Nhiều bức tranh gợi lại không khí êm đềm của cuộc sống ngày xưa như thiếu nữ đẹp bận áo dài bên hoa xuân, thôn nữ bên hàng dừa, gia đình tưng bừng bên nhau ngày tết với mai vàng, đào thắm, thủy tiên xinh, bao lì xì. Dù tranh hay ảnh, nhân vật trung tâm hầu hết là các thiếu nữ, nhân vật gắn liền với mùa xuân, duyên dáng trong tà áo dài. Hiếm có bìa báo gắn với chuyện thời sự đang diễn ra, trừ vài bìa báo những năm đầu thập niên 1970 liên tục đưa hình ảnh chim bồ câu, tượng trưng cho sự khát khao hòa bình. Dù sao, báo xuân là dịp tạm quên những trăn trở, nhọc nhằn của cuộc sống trần trụi mà tờ báo đã phản ánh cả năm qua.
Chúng tôi không có điều kiện xem được nhiều báo xuân phát hành ở miền Nam trong khoảng thời gian 1930 - 1940, trừ vài tờ như các số Phụ Nữ Tân Văn Xuân đầu thập niên 1930 đến khi đình bản năm 1935, cùng vài tờ khác như Công Luận, Nam Kỳ Tuần Báo, Kiến Thiết… Ở báo Phụ Nữ Tân Văn, có thể thấy báo chí miền Nam lúc ấy đã mời các họa sĩ miền Bắc như Trần Quang Trân, Lê Yên, Nguyễn Cát Tường tham gia phần mỹ thuật. Báo Công Luận năm Bính Tý 1936 thể hiện trên bìa hình ảnh người phụ nữ miền Nam bới đầu trong trang phục áo dài ôm sát thân hình. Bìa báo thể hiện một bài “đinh” đứng tên bổn báo có tít là Y phục của phụ nữ có cần cải cách không? và khẳng định là có. Thời điểm đó, áo dài Lemur chỉ mới phổ biến không lâu từ bắc vô nam, chứng tỏ tư duy làm báo nhanh nhạy và quan điểm cổ vũ sự tân tiến của tòa báo.
tin liên quan
Phong vị báo xuân xưa: Bài vở trên giai phẩm xuânQua giai đoạn đầu những năm 1950, bìa báo xuân ở Sài Gòn đã cố gắng cuốn hút độc giả với nhiều màu sắc rực rỡ. Có nhiều bìa báo như một bức tranh xinh tươi như báo Tiếng Dội, Thần Chung, Dân Quí cùng ra Tết Tân Mão 1951. Báo Dân Quí Xuân Tân Mão 1951 mời được họa sĩ học trường mỹ thuật Đông Dương là Mai Trung Thứ vẽ bìa cho mình dù ông ở Paris. Từ năm 1954, ở Sài Gòn, sau những năm chiến tranh là khoảng thời gian kiến thiết miền Nam. Kinh tế khởi sắc hơn, làm ăn thông thoáng hơn, giáo dục phát triển và sách báo phát hành nở rộ với nhiều nhà xuất bản và tòa báo mới thành lập. Báo xuân giai đoạn này xuất hiện những tờ có manchette lạ, sau này không còn thấy nữa, như các tờ Dân Quí, Việt Thanh, Xuân Việt Nam, Thanh Bình... bên cạnh các báo quen thuộc như Tiếng Chuông, Thần Chung, Mới, Tiếng Dội. Lúc đó, bìa báo hầu hết sử dụng tranh vẽ, nhiều bìa rất đẹp, trang nhã như báo Tự Do (họa sĩ Phạm Tăng vẽ), báo Tin Điển (họa sĩ Tú Duyên vẽ), Tiếng Chuông… Đặc biệt, các báo có tranh của họa sĩ Lê Trung bán rất chạy.
Nửa đầu thập niên 1960 là thời kỳ phong phú nhất về cách thể hiện bìa báo xuân. Các báo như Tiếng Chuông, Sài Gòn Mới, Phụ Nữ Ngày Mai, Phụ Nữ Diễn Đàn tiếp tục khai thác mạnh mẽ tranh bìa của họa sĩ Lê Trung rồi Lê Minh. Báo Tự Do in tranh bìa của họa sĩ Phạm Tăng, Nguyễn Gia Trí, có cả kiểu tranh trổ giấy lạ mắt. Tạp chí Ánh Đèn Dầu dùng tranh lập thể của họa sĩ Tạ Tỵ làm tranh bìa. Các họa sĩ vẽ tranh bìa đắt giá của thời kỳ này là Lê Trung, Lê Minh, Duy Liêm, Thái Văn Ngôn. Ảnh nữ nghệ sĩ lúc này đã in màu đẹp hơn, đưa nhiều chân dung các nghệ sĩ có tiếng như Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga. Tiệm ảnh Bình Minh ở đường Bùi Thị Xuân (của đạo diễn Lê Dân) và tiệm ảnh Viễn Kính của ông Đinh Tiến Mậu ở đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) cung cấp nhiều chân dung đẹp để làm bìa báo.
Từ năm 1965 - 1975, nhìn chung mỹ thuật trên bìa báo xuân không còn đặc sắc như trước, dù vẫn thấy thấp thoáng những bìa báo đẹp. Điều đó phản ánh sự thiếu ổn định của nền kinh tế, chiến cuộc leo thang nên nhiều người tài ở mọi lãnh vực phải ra chiến trường, sự thiếu hụt giấy in ảnh hưởng đến hình thức báo chí Sài Gòn.
tin liên quan
Phong vị báo xuân xưa: Hồi ức tết và thơ xuânTuy nhiên, 5 năm đầu thập niên 1970 lại đánh dấu sự phát triển về hình thức, bao gồm kỹ thuật trình bày, bìa báo, minh họa của các tạp chí, tuần báo dành cho thiếu nhi, học sinh như Tuổi Hoa, Thiếu Nhi, Tuổi Ngọc, Ngàn Thông... với những họa sĩ có tài được hỗ trợ bởi kỹ thuật in ấn đã rất phát triển. Nổi bật trong đó có họa sĩ ViVi, một họa sĩ tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định có kỹ thuật hình họa rất vững, tạo hình đẹp, sinh động và sáng tạo, rất gần gũi với thị hiếu thẩm mỹ giới học trò đô thị miền Nam. Ông vẽ bìa báo, minh họa, tranh vui… trên các tuần báo Tuổi Hoa, Thiếu Nhi, Ngàn Thông. Trên báo Tuổi Ngọc, họa sĩ đồng thời là nhà văn Đinh Tiến Luyện vẽ nhiều tranh bìa, minh họa đẹp và dễ thương, gây cảm xúc, đặc biệt đáng nhớ là hình tượng thiếu nữ với đôi mắt nai to tròn. Cho đến giờ, tranh vẽ của hai họa sĩ này vẫn được nhắc nhớ, lưu truyền trên các trang báo điện tử và mạng xã hội.
Bình luận (0)