Muôn màu kinh doanh

20/11/2011 02:58 GMT+7

Hiếm có kỳ SEA Games nào sân vận động chính chỉ diễn ra lễ khai mạc và bế mạc chứ không tổ chức thi đấu điền kinh hoặc bóng đá như sân Gelora Sriwijaya tại thành phố Palembang lần này.

Hiếm có kỳ SEA Games nào sân vận động chính chỉ diễn ra lễ khai mạc và bế mạc chứ không tổ chức thi đấu điền kinh hoặc bóng đá như sân Gelora Sriwijaya tại thành phố Palembang lần này.

Thay vào đó, ban tổ chức đã cho thuê hành lang vòng quanh sân để người dân vào buôn bán đủ mặt hàng từ đồ ăn, thức uống, đồ lưu niệm… cho đến dịch vụ xăm mình.

Ngày hội của hàng rong

Trước SEA Games 26, ban tổ chức đã xây hẳn một khu ăn uống, bán đồ lưu niệm khá rộng nằm ngay cạnh cổng khu liên hợp thể thao Jakabaring để phục vụ thành viên các nước tham gia đại hội và cả người hâm mộ. Thế nhưng, chỉ vài hôm sau ngày khai mạc, nơi này trở nên vắng hẳn bởi ngay trong lòng Jakabaring đã xuất hiện rất nhiều hàng quán rải quanh sân Gelora Sriwijaya, cũng như trên những con đường nội bộ và tràn ra đến tận cửa các nhà thi đấu.

Chỉ cần một chiếc ba gác cũng đủ để người dân địa phương bày bán đồ lưu niệm. Hàng hóa trên các gian hàng di động này khá phong phú, từ biểu tượng, linh vật đến quần áo có in biểu trưng SEA Games 26… Thậm chí ngay bên hông sân Gelora Sriwijaya còn có hẳn một gian hàng xăm hình chào mời khách với đủ loại hình xăm khác nhau.

Hình ảnh thường thấy ở ngay cổng mỗi nhà thi đấu trong khu liên hợp thể thao Jakabaring là những người bán kèn để người hâm mộ mua vào sân cổ vũ. Hay những chiếc mũ đơn giản trông như chiếc dù nhỏ được nhiều người mua làm “vũ khí” chống nắng khi xem các môn ngoài trời như điền kinh, leo tường, trượt patin, bi sắt, bóng chuyền bãi biển…


Hàng hóa được bày bán ngay trong Khu liên hợp thể thao Jakabaring - Ảnh: Quỳnh Anh

Cũng “chặt”, “chém”

Ngoại trừ các gian hàng quanh sân Gelora Sriwijaya là có hợp đồng thuê mướn với ban tổ chức, những gian hàng khác đều do người dân “lẻn” vào buôn bán chui.

Theo chân anh Kurniawan Ican - một người bản xứ - đi một vòng quanh Jakabaring để mua quà lưu niệm, chúng tôi mới biết rõ “hoàn cảnh” của những gian hàng, gánh rong. Anh Kurniawan Ican cho biết đồ lưu niệm ở những gian hàng được ban tổ chức cho thuê dù giá cao nhưng chất lượng tốt hơn rất nhiều so với hàng nhái ở những gian hàng chui. Đơn cử như cặp linh vật Modo - Modi được bán với giá 160 ngàn rupiah (khoảng 400 ngàn đồng) ở các gian hàng chính thức, thì ở những cửa hàng chui chỉ 85 ngàn rupiah.

Nhờ đi mua hàng với thổ địa mới biết trước như thế, chứ nhiều HLV và VĐV của VN kể lại họ nhiều lần “ăn quả lừa” khi đi mua hàng lưu niệm ở khu vực gần làng SEA Games. Tại đó, một cặp linh vật được bán với giá tới 300 ngàn rupiah (khoảng 750 ngàn đồng), hay một chiếc áo có in hình thành phố Palembang kèm biểu tượng SEA Games được bán với giá 200 ngàn rupiah (khoảng 500 ngàn đồng)… Sau khi đến những gian hàng chính khảo sát giá, mọi người mới biết mình đã bị lừa nặng.

Theo anh Ican, những mặt hàng lặt vặt như dù, quạt tay, kèn cũng được đẩy giá lên trời. Cụ thể mỗi chiếc dù giá tầm 7.000 rupiah lại được bán với giá 15.000 rupiah, quạt tay tầm 3.000 rupiah lại bán với giá từ 5.000 - 8.000 rupiah. Khách hàng không phải dân bản địa, chỉ cần nói tiếng nước ngoài là trở thành… “mồi” ngon của các hàng quán chui này.

Hoàng Quỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.