'Mustang' một vùng tự do

03/07/2016 15:00 GMT+7

Phim kinh điển Thelma and Louise ra đời năm 1991 rất nổi tiếng với hình ảnh hai người đàn bà trưởng thành liều mạng để được tự do. Nhưng đó không phải là lần cuối người ta thấy phận nữ nhi vùng lên.

Trong Mustang, bộ phim đại diện Pháp vượt qua 81 ứng viên để lọt vào top 5 Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất Oscar 2015, phụ nữ vẫn chịu cảnh lầm than ngay giữa một Thổ Nhĩ Kỳ tân thời.
Chiếc vòng kim cô khó dỡ bỏ
Tạm quên chốn đô hội Istanbul với vô số kiến trúc sáng giá, những trải nghiệm hiện đại. Cách đó cả ngàn cây số, những ngôi làng nhỏ với mảnh vườn trồng cây ăn trái, bãi tắm đẹp nên thơ… có thể đánh lừa bạn về sự thật ẩn sâu vẻ ngoài êm đềm ấy. “Mọi thứ thay đổi trong chớp mắt, ban đầu tưởng như yên bình nhưng rồi tất cả bí mật lộ dần…” tiếp sau câu thoại của nhân vật Lale đoạn đầu phim, người xem sớm nhìn ra viễn cảnh: Phụ nữ, từ trẻ nhỏ cho đến các bà các cô, họ đều loanh quanh sân nhà, lo việc bếp núc, cam chịu nhìn nắng vàng buổi sáng rồi chợp mắt sau một ngày lao động mệt nhoài phục vụ gia đình.

Mồ côi cha mẹ, năm chị em gái Sonay, Selma, Ece, Nur và em út Lale sống trong sự bảo bọc và kìm kẹp của người bà và ông bác nghiêm khắc Erol. Trong mắt người lớn, năm cô con gái như thể quả bom nổ chậm, bất kỳ lúc nào cũng có thể bùng phát. Không chỉ người thân, năm chị em gái còn hứng chịu cái nhìn soi mói từ người dân trong làng bởi với họ, nuôi dạy trẻ là phải uốn nắn chúng từ khi còn nhỏ, bất chấp chúng chẳng nghĩ ngợi gì khi đùa giỡn cùng bạn học nam giới sau khi được nghỉ hè. Thậm chí, nếu không tự trốn đi chơi thì cả đời Sonay, Selma, Ece, Nur và Lale cũng không biết đến không khí của một trận đấu bóng hay cảm giác đi một đôi giày bít mũi là thế nào.
Triệt tiêu tội lăng loàn, dễ làm ô nhục dòng tộc, ông chú và người bà cấp tốc đưa các em đi kiểm tra trinh tiết và quyết định nhốt tất cả trong nhà để bảo vệ và dạy dỗ. Rồi đây năm chị em gái sẽ sống đức hạnh trọn đời, lấy chồng theo sự sắp đặt của người lớn, sinh con và chết đi. Người bà quá quen với những tập tục, chỉ biết vâng dạ phục tùng mệnh lệnh của cánh đàn ông. Bà chẳng thể làm gì khác khi tất cả phụ nữ có tuổi chung quanh bà cũng sống cùng một thực trạng, chịu chung lề thói cam chịu.

Khát vọng tự do
Hằng ngày, các bà các cô được dịp lôi những bài giảng giáo lý tẻ nhạt chèn ép tư tưởng những cô con gái mới lớn. Họ kiên nhẫn triệt tiêu ham muốn tự do (trong cả ăn mặc) của các em. Họ có thể đau đáu niềm riêng chính họ, nhưng họ không cho phép bất kỳ đối tượng đồng giới nào được tự do, được sống đúng bản năng.
Câu hỏi đặt ra là các cô gái trẻ cam chịu với gông cùm của truyền thống gia trưởng hay một lần nữa “chạy trốn”? Nếu ở lại, các em cũng chỉ là những món hàng lần lượt được “bán” sang nhà chồng như lời người bà nói với các gia đình giàu có đến hỏi cưới. Nếu ra đi, năm chị em gái ngây thơ như tờ giấy sẽ làm gì để sống sót mà không sa vào cạm bẫy?

Tiếng vọng về nguồn cội
Tác giả phim - nữ đạo diễn 38 tuổi Deniz Gamze Ergüven chuyển đến Pháp khi còn rất nhỏ. Cô dành nhiều thời gian học tập và tốt nghiệp - trường điện ảnh La Fémis năm 2008. Ergüven chia sẻ với tờ Film Comment rằng ở đâu chuyện tình dục cũng là đề tài bàn tán nhưng riêng tại Thổ Nhĩ Kỳ lại là đề tài cấm kỵ. “Tôi có đưa vào phim những chi tiết nghe được hoặc từng chứng kiến ở quê mình, như việc họ cấm nam sinh và nữ sinh (mặc váy ngắn) cùng đi lên cầu thang; vào mùa cưới, nhiều bệnh viện xuất hiện các cô dâu bị gia đình chồng đem đến kiểm tra trinh tiết; khi bị phạt đánh các em gái sẽ theo thứ tự lớn tuổi đến nhỏ tuổi…”.
Ergüven không phủ nhận số phận bọt bèo của phụ nữ ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đạo Hồi hà khắc có thể đe dọa cả sinh mạng họ, và bộ phim là lời gửi gắm chân thành của cô đến những phụ nữ đang sống trong nhà tù tư tưởng. Phát biểu trên Vogue, Ergüven từng thiếu tự tin và hoang mang khi Mustang công chiếu ở quê nhà và cuộc sống của cô có thể đảo lộn nếu quay về Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, phản ứng của dư luận quốc tế phần nào giúp Ergüven bình tâm hơn những lời lăng mạ từ dân bản xứ.
Mustang là phim truyện đầu tay của Deniz Gamze Ergüven, với dàn diễn viên chính đều có rất ít kinh nghiệm hoặc chưa từng đóng phim. Ergüven chấp bút kịch bản trong vài tuần nhờ đồng nghiệp - một nữ đạo diễn trẻ khác động viên. Dù nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ nhưng phim có vốn đầu tư của cả Pháp, và do nội dung phim động chạm đến “tự ái dân tộc” nên Pháp giành quyền tiến cử phim thành công tại giải Oscar vừa rồi. Mustang còn nhận được tổng cộng 38 giải, 46 đề cử khác và tiếp tục được chiếu tại Anh, Úc, Nhật… trong thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.