Cuộc tranh luận nổ ra trên mạng xã hội sau khi có thông tin Nguyễn Hạo Thiên, thủ khoa tổ hợp A01 toàn quốc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, cho biết em không sử dụng điện thoại di động trong 3 năm học phổ thông. Không ít phụ huynh cho rằng cha mẹ phải tịch thu điện thoại, ngăn cấm hoàn toàn để giúp con tập trung vào việc học nhiều hơn, không bị nghiện điện thoại.
Bất lực vì con nghiện điện thoại
Trong khi đó, không ít phụ huynh bày tỏ sự bất lực, “có muốn cấm cũng không được” vì nhu cầu học tập. “Ở bậc THCS, tôi cấm tuyệt đối, không cho con trai sử dụng điện thoại và cháu rất năng động, tích cực tham gia các hoạt động thể thao sau giờ học”, anh Minh Quang (ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) có con học lớp 11, chia sẻ với PV Thanh Niên.
Tuy nhiên, khi vào lớp 10, con trai phải dùng điện thoại để theo dõi thông báo, việc giao bài tập của thầy cô, học nhóm. Kể từ đó, anh Quang nhận thấy con trai hoàn toàn khác biệt, chỉ biết ôm lấy chiếc điện thoại, sống khép kín hơn. “Cha mẹ khuyên bảo thế nào con cũng không nghe, nên cũng bất lực”, anh Minh Quang trải lòng.
Trong trường hợp khác, đánh đập, chửi mắng, cài mật khẩu máy tính, tịch thu điện thoại là những cách vợ chồng anh Quang K. (TP.Thủ Đức, TP.HCM) từng cố thử nhưng vẫn không ngăn được con trai nghiện game, thậm chí con càng trở nên cộc tính hơn.
“Con trai còn tìm cách lén ra tiệm net gần nhà để chơi, thậm chí nói dối sang nhà bạn để tụ tập ‘đánh game’. Tôi cũng từng đăng ký cho con học thêm các môn năng khiếu để không có thời gian chơi game, nhưng con vẫn tìm cách trốn học đi chơi”, anh K. trải lòng với PV Thanh Niên bên lề buổi workshop “Kỷ luật gieo yêu thương” được tổ chức tại Trường Quốc tế TAS (TP.HCM) gần đây.
Khi phát hiện con nói dối, anh K. thường đánh con hoặc la mắng để con sợ. Càng dùng tới các biện pháp cứng rắn thì con càng tìm cách chống đối, khiến cho giữa anh và con ngày một xa cách, phát sinh mâu thuẫn với cả vợ.
Cai nghiện game bằng thể thao và trở thành thủ khoa
Sau khi nhận thấy cách dạy con không hiệu quả, anh K. tìm hiểu qua sách báo thì biết được chơi thể thao giúp giải phóng năng lượng tốt. Anh K. thu xếp thời gian vào những ngày cuối tuần hoặc sau giờ làm cùng con đi bơi, chơi bóng rổ hay chạy bộ. Dần dần, anh và con đã thân thiết hơn và con cũng tìm thấy niềm vui khác ngoài những trò chơi điện tử.
Giúp con thoát khỏi sự cám dỗ của game cũng là cách anh Phan Long Tấn áp dụng đối với con trai Phan Tấn Phát (lớp 9A3, Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ Q.12, TP.HCM).
“Con trai học rất giỏi, tiếp thu bài rất nhanh nhưng vợ chồng tôi phát hiện con mê chơi game kể từ năm lớp 6. Tôi ngăn con chơi game bằng cách cho con tham gia nhiều môn thể thao khác nhau. Các hoạt động thể thao không chỉ giúp con rèn luyện sức khỏe mà còn tăng cường khả năng giao tiếp xã hội”, anh Tấn tâm sự.
Trong những năm học THCS, Phan Tấn Phát, con trai của anh Tấn, học nhiều môn thể thao khác nhau: võ thuật, bơi lội, bóng đá, cờ vua… “Con trai có khả năng tiếp thu rất nhanh, học hết môn này một thời gian thì chuyển sang môn thể thao khác”, anh Tấn cho hay. Về học tập, dù bận rộn với công việc, hằng đêm người cha vẫn dành thời gian từ 21 giờ trở đi để ngồi cùng con giải bài tập.
Kết quả là, Tấn Phát vượt qua hơn 1.000 thí sinh, trở thành thủ khoa lớp 10 chuyên toán, Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), với 9,75 điểm bài thi môn toán. Vừa qua, Van Houston Academy (Trường trung học tư thục Việt Nam đầu tiên tại Mỹ) trao học bổng trị giá 1,5 tỉ đồng cho nam thủ khoa.
Trong buổi lễ trao học bổng tại Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ hồi tháng 6, anh Phan Tấn Phát đã xúc động kể về hành trình đồng cùng con học tập, giúp con không nghiện game bằng thể thao. Lúc trao đổi với PV Thanh Niên bên lề lễ trao học bổng, Tấn Phát tự tin khoe chiếc thoại giờ đây chỉ có ứng dụng học tập, hoàn toàn không cài bất kỳ game nào.
Kỷ luật “tích cực”
Nhìn chung, việc cấm đoán không thể giúp con tránh xa game, nhưng dạy cho con biết cách sử dụng điện thoại phù hợp đòi hỏi nỗ lực từ rất lớn từ phụ huynh.
“Đối với trường hợp con đã nghiện game nặng, cha mẹ có thể tìm đến chuyên gia tâm lý để đánh giá mức độ nghiện và can thiệp chuyên sâu hơn. Còn đối với trường hợp nhẹ, gia đình cần có sự kỷ luật với các em, bao gồm thỏa thuận khi nào được phép chơi, còn khi nào không được đụng tới điện thoại”, chuyên gia Tú Anh Nguyễn, nghiên cứu sinh tiến sĩ tâm lý nhi, chia sẻ.
Bên cạnh đó, phụ huynh có thể đặt ra những khung giờ cho phép sử dụng điện thoại, nếu tuân thủ các con sẽ nhận được gì và nếu vi phạm thì sẽ như thế nào. “Phụ huynh hãy cùng ngồi xuống thảo luận, đừng cố ép con hay đe dọa khiến trẻ bộc lộ ý thức phản kháng. Cha mẹ hãy giữ vị thế của cha mẹ, là một người bảo vệ và hướng dẫn cho con hơn là người trừng phạt các con”, nữ nghiên cứu sinh tiến sĩ nói về phương pháp “kỷ luật tích cực”.
Bình luận (0)