"Trễ hẹn" 6 năm
Mương thoát nước Thụy Khuê dài khoảng 3 km (kéo dài từ dốc La Pho đến cống Đõ, thuộc địa bàn P.Thụy Khuê). Đây là một nhánh của sông Tô Lịch và là đường thoát nước chính của 2 quận Ba Đình (Hà Nội) và Tây Hồ.
Từ nhiều năm trước, con mương này đã bị ô nhiễm trầm trọng. Nhận thấy tính cấp bách, cuối năm 2012, dự án Cải thiện môi trường xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê (sau đây viết tắt là dự án) được khởi công với nguồn vốn 400 tỉ đồng do UBND Q.Tây Hồ làm chủ đầu tư.
Đây là dự án cống hóa mương Thụy Khuê bằng hệ thống cống hộp 2 làn, có vỉa hè 2 bên cùng hệ thống cấp nước, chiếu sáng trên mặt cống. Thời điểm đó, chính quyền sở tại xác định dự án sẽ hoàn thành vào năm 2017. Tuy nhiên, theo ghi nhận, ở đây vẫn còn hàng trăm mét mương thoát nước cần hoàn thiện. Tại khu vực chưa được thi công, vẫn còn một số hộ gia đình thuộc diện giải tỏa đang sinh sống.
Đi vào các con ngõ như 123, 123A, 125, 167 Thụy Khuê (P.Thuỵ Khuê), chúng tôi bị "tra tấn" bởi mùi hôi thối bốc lên theo gió thoảng. Tại đây, dòng nước đen ngòm, lững lờ trôi, đi cùng là đủ các loại rác rưởi từ túi ni lông, xác động vật... Chưa kể, dọc theo con mương đang thi công dang dở, vật liệu xây dựng, rác thải sinh hoạt tập kết tràn lan, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh; trên mặt đất vương vãi sỏi đá, gạch vụn...
Người dân "nghẹt thở"
Qua tìm hiểu, nước dưới mương chủ yếu là nước thải sinh hoạt cộng với rác do người dân xả trực tiếp xuống. Do không được khơi thông thường xuyên nên độ lưu thoát của mương rất chậm khiến nước đen ngòm, bốc mùi hôi tanh, khó chịu. Bên cạnh đó, ở một số đoạn, ngõ đi chung của người dân trên bờ mương rất chật hẹp; hệ thống lan can, rào chắn xuống cấp, nghiêng đổ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ, nhất là vào sáng sớm, buổi tối.
Đóng kín cửa sổ cả ngày, sử dụng máy lọc không khí, khử mùi… là cách gia đình bà H. (trú ngõ 125 Thụy Khuê) đối phó và sống chung với sự ô nhiễm của mương thoát nước sau nhà. Sống tại đây hơn 40 năm, bà chứng kiến mương Thụy Khuê từ chỗ là một nhánh cũ của sông Tô Lịch, sau đó ngày càng thu hẹp và trở thành rãnh thoát nước thải.
"Trước đây, mương khá rộng, thuyền bè có thể qua lại nhưng do rác thải đổ xuống cùng tốc độ đô thị hóa khiến lòng mương bị thu hẹp chỉ còn 1,5 - 2 m, giờ có khác gì cái "bể phốt lộ thiên" đâu. Vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ tăng cao khiến cả con mương bốc lên mùi xú uế nồng nặc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của các hộ dân hai bên bờ", bà H. chia sẻ.
Ông Vũ Lệnh Mầu (83 tuổi, trú P.Thuỵ Khuê) cho hay: "Nhà tôi ở mặt trước đường Thuỵ Khuê nên chỉ bị dự án lấy vào mấy mét mặt sau nhà. Tiền đền bù của Nhà nước chẳng được là bao, nhà tôi lấy vào khoảng 4,5 m2 và được đền bù có hơn 600 triệu đồng. Gia đình tôi ở đây hơn 60 năm, hiện nay mương thoát nước bẩn quá, luôn phải đóng kín cửa mà lắm khi vẫn nồng nặc mùi".
Đề cập tới vấn đề vẫn còn hộ dân chưa đồng ý trả mặt bằng để triển khai dự án, theo một số hộ dân, lý do là bởi cảm thấy chưa nhận được sự hỗ trợ hợp lý. "Dù có ủng hộ chính sách thì cũng phải nhận được hỗ trợ hợp lý", ông Mầu nói.
Vì sao dự án hơn 10 năm chưa cán đích?
Một cán bộ UBND Q.Tây Hồ cho biết, tổng số trường hợp phải giải phóng mặt bằng của dự án là 314 hộ gia đình và 11 tổ chức; đã có 291 trường hợp bàn giao mặt bằng, 34 trường hợp chưa bàn giao. Trong 291 trường hợp bàn giao mặt bằng, có 5 trường hợp phải bố trí tái định cư; riêng trong 34 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng có 8 trường hợp phải bố trí tái định cư, 21 trường hợp nhận tiền bồi thường nhưng chưa bàn giao mặt bằng và 5 trường hợp chưa nhận tiền bồi thường.
Theo Q.Tây Hồ, vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ dự án liên quan đến 13 trường hợp tái định cư chưa được nhận nhà tái định cư (8 hộ chưa bàn giao mặt bằng và 5 hộ đang phải đi thuê trọ - PV). "Quỹ nhà tái định cư của dự án được Sở Xây dựng Hà Nội bố trí tại tòa CT2 khu tái định cư Xuân La (Q.Tây Hồ). Tuy nhiên, hiện chủ đầu tư xây dựng tòa nhà vẫn chưa hoàn thành công tác bàn giao công trình để đưa vào sử dụng", vị cán bộ này nói.
Bên cạnh đó, tiến độ dự án bị ảnh hưởng do phải tổ chức thi công trên cơ sở hiện trạng tuyến mương thoát nước nằm xen kẽ trong khu dân cư, phải thi công theo tuyến độc đạo dọc mương, mặt bằng thi công chật hẹp… Các trường hợp tái định cư lại nằm tại vị trí các đầu nút tuyến đang chờ nhận nhà, gây khó khăn khi tổ chức thi công các đoạn ở trong.
Để đảm bảo tiến độ, Q.Tây Hồ sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan liên quan sớm có quỹ nhà tái định cư bàn giao cho người dân; đồng thời khẩn trương thực hiện công tác cưỡng chế thu hồi mặt bằng đối với các trường hợp còn lại, phấn đấu hoàn thành xong trong tháng 7.
"Quận cũng sẽ chủ động phối hợp với đơn vị quản lý thoát nước để linh hoạt điều chỉnh biện pháp thi công, thỏa thuận biện pháp dẫn dòng, lấp dòng tạm thời, làm đường tạm thi công đối với các vị trí chưa thu hồi được mặt bằng; đồng thời, phối hợp với đơn vị thoát nước thường xuyên duy trì đảm bảo việc thoát nước, vệ sinh môi trường khu vực này", vị cán bộ này khẳng định.
Bình luận (0)