hưng ở Thịnh Sơn (Đô Lương, Nghệ An) đã già yếu, trên dưới 60 tuổi, nhưng vẫn gắng sức lo lắng cho vợ con Hưng và 2 đứa cháu nhỏ là con anh chị Hưng, đang đi làm ăn xa.
Ngồi trên cầu cảng Chi đội KN 4, tôi tò mò: “Sao không xin tranh thủ mấy ngày về thăm con?”. Hưng nhè nhẹ lắc đầu: “Mình là chỉ huy, phải để anh em tranh thủ hết đã!” và ngập ngừng: “Chỉ lo sau kỳ sinh, vợ em bị cắt hợp đồng lao động, thì khổ!”.
Biển bình yên, khát vọng tròn vẹn lãnh thổ, lãnh hải vẫn là niềm mong mỏi lớn nhất của những chàng trai cảnh sát biển, kiểm ngư. Nhưng hễ biển “động”, chủ quyền dân tộc có sự đe dọa, thì họ lại luôn sẵn sàng, lên đường giữ biển Hoàng Sa...
Thuyền trưởng Lê Minh Phúc (đứng giữa) ra ngoài mặt boong tàu KN-22 quan sát mặt biển, ra mệnh lệnh chỉ huy - Ảnh: Độc Lập
|
Thuyền trưởng Lê Minh Phúc (đầu tiên từ trái qua phải) và kíp điều khiển con tàu làm nhiệm vụ trên vùng biển Hoàng Sa - Ảnh: Độc Lập
|
Kiểm ngư viên Vũ Hoàng Sơn, tàu KN-951 và chiếc máy ảnh mất nắp - Ảnh: Tùng Sâm
|
Thuyền trưởng Nguyễn Xuân Hưng, tàu KN-766 tác nghiệp trên bản đồ - Ảnh: Mai Thanh Hải
|
Kiểm ngư viên Hoàng Văn Việt và 2 chuồng chim huyền thoại - Ảnh: Mai Thanh Hải
|
Tối 23.6.2014, hàng triệu người Việt Nam đã sững sờ khi xem đoạn video clip quay cảnh tàu KN-951 nhỏ bé, cũ kỹ của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chính diện, gần như nát đuôi và mạn phải tàu. Những hình ảnh chân thực không phải do phóng viên VTV thực hiện mà được quay bởi kiểm ngư viên Vũ Hoàng Sơn, quê ở Nghĩa Hưng, Nam Định.
Nhớ lại thời điểm “ngàn cân treo sợi tóc”, Vũ Hoàng Sơn kể: “Tàu Trung Quốc lao đến rất nhanh. Tôi chọn vị trí gần khoang chứa hàng phía sau tàu và 1 tay bám vào cột dựng bạt, 1 tay giơ máy ảnh cá nhân ghi lại hành động hung hãn của tàu Tân Hải 285” - Vũ Hoàng Sơn thuật lại vậy và bức bối: “Sau khi đâm thủng thành tàu, đâm nát buồng y tế của tàu KN 951, chiếc Tân Hải 285 còn đâm thêm lần nữa, nhằm làm chìm tàu tôi”.
Cú đâm hiểm độc của tàu Trung Quốc khiến Vũ Hoàng Sơn gục ngã, đầu đập xuống sàn tàu đau điếng. Quên đau, anh vẫn cố giữ thăng bằng, ghi trọn những hình ảnh mũi tàu Tân Hải 285 đâm va sát cạnh mình, rít lên tiếng xé những miếng sắt dày vỏ tàu và xuồng cứu sinh chực rơi xuống đầu.
Tùng Sâm
|
Bình luận (0)