Mưu đồ xâm lấn đội lốt khảo cổ

14/07/2014 09:00 GMT+7

Giới chức Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố mở rộng hoạt động khảo cổ tới Trường Sa và gọi đó là 'hành động chứng minh chủ quyền quốc gia'.

Giới chức Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố mở rộng hoạt động khảo cổ tới Trường Sa và gọi đó là “hành động chứng minh chủ quyền quốc gia”.

Trung Quốc tuyên bố đưa tàu Khảo cổ Trung Quốc 01 hoạt động xung quanh Hoàng Sa từ tháng 5.2014 - Ảnh: Sohu 
Trung Quốc tuyên bố đưa tàu Khảo cổ Trung Quốc 01 hoạt động xung quanh Hoàng Sa
từ tháng 5.2014 - Ảnh: Sohu

Mới đây, ông Vương Nhất Bình, quan chức đứng đầu về di tích văn hóa tỉnh Hải Nam (Trung Quốc), tuyên bố với Tân Hoa xã rằng trong 2 năm tới, Trung Quốc (TQ) sẽ tiến hành trục vớt các xác tàu nằm xung quanh đảo Hoàng Sa và đảo Quang Ảnh nằm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam (VN).

Ông Vương loan tin tại 2 vị trí trên, giới khảo cổ TQ “đã phát hiện một số hiện vật từ thời nhà Thanh”. Quan chức này còn ngang nhiên tuyên bố TQ đã thường xuyên thực hiện các cuộc khảo cổ xung quanh Hoàng Sa và đang mở rộng hoạt động xuống quần đảo Trường Sa. Trước đó, tờ Hải Dương Trung Quốc dẫn lời Thứ trưởng Văn hóa Lệ Tiểu Tiệp tuyên bố tàu khảo cổ dưới nước đầu tiên của nước này mang tên Khảo cổ Trung Quốc 01 được đưa vào hoạt động tại vùng biển xung quanh Hoàng Sa từ tháng 5.2014. Những hành vi nói trên rõ ràng vi phạm chủ quyền không thể tranh cãi của VN đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Vỏ bọc khảo cổ

Từ năm 2013, TQ bắt đầu đẩy mạnh củng cố cái gọi là quyền sở hữu hàng ngàn xác tàu nằm trong khu vực bị đường lưỡi bò “liếm” trúng, theo tờ The Wall Street Journal. Bắc Kinh đã đào tạo hơn 100 chuyên gia, xây dựng ít nhất 3 viện bảo tàng khảo cổ dưới nước và đầu tư hàng triệu USD cho các chương trình thăm dò để chuẩn bị tiến hành cái gọi là “công tác khảo cổ” ở các vùng tranh chấp trên biển Đông trong năm 2014. Kể từ năm 1990, giới chức TQ đã xác định vị trí của 136 địa điểm khảo cổ dưới nước ở biển Đông và ngang nhiên liệt nhiều khu vực trong số này vào “danh sách địa điểm được bảo vệ tầm quốc gia”.

The Wall Street Journal dẫn lời giới quan sát chỉ rõ ý đồ chính trị của TQ trong các kế hoạch khảo cổ dưới nước. Lâu nay, Bắc Kinh chỉ dựa vào những “bằng chứng lịch sử” vô cùng mơ hồ để tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. Do đó, hoạt động “lục lọi” dưới đáy biển vừa nhằm để tìm thêm “bằng chứng”, vừa để tiếp tục đẩy mạnh hiện diện tại các khu vực tranh chấp. Giám đốc Trung tâm di sản văn hóa dưới nước của TQ Lưu Thự Quang tuyên bố: “Chúng tôi muốn tìm thêm bằng chứng có thể chứng minh người TQ đã đến và sống ở đó, chứng cứ lịch sử có thể hỗ trợ chứng minh TQ có chủ quyền đối với Nam Hải (cách TQ gọi biển Đông - NV)”.

Hung hăng đe dọa

Không chỉ tăng cường các hoạt động khảo cổ phi pháp, TQ còn hung hăng cho tàu công vụ cản trở, dọa dẫm các bên khác thực hiện dự án khảo cổ trong những khu vực này.

Theo The Wall Street Journal, hồi tháng 4.2012, tàu hải giám và máy bay TQ đã tiến sát một tàu khảo cổ của Philippines do chuyên gia nổi tiếng người Pháp Franck Goddio dẫn đầu đang hoạt động gần bãi cạn Scarborough. Nhóm của ông Goddio khi đó đang thăm dò xác một tàu TQ chìm ngoài khơi Philippines hồi thế kỷ 13. Sau đó, có thêm 3 tàu TQ theo sát tàu của ông Goddio trong khoảng 1 tuần và buộc tàu này phải rời khỏi. Đến nay, TQ phong tỏa lối vào Scarborough và nhóm của ông Goddio đã phải từ bỏ dự án trên.

Giới chuyên gia cho rằng chính sách chồng chéo giữa chính trị và khảo cổ học của TQ không có gì là ngạc nhiên, nhưng vụ việc tại Scarborough đánh dấu lần đầu tiên một quốc gia trong khu vực dùng vũ lực để ngăn chặn dự án khảo cổ dưới nước của một nước khác, theo The Wall Street Journal. “TQ có lực lượng hải quân lớn nhất khu vực và sử dụng sức mạnh để “độc chiếm” công việc khảo cổ. Họ không muốn hợp tác hay phối hợp với bất kỳ ai”, nhà khảo cổ Mark Staniforth tại Đại học Monash (Úc) nhận định.

Nguy cơ từ “con đường tơ lụa trên biển”

TQ đã lên kế hoạch lập một cơ sở khảo cổ dưới nước cấp quốc gia, một cơ sở làm việc và một viện bảo tàng liên quan đến biển Đông, để bảo vệ cái gọi là “con đường tơ lụa trên biển” và bổ sung hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận khái niệm này là di sản thế giới, theo Tân Hoa xã. Dù không có bất cứ bằng chứng rõ ràng nào, giới chức TQ vẫn ngang nhiên nói “con đường” này xuất hiện từ thời Tần - Hán (221 TCN -220 SCN), bắt đầu từ bờ biển phía đông của TQ đi qua biển Đông và Ấn Độ Dương đến Địa Trung Hải. Thực chất, theo giới quan sát, động thái mới tại UNESCO cũng nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh đối với biển Đông.

Ngoài ra, cách đây hơn 6 tháng, TQ đã cho chiếu bộ phim tài liệu với tựa đề Hành trình trên Nam Hải để tuyên truyền chủ quyền đối với biển Đông. Bộ phim gồm 8 phần, trong đó có phần đề cập những chuyến tuần tra phi pháp của TQ ở Hoàng Sa và Trường Sa. Cuối tuần trước, Giáo sư Carl Thayer tại Đại học New South Wales (Úc) cảnh báo rằng bộ phim gửi một “thông điệp rùng rợn” tới các bên khác rằng TQ sẽ không ngần ngại dùng sức mạnh cơ bắp để củng cố “quyền chủ quyền” của mình. Đài GMA News dẫn lời ông Thayer cảnh báo toàn bộ khu vực phải nhìn ra được những tín hiệu đáng quan ngại trong bộ phim này và việc quay, phát sóng nó phải được xác định là một hành động gây rối.

Minh Trung

Văn Khoa

 >> Tổng hội Xây dựng ra tuyên bố phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam
 >> Sẵn sàng đưa hành vi xâm phạm chủ quyền VN ra các cơ quan tài phán quốc tế
 >> Thượng viện Mỹ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan
 >> Trung Quốc tăng tàu bảo vệ giàn khoan
 >> Giàn khoan Nam Hải 04 hoạt động ở biển Đông trong một năm
 >> Kiên trì đẩy đuổi giàn khoan Trung Quốc ra khỏi vùng biển Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.