Mưu sinh bằng nghề soi nhái

01/11/2013 09:28 GMT+7

Nghề soi nhái vất vả nhưng lại giúp người dân vùng Bảy Núi (An Giang), đặc biệt là những hộ thiếu đất canh tác có được thu nhập khá cao, góp phần ổn định cuộc sống.

Mưu sinh bằng nghề soi nhái

Người soi nhái phải trang bị đầy đủ đèn, vợt và giỏ - Ảnh: Trường An

Mưu sinh bằng nghề soi nhái

Nhái phơi khô - Ảnh: Thiên Lộc

Sống nhờ con nhái

 

Nhái hay nhái cơm, có người gọi là bù tọt, là một loài lưỡng cư, sống nửa dưới nước nửa trên cạn, to hơn ngón chân cái. Nhái thường sống thành đàn và xuất hiện quanh năm trên đồng ruộng hoặc dưới chân núi, nhiều nhất là vào mùa mưa, khi nước vừa lên.

Khi trời vừa nhá nhem, ếch nhái cất tiếng kêu râm ran ngoài đồng cũng là lúc nhiều thanh niên nghèo vùng Bảy Núi bắt đầu xách đồ nghề ra đồng đến 2 - 3 giờ sáng mới quay về.

Anh Võ Văn Liền (ngụ ấp Vĩnh Hạ, xã Vĩnh Trung, H.Tịnh Biên) là người soi nhái “chuyên nghiệp”, đã sáng chế ra cây vợt chụp nhái hiệu quả nhất. Theo anh Liền, xóm anh có trên 30 người chuyên sống bằng nghề soi nhái, đó là chưa kể những nơi khác ở vùng Bảy Núi, có tới hàng trăm người sinh sống bằng nghề này. Trung bình mỗi đêm đi soi có thể kiếm được từ 5 - 10 kg nhái, đủ sống đắp đổi qua ngày.

Dụng cụ của dân soi nhái khá đơn giản, chỉ gồm bình ắc quy, đèn soi gắn ở trán để ánh sáng luôn chiếu về phía trước, một cây vợt và giỏ đựng nhái. Mỗi lần ánh đèn soi lướt qua, phát hiện có nhái, người soi chỉ cần dùng vợt chụp xuống là nhái sẽ hốt hoảng nhảy vào hom vợt. Các thợ soi nhiều năm kinh nghiệm cho biết da nhái thường tiệp màu với cỏ cây nên khó trông thấy. Trong đêm tối, người soi nhái phải thường xuyên căng mắt, theo dõi cử động của từng con, đến lúc phát hiện có chấm đỏ nhờ ánh sáng đèn mới dừng lại, chụp thật nhanh. Khi nào đầy vợt, người soi cho nhái vào giỏ và cứ thế tiếp tục lần mò từ ruộng này sang ruộng khác. Có khi người soi nhái phải lội bộ hàng chục cây số, đến tận các ấp vùng sâu, vùng xa sát biên giới Campuchia hoặc những cánh đồng xăm xắp nước ở các huyện Hòn Đất, Kiên Lương (Kiên Giang) mới kiếm được đầy giỏ. Nếu phải đi xa hơn, người soi di chuyển bằng xe gắn máy, khi tới chỗ dựng xe khóa lại rồi xuống ruộng “tác chiến”.

Tùy vào thời tiết mà lượng nhái soi được nhiều hay ít. Thường vào ngày mưa, nhái lên đồng bắt cặp, cất lên “bản hợp xướng” rền vang là lúc người soi tha hồ mà chụp. Ngược lại, những đêm trời sáng trăng, ếch nhái im hơi lặng tiếng, rất ít người đi soi.

Đặc sản khô nhái

 

Một ngày nào đó khi con nhái không còn nữa, không biết chúng tôi phải làm gì để sống

 Anh Võ Văn Liền

Nhái soi về được phân loại lớn nhỏ. Nhái lớn mang ra chợ bán với giá từ 50.000 - 70.000 đồng/kg, nhái nhỏ bán cho người mua phóng sinh hoặc làm mồi nuôi rắn hổ hèo. Số còn lại đem lột da, móc ruột, phơi khô. Chị Trần Thị Mai Xuân, một người chuyên sản xuất khô nhái ở xã Vĩnh Trung, cho biết muốn khô đạt chất lượng cao, chị thường ướp nhái với tiêu, ớt, muối để thấm đều trước khi phơi. Sau khi phơi xong, khô nhái được bỏ vào bọc ny lông, đưa đi chào hàng với giá khoảng 200.000 - 300.000 đồng/kg. Bình quân cứ 4 kg nhái tươi sẽ cho 1 kg khô. Khô nhái ngon nhất là chiên, người ăn có thể nhai cả xương và thịt. Khô nhái có vị ngọt dịu, cay cay, mằn mặn, béo, giòn rất đặc trưng, có thể coi là món “lai rai” hấp dẫn.

Nhiều năm qua, nghề soi nhái được xem là cần câu cơm của bà con nghèo ấp Vĩnh Hạ. “Một ngày nào đó khi con nhái không còn nữa, không biết chúng tôi phải làm gì để sống”, anh Liền lo lắng.

Thiên Lộc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.