Không dẫn chứng nào rõ nét cho bằng hình ảnh của khung ruột nếu muốn tìm hình ảnh diễn tả cảnh chiến trường ngày đêm ác liệt.
>> Chén cơm nên thuốc
>> Không pha mà loãng mới hay
Trong lòng ruột là nơi tương tranh không ngừng nghỉ của hàng tỉ tỉ vi khuẩn chia ra 2 nhóm chánh - tà rất hặc bạch phân minh. Một bên là lực lượng vi khuẩn phe ta với nhiệm vụ đa đoan vì vừa ngăn chặn tình trạng nhiễm độc từ phế phẩm trên đường tiêu hóa, vừa tạo điều kiện tối ưu để dưỡng chất được hấp thu qua màng ruột.
|
Bên kia là thành phần tạp khuẩn liên minh để bào mòn sức đề kháng thông qua phản ứng lên men trong lòng ruột và từ đó tích lũy độc chất đủ loại, từ chất gây dị ứng cho đến chất sinh ung thư! Bên cạnh đó là đám nấm mốc lúc nào cũng chực chờ trong các nơi khúc khuỷu của khung ruột để chờ "nước đục thả câu" mỗi khi cán cân vi khuẩn mất quân bình vì phe này hay phe kia do lý do nào đó bỗng hao hụt số lượng.
Kẹt cho gia chủ là phe ta tuy mang tiếng danh môn chính phái nhưng lại dễ yếu hơn phe địch. Lực lượng vi khuẩn có ích cho sức khỏe rất dễ thua ngay trên sân nhà sau đợt điều trị bằng thuốc kháng sinh, sau chấn động tâm lý, sau cơn bệnh kéo dài nhiều ngày, hay thậm chí chỉ vì gia chủ xì-trết quá đi thôi.
Ngược lại, thành phần “ma giáo” rất dễ vừa phát tán vừa tăng hoạt tính nếu gia chủ là fan của thuốc lá, rượu bia, thịt mỡ, thực phẩm công nghệ,… thay vì chú trọng vào thực phẩm xanh trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày.
Tập thể vi khuẩn một khi chiếm ưu thế bao giờ cũng xuống tay không nương tình để một mặt diệt sạch nhóm vi khuẩn hữu ích. Mặt khác, phản ứng lên men trong khung ruột khiến gia chủ biếng ăn, đầy hơi, mệt mỏi, lừ đừ suốt ngày dù ngủ đủ trong đêm, dị ứng… Vấn đề chưa dừng lại ở đó, lượng độc chất tích lũy trong khung ruột lọt được vào máu là lý do khiến rối loạn biến dưỡng chất đường và chất béo.
|
Nạn nhân vì thế là miếng mồi ngon của bệnh tiểu đường, tăng mỡ máu với hậu quả thường gặp là béo phì và cao huyết áp. Tổ chức Y tế thế giới ắt hẳn có lý do chính đáng khi cảnh báo là 70% các căn bệnh thời đại có mối liên hệ mật thiết với tình trạng cơ thể “ngộ độc” vì độc chất sản sinh trong khung ruột. Ám tiễn bao giờ cũng nguy hiểm hơn minh thương trước mặt.
Để tiếp hơi cho lực lượng vi sinh hữu ích, thầy thuốc thường khuyên dùng sữa chua có vi sinh. Cách này tưởng hay nhưng trên thực tế không được bao nhiêu phần chủ động vì một lượng lớn vi sinh bị phá hủy khi qua ngõ dạ dày. Các bà nội trợ xứ mình tuy chưa học qua khóa nào về vi khuẩn nhưng lại có cách khác hay hơn. Đó là sử dụng các món lên men, các món làm chua để vừa tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh hữu ích, vừa trung hòa phản ứng lên men trong khung ruột của vi sinh độc hại. Ta mạnh tất nhiên địch phải yếu.
Cải chua, dưa giá, kiệu, tỏi ngâm giấm, chao, cơm rượu,… món ăn xứ mình đâu có thiếu thuốc tốt cho đường tiêu hóa thêm phần xuôi chèo mát máy. Sebastian Kneipp, y sư một thời nổi tiếng của hoàng gia nước Áo ắt hẳn phải tâm đắc thế nào khi đặt tên cho các món dưa chua là "cây chổi trong lòng ruột”. Nhà sạch, bát sạch càng thêm khỏe nếu ruột cũng… sạch!
Xe máy dù hàng hiệu cũng chết máy như chơi nếu nghẹt ống bô. Chủ xe dù tất bật thế nào cũng có lúc rửa xe thay nhớt. Thử hỏi đường tiêu hóa, nơi phải tiếp xúc và tích lũy cả khối độc chất trong suốt đời người, mấy khi được làm vệ sinh đường ống?
Không ai vui gì khi phải rửa ruột! Khéo chính ở chỗ mượn món ngon làm thuốc giải độc, tinh tế chính ở chỗ biết cách chêm nhẹ trong khẩu phần ít món chua để cuộc sống nhờ vậy vẫn ngọt làm sao! Vừa ăn ngon vừa tránh thầy thuốc, còn muốn gì hơn?
BS Lương Lễ Hoàng
(Trích từ loạt bài Y thuật trong món ăn Việt Nam dành riêng cho chương trình Chiếc thìa vàng 2014)
Bình luận (0)