Mướp khía hay mướp tàu thuộc họ Bầu bí, chi Mướp, có tên khoa học là Luffa acutangula, khác với mướp hương hay mướp ta (Luffa aegyptiaca). Trong khi mướp khía được phân bổ rộng rãi khắp các khu vực châu Á, thì mướp hương, có hương vị thơm ngọt hơn, là loại cây bản địa của bắc Phi, nhưng có tên chung là loofah. Trái được thu hoạch khi chín và sử dụng rộng rãi như một loại rau trong ẩm thực Á đông và Phi châu. Tại các nước phương Tây, người ta chủ yếu dùng xơ mướp làm vật dụng làm đẹp để tẩy tế bào chết và giúp mịn láng da.
|
Hạt mướp chứa nhiều a xít béo, được sử dụng làm dầu ăn và trong nhiều công thức mỹ phẩm làm ẩm - nuôi dưỡng da. Theo bảng phân tích thì cứ mỗi 100 gr mướp ta có 95,1 gr nước; 0,9 gr protid; 0,1 gr lipid; 3 gr glucid; 0,5 gr cellulose; 28 mg calci, 45 mg phospho; 0,8 mg sắt, 160 mcg betacaroten; vitamin nhóm B và vitamin C. Mướp khía cũng có những tính năng như các loại trong chi Bầu bí, nghĩa là chứa thành phần như luffein, citrullin (một a xít amin không tham gia vào thành phần protein), cucurbitacin... có khả năng kháng ô xy hóa tốt.
Còn trong y học cổ truyền thì mướp khía có vị ngọt, tính bình, thanh nhiệt thải độc, trừ đờm, chữa ho hen, ung nhọt, tắc sữa, táo bón... có thể sử dụng cả hạt, rễ, lá, vỏ, hoa và nụ.
Lưu ý: Những người có hệ tiêu hóa yếu, hay đau bụng, đại tiện không tốt, không nên ăn nhiều mướp khía.
Minh Quân
>> Chọn trái cây
>> Ăn nhiều rau quả, trái cây giúp cai thuốc lá
>> Món salad trái cây trộn nặng 5 tấn
>> Trái cây khô
>> Trẻ quá nhỏ chưa nên dùng nước trái cây
Bình luận (0)