Mưu sinh ngày tết - Bài 2: Xóm ve chai tần tảo

27/01/2014 09:31 GMT+7

(TNO) Khắp các con hẻm trên đường Lê Đức Thọ và khu vực lân cận quận Gò Vấp (TP.HCM) tập trung rất đông các hộ ve chai. Sáng sớm, họ tỏa đi khắp nơi với chiếc xe đạp cọc cạch. Tết đến cận kề, họ vẫn miệt mài như bao ngày bình thường khác.

>> Mưu sinh ngày tết - Bài 1: Xóm bắp ăn tết cùng tin đồn bắp luộc pin

Tết về ở những nơi ‘ăn Tết’ rất nhỏ - Bài 2: Xóm ve chai tần tảo 1
Một người mua ve chai đang hành nghề

Miệt mài vòng xe ve chai

19 giờ, tôi bắt gặp bà Phương (54 tuổi, quê Nam Định) đang chở một xe đầy bìa cạc-tông và một khung gỗ về vựa ve chai để bán. Cầm những đồng tiền đầy mồ hôi sau một ngày làm việc nặng nhọc, bà Phương ra những quầy rau, thịt mua một chút đồ ăn cho bữa cơm tối rồi đi về phía phòng trọ ở xóm bờ sông.

Xóm bờ sông là tên gọi mà người dân hay gọi một con hẻm (ở đường số 2 Lê Đức Thọ, Gò Vấp), nơi tập trung đông đảo những người mua ve chai dạo.

Mưu sinh ở TP.HCM đã 7 năm nay, chị Thiện (40 tuổi, quê Vĩnh Phúc) bảo mua ve chai vẫn đỡ hơn làm nông ở nhà. Xa con từ lúc cháu học lớp 4, nay nó đã lên lớp 11. Ngày đi, hai vợ chồng chị quyết tâm trả hết nợ và nuôi con ăn học. Vậy là vào Sài Gòn chị đi buôn ve chai còn anh đi bán bánh giò. Xa con ban đầu nhớ đến quay quắt nhưng nhịp sống và sự chịu khó của anh chị đã làm họ bám trụ được lâu với nghề.

Sáng nào, chị Thiện cũng dậy từ lúc 4 giờ sáng và đạp xe sang tận quận 1 để lượm ve chai. “Đời ve chai năng nhặt chặt bị, thứ gì cũng nhặt, miễn sao có thể bán ve chai là được”, chị Thiện nói.

Người buôn ve chai ở các hẻm đường Lê Đức Thọ chủ yếu là người Vĩnh Phúc. Cứ người này đi rồi kéo người khác vào làm cùng. Có gia đình kéo tất cả các thành viên vào làm ve chai.

Ông Dần (57 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc) nhẩm tính, từ ngày ông vào Sài Gòn mua ve chai đến nay đã hơn 6 năm, ngày ấy thấy làm ăn được ông liền đưa vợ vào làm cùng. Ba năm sau, 2 con của ông cũng vào theo bố mẹ “hành nghề” ve chai. Đến nay, khi sức khỏe yếu đi, ông Dần bảo mình chỉ đi quanh quẩn trong phường 15 này thôi, còn các quận để con ông chạy.

Tết về ở những nơi ‘ăn Tết’ rất nhỏ - Bài 2: Xóm ve chai tần tảo 2
ông Dần chở ve chai đi bán

Tết về ở những nơi ‘ăn Tết’ rất nhỏ - Bài 2: Xóm ve chai tần tảo 3
Một người ve chai tranh thủ lựa thức ăn bán bên đường

Cũng có trường hợp cả ba chị em ruột dắt nhau vào buôn ve chai. Bà Trần Thị Nhung (43 tuổi, ở Nam Định) vào làm ve chai đã 5 năm nay kể: Vào trước thấy làm ăn được nên kêu cả chị và em ruột vào ở chung dãy trọ để đi lượm ve chai.

Huyền (24 tuổi, con bà Nhung) lấy chồng rồi sinh đứa con nhưng bố nó lại nghiện ngập nên sạt nghiệp, bà Nhung lại đưa con về sống cùng. Sáng sớm, mẹ con bà Nhung lại miệt mài đạp xe qua từng ngõ, hẻm nhẫn nại gom ve chai mưu sinh.

 

“Với những người lao động nghèo như chúng tôi, những lúc nghỉ ngơi đầu năm thật hiếm hoi. Mấy năm trước ở lại thì chúng tôi nghỉ ngày mùng 1, còn sau đó thì đi lượm ve chai ở mấy chỗ người ta tụ tập vui chơi, chứ nghỉ lâu là lại nhớ nghề”, ông Dần cười nói.

Tết nhất, một bữa cơm thân tình

Những ngày giáp tết, cư dân xóm ve chai cũng rục rịch sửa soạn đồ đạc để về quê đón tết. Xa quê đã hơn 6 năm là biết bao mùa tết gia đình ông Dần phải ngậm ngùi bám trụ Sài Gòn. Ông kể, tết xa quê đơn giản lắm, vào đêm giao thừa, mấy gia đình ở lại xóm thường tụ họp vào ngồi bên mâm cơm và rót những ly bia chúc nhau khi thời khắc giao thừa đến.

“Với những người lao động nghèo như chúng tôi, những lúc nghỉ ngơi đầu năm thật hiếm hoi. Mấy năm trước ở lại thì chúng tôi nghỉ ngày mùng 1 còn sau đó thì đi lượm ve chai ở mấy chỗ người ta tụ tập vui chơi, chứ nghỉ lâu là lại nhớ nghề”, ông Dần cười nói.

Tết năm nay ông Dần và các con quyết định về ăn tết với gia đình, anh em ở quê. Tôi hỏi, gia đình ông có sắm sửa đồ đạc mang về quê không, ông chỉ vào chiếc máy xay sinh tố, cái nồi cơm điện nói: “Đó là đồ mua ve chai, người ta lấy rẻ nhưng nó còn dùng tốt nên tôi để dành tết này mang về nhà”.

Làm ve chai, cái được lớn nhất là được nhiều người thương. Chỉ vào cái ti vi to tướng tuy có cũ nhưng vẫn rất rõ hình, ông Dần bảo: “Đồ người ta cho đấy, thấy mình già, làm ăn lương thiện nên người ta biếu không. Có những đồ như nồi, bình người ta cho tôi còn mang về quê dùng nữa đó”.

Chỉ vào đủ thứ vật dụng trong căn phòng trọ chật chội, chị Trần Thị Tươi (35 tuổi, quê Ninh Bình) ở trọ tại hẻm 1163 thuộc khu phố 7, đường Lê Đức Thọ, nói hầu hết là đồ ve chai.

“Cách đây mấy tháng tôi mua được cái xe ô tô đồ chơi trẻ em bằng nhựa với giá rất rẻ, đem về nhà con tôi ngày nào cũng leo lên đòi lái xe chở mẹ đi chơi”, chị Tươi kể.

Tuy nhiên, như bao nghề lao động chân tay khác, nghề ve chai cũng phải đối mặt với bệnh tật vì suốt ngày cứ rong ruổi ngoài đường.

Bà Nhung chỉ vào một túi thuốc vừa mới mua nói: “Làm ve chai lo bệnh vì phải chạy ngoài đường nhiều, tiếp xúc chai lọ, hóa chất, bụi. Tháng nào cũng bị đau họng, ho mấy ngày nay”.

Ngậm ngùi nói về tết, chị Tươi nhìn đứa con thơ bi bô, cho biết từ ngày sinh bé ông bà nội ngoại cứ giục đưa cháu về nhà thăm ông bà nhưng vợ chồng đi làm suốt, tiền dư lại ít ỏi nên cứ trì hoãn mãi. Quê ở xa, tiền tàu xe đi về tốn kém nên vợ chồng chị đang cân nhắc việc về quê.

“Bà nội nói cho cháu về thăm nội, mình cũng muốn đưa con về vì từ ngày sinh cháu chưa được ra mắt gia đình nhưng kinh tế khó khăn quá không biết có đủ tiền mà về không nữa”, chị Tươi bộc bạch.

Bài, ảnh: Hà Minh

>> Mưu sinh ngày Tết
>> Nhọc nhằn mưu sinh ngày Tết
>> Sinh viên mưu sinh ngày Tết
>> Điều ước của cô giáo xóm ve chai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.