Mưu sinh khi tết cận kề: Cầm cự chờ ngày mới

01/02/2024 06:01 GMT+7

Nỗi sợ mất việc, không tìm được việc làm lảng vảng trong tâm trí của nhiều công nhân ở TP.HCM, nhất là tại những công ty cắt giảm nhiều nhân sự trong năm 2023.

Lâu lắm rồi, được sáng cuối tuần, chị Đào (46 tuổi, quê Tiền Giang), công nhân Công ty TNHH N. Việt Nam (Q.12, gọi tắt: Công ty N.) mới có dịp ngồi uống cà phê tụ họp với vài chị em đồng nghiệp. Câu chuyện cuối năm của họ xoay quanh con cái, sửa xe, dọn nhà… Niềm vui vẫn vậy, nhưng nhắc về công việc thì ai cũng thở dài. Năm 2023, chị Đào sống trong cảnh nơm nớp sợ mất việc và đến bây giờ chị vẫn suy nghĩ sẽ làm gì nếu không may nằm trong danh sách cắt giảm sau tết.

Mưu sinh khi tết cận kề: Cầm cự chờ ngày mới- Ảnh 1.

Với chị Trần Thị Xuân, con cái là nguồn động lực cho mình cố gắng

TRỌNG NGHĨA

2 năm trăn trở

Chị Đào làm công nhân ở Công ty N. đã được 17 năm. Theo lời kể, năm 2021, chị được chuyển qua làm bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm. Từ thời điểm ấy, trong nhà máy, quản đốc, công nhân thường nói với nhau chuyện sắp tới công ty sẽ cắt giảm rất nhiều nhân sự để cơ cấu lại tình hình kinh doanh - sản xuất. Nhiều người nói công ty khó khăn, nhiều người lại bảo đó là "quy luật": quy luật sa thải công nhân lớn tuổi để lấy chi phí cải tiến công nghệ và tuyển lứa trẻ làm việc năng suất hơn...

Nhọc nhằn đường đua kiếm tiền lo tết: Bà nội trợ lặt lá mai thuê dưới nắng cháy người

Mưu sinh khi tết cận kề: Cầm cự chờ ngày mới- Ảnh 2.

Thị trường lao động TP.HCM năm 2023 chứng kiến nhiều khó khăn

NHẬT THỊNH

Đến năm 2023, công ty ra thông báo cắt giảm vài trăm nhân sự, công nhân hoang mang, chị Đào cũng nằm trong danh sách đó. Nhìn sang mức đền bù theo đúng quy định của pháp luật, công nhân so bì với mức hỗ trợ của vài công ty khác, rồi tiếp tục đình công. Sau khi cơ quan nhà nước đối thoại, công ty tạm ngưng phương án giảm lao động, nhưng mong muốn được thỏa thuận với công nhân để chấm dứt hợp đồng lao động.

Ban đầu, chị Đào cũng như các đồng nghiệp bị cắt giảm, phản đối quyết liệt. Chị kể nhiều công nhân còn sợ đến mức ngừng việc và muốn công ty ký cam kết đừng sa thải nhân viên nữa. "Họ biết đây là đòi hỏi quá đáng, nhưng công nhân không mong gì ngoài ổn định việc làm", chị Đào nói. Nhưng giờ đây, chị cũng thấy mất động lực đòi quyền lợi.

Chị Đào phát hiện mình bị ung thư từ năm 2015, tiền lương của chị dành cho thuốc men, trị bệnh. "Do tôi không chồng con, không ăn uống nhiều, không mua sắm gì nên mỗi tháng cũng tiết kiệm được 500.000 đồng", chị kể.

Ban đầu, ở quê, chị Đào và em trai trồng khóm trên miếng đất nhà anh trai, hy vọng có thu hoạch để sau này nếu lỡ mất việc thì còn "đường lui". Nhưng ai ngờ mùa vụ thất bát, lúc cần xuống giống thì hết tiền, rồi em trai bị ung thư giai đoạn cuối… Ước mơ làm nhà nông không thành, chị không dám tính chuyện đường xa nữa.

"Tôi nghĩ rồi qua tết công ty cũng sẽ thông báo cắt giảm lao động thôi. Ngày xưa, vào công ty làm vui lắm, không muốn về nhà, giờ vào làm chỉ thấy nặng nề và về sớm. Thật ra chính sách công ty ngày xưa tốt, đến bây giờ cũng không bao giờ trễ lương, trễ thưởng, cũng không nợ bảo hiểm xã hội hay bất cứ gì… Khổ vì khó khăn chung, đơn hàng ít. Gần 20 năm làm ở đó, chứ có ít đâu. Nhưng giờ tính thế nào cũng đâu có được. Nếu mất việc thì tôi đi bán vé số thôi. Dù sao thì cũng phải lạc quan mà sống tiếp", chị Đào chia sẻ.

Rồi tết sẽ lại đoàn viên

Trong khu trọ cách Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (Q.Bình Tân) hơn 1 km, chị Trần Thị Xuân (46 tuổi, quê Quảng Trị) đang pha thuốc cho đứa con gái nhỏ. Ở một góc phòng, chị treo ảnh cưới gia đình và ảnh các con. Chị Xuân còn đứa con gái lớn đang học đại học ở Thừa Thiên-Huế.

Vào làm ở nhà máy cũng đã được 22 năm thì hồi tháng 5.2023, chị Xuân mất việc do công ty cắt giảm lao động. Loay hoay tìm việc mới hoài chưa có, nên trong lúc nghỉ hưởng trợ cấp thất nghiệp, chị đi hỏi han giúp việc nhà vào cuối tuần. "Chồng tôi vẫn đang làm trong PouYuen. Thật ra thì hoàn cảnh chắc cũng không tới nỗi nào nếu cả nhà không ai bị bệnh", chị Xuân ứa nước mắt và kể tiếp: "Tôi thì mất việc, bị hoại tử khớp háng, không thể đứng lâu và làm việc nặng được. Đứa con gái nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh, còn chồng tôi mới đây phát hiện có khối u ác tính… Nói thật, nhiều khi tôi ngủ, chỉ muốn đừng bao giờ thức nữa, nhưng mà phải sống vì con mình".

Theo lời chị Xuân, ba mẹ chị dưới quê cũng bệnh nặng. "Hồi tôi nghỉ, cũng được công ty chi trợ cấp khoản tiền lớn, nhưng rồi lấy tiền trị bệnh hết. Ba mẹ dưới quê cũng già cả, bệnh nhiều lắm. Mới mấy tháng trước, hai vợ chồng về quê thăm, đi cũng hết ngày trời, đi xe khách vì vé rẻ, chứ đi vé máy bay cao lắm, chênh tới mấy trăm ngàn", chị Xuân kể.

Hỏi tết này chị Xuân có về quê không thì chị bảo rất muốn về, tết ai lại không muốn... Nghe vài nơi tặng vé xe, chị định đi xin, nhưng hầu như chương trình nào cũng chỉ hỗ trợ được vé một chiều. "Thật ra năm nay công nhân ai cũng khó khăn. Nhà tôi nếu về quê thì tới 3 người, tôi cũng không dám nhận vé, vì sợ về thì cũng chưa chắc có tiền vào lại", chị Xuân nói và vẫn hy vọng rồi tết tới sẽ lại có dịp đoàn tụ cùng gia đình và con gái. Chị nói dù hiện tại có ra sao, chị và chồng cũng cố gắng hết sức để lo cho các con.

"Chồng tôi khi phát hiện có khối u, phải tạm nghỉ việc để đi điều trị. Sau đó sức khỏe anh cũng đỡ lại, rồi công ty cũng động viên anh ráng duy trì công việc để có lương. Giờ phải cố gắng thôi. Hy vọng năm mới sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Năm nay không đón tết được thì năm sau", chị Xuân lạc quan.

Người lao động nghèo chọn ăn tết xa nhà vì gánh nặng lì xì, quà cáp

Thời gian qua, cùng với nhiều chính sách của cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, các cá nhân đã đồng hành, chia sẻ khó khăn với người lao động, đặc biệt là công nhân ở TP.HCM bị giảm giờ làm, mất việc làm.

Dịp Tết Nguyên đán 2024, TP.HCM dành khoảng 1.000 tỉ đồng để chăm lo tết cho người có công, người thuộc diện bảo trợ xã hội, hộ nghèo, lao động mất việc làm. Cơ quan công đoàn các cấp tại TP.HCM cũng huy động nhiều nguồn lực để tổ chức các hoạt động như tặng vé xe, vé tàu về tết, tặng quà cho công nhân mất việc… Hay Hội Liên hiệp Phụ nữ VN TP.HCM các cấp dự kiến trao hơn 70.000 phần quà tết (mỗi phần quà trị giá từ 200.000 - 1 triệu đồng), với tổng số tiền hơn 20 tỉ đồng.

Ngoài ra, nhiều chủ nhà trọ cũng tổ chức tất niên, tặng quà dịp tết cho công nhân, nhất là công nhân không có điều kiện về quê đón tết. Qua đó hy vọng san sẻ giúp họ có thêm niềm vui dịp tết, tạo thêm động lực, kỳ vọng cho năm mới.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.