Mưu sinh trên đầm An Khê: Nhọc nhằn cào hến

09/11/2022 08:40 GMT+7

Đầm An Khê và sông Cửa Lỗ với khung cảnh hoang sơ, đẹp tựa tranh vẽ..., đây là chốn mưu sinh bao đời của cư dân ven bờ. Họ lặn lội cào hến, giăng lưới bắt cá tôm để dâng vị ngọt ngon cho đời.

Với họ, đấy là ân huệ của đất mẹ ban cho những đứa con nhọc nhằn sớm hôm nơi quê nghèo.

Cào ra tiền

Nắng thu phản chiếu nước sông Cửa Lỗ nối đầm An Khê, xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) với biển cả bao la lấp lánh ánh vàng. Anh Trà Văn Thảnh (ngụ thôn Phú Long, xã Phổ Khánh) dầm mình trong làn nước ngập sâu đến ngực mải mê cào hến. Chiếc vợt lưới cán dài cỡ sải tay sục sạo dưới đáy sông gom những con hến chừng bằng ngón tay trỏ ẩn mình trong lớp cát mịn màng.

Anh Thảnh cào hến giữa trưa nắng

TRANG THY

Chân bước mò mẫm, hai tay anh ấn vợt khuấy đảo đáy sông. Miếng tôn mỏng uốn cong hình lưỡi liềm gắn vào miệng vợt xúc cả cát lẫn hến vào đáy lưới. Những hạt cát nhỏ xíu trôi ra ngoài qua mắt lưới, hến và sỏi đá đọng bên trong. Nước sông trong veo nhìn thấu đáy bị vẩn đục khiến lũ cá bống mun đen trũi hoảng hốt bơi ra xa. Khi vợt nằng nặng, anh Thảnh đưa lên cao trút hến vào chiếc thau nhựa nối với sợi dây cột quanh eo nổi trên mặt nước.

Thuở nhỏ, Thảnh theo cha ra sông và đầm An Khê tập tễnh cào hến. Nghiệp cào bắt loài thủy sinh trú ẩn nơi đáy sông vận vào đời anh từ ấy đến giờ. Bản tính siêng năng đem lại cho Thảnh tấm áo mới, sách vở, bút mực thuở còn đến trường. Giờ anh cần mẫn cào bắt để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình, lo cho con thơ tung tăng đến lớp. Đông lạnh, anh vẫn miệt mài ngâm mình trong làn nước. Ngoảnh lại đã gần 30 năm anh lặn lội mưu sinh nơi đầm nước, sông quê.

“Trưa hè nắng như đổ lửa thì tôi và những người trong làng tạm nghỉ, chờ cho bớt nắng mới ra cào. Ngày nắng quá tranh thủ cào cả ban đêm. Mùa mưa hến nhiều hơn nên cố gắng cào, dù rất lạnh. Mỗi bữa kiếm được trên dưới 1 tạ hến, nhiều hôm gần cả 2 tạ. Giá mỗi ký hến vỏ từ 5.000 - 8.000 đồng. Khi ai cũng cào được nhiều thì giá rẻ và đến lúc ít thì giá cao. Ngoài việc cào hến, tôi còn thả lưới bắt cá để kiếm thêm”, anh Thảnh tâm sự.

Hơn 20 năm cào hến mưu sinh, anh Trà Văn Tính (cũng ở thôn Phú Long, xã Phổ Khánh) rành rẽ những vũng nước sâu - cạn ở đầm An Khê và sông Cửa Lỗ. Dụng cụ hành nghề của họ khá đơn sơ với vợt lưới và thau nhựa chưa đến trăm nghìn đồng. Khi thau sắp chìm vì nhiều hến, họ kéo vào bờ đổ vô bao tải rồi ngâm nơi mép nước. Cuối buổi, họ chuyển về nhà, lượm bỏ rác và đá sạn trước khi cho hến vào ngâm trong lu nước. Thương lái thu mua rồi chuyển đến nhiều nơi tiêu thụ.

Anh Tính chia sẻ: “Nghề cào hến có từ lâu lắm rồi. Hễ siêng năng thì luôn có thu nhập. Mỗi bữa cào được dăm ba trăm nghìn đồng, cũng kiếm được ngày công. Dân xung quanh đầm có nhiều người đi cào lắm”.

Dâng vị ngọt cho đời

Ngoài việc cào bắt hến, chị Nguyễn Thị Lai (ở xã Phổ Khánh) còn thu mua hến bán cho thương lái và sơ chế trước khi giao cho khách hàng. Hến ngâm qua đêm trong nước rồi cho vào nồi nước sôi sùng sục trên bếp lửa. Dùng thanh tre vót láng khuấy đều cho hến tách vỏ, ruột rơi ra ngoài lửng lơ trong làn nước. Sau đó, đãi lấy phần thịt màu trắng đục chừng bằng đầu đũa ăn cơm. Tùy mùa vụ, ruột hến mỏng hay dày, 10 kg hến vỏ sơ chế được 0,9 - 1,3 kg thịt với giá bán mỗi ký từ 80.000 - 90.000 đồng. Hến được chuyển đến nhiều vùng miền làm thỏa lòng thực khách phương xa.

Đổ hến vào thau

TRANG THY

“Ở đây có 2 loại, hến rằn và hến búa, chế biến thành nhiều món ăn ngon lắm nên không sợ ế. Có ông chú ở TP.Quảng Ngãi nhờ em mua giùm một lần đến mấy tạ. Nhiều người ở quê vào sinh sống tại TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu thường gọi điện về đặt mua hàng chục ký. Người ở xa đến đây cũng mua hến mang về chế biến món ăn hay làm quà biếu người thân. Hến ở đây chế biến món ăn có hương vị đặc trưng, không giống những nơi khác. Vì vậy, nhiều người ưa thích, nhất là những người con sinh sống xa quê. Nghe họ khen hến quê mình ngon, em vui lắm”, chị Lai cho biết.

Người bạn quê Phổ Khánh nhiệt tình mời tôi về nhà rồi tự tay chế biến món ăn từ những loại hải sản đánh bắt tại đầm An Khê và sông Cửa Lỗ. Bữa cơm trưa có món hến rằn xào mướp, cá ngạnh um nghệ và vọp xào đậm đà hương vị. Vị ngọt từ mướp và thịt hến hòa cùng gia vị thấm vào từng tế bào vị giác. Thịt hến phảng phất vị phù sa đầm nước, sông quê hòa cùng hương thơm từ rau trái vườn nhà, quá đỗi là ngon.

“Nguồn nước đầm với sông chưa bị ô nhiễm như ở những nơi khác nên hến sinh sản nhiều và chế biến món ăn ngon lắm. Bà con nơi đây thường chế biến cơm hến, hến xào xúc bánh tráng, thịt hến xào hay nấu canh cùng các loại rau, cháo hến, đổ chả với trứng... Bạn bè phương xa đến chơi tấm tắc khen ngon khi được thưởng thức những món ăn nấu từ thịt hến và nước luộc. Nhiều người mua hến và các loại hải sản đánh bắt trong đầm mang về nhà để ăn dần và làm quà tặng cho bạn bè”, anh bạn nói.

Nhặt rác và sỏi ra khỏi hến trước khi bán cho thương lái

NGỌC HÀN

“Neo” bước tha hương

Gia đình cha mẹ anh Thảnh chỉ có 2 sào ruộng canh tác lúa rồi chuyển nhượng cho con, quanh năm cần mẫn gieo trồng cũng chỉ đủ ăn. Ngày chưa lấy vợ, anh cùng nhiều trai làng rời quê vào Bà Rịa - Vũng Tàu làm thuê trên các tàu cá đánh bắt xa bờ. Thuở ấy, nguồn hải sản còn dồi dào nên tàu về bờ khẳm cá tôm. Chủ tàu thu bộn tiền, bạn chài như anh cũng được chia kha khá sau bao vất vả trên sóng nước. Nhưng mưu sinh trên biển đối diện với những hiểm nguy khôn lường. Giữa biển cả bao la, tàu vỏ gỗ tựa chiếc lá mỏng manh trên sóng nước. Nỗi nhớ nhà và người thân khiến anh bao đêm thao thức. Thế là anh trở về gắn bó với nghề cào hến, giăng lưới nơi đầm nước, sông quê.

Anh Thảnh cho biết: “Dân ở đây thường đi bạn cho chủ tàu ở các nơi, nhất là Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhưng bây giờ cá tôm ít hơn lúc trước, xăng dầu ngày càng cao nên nghề biển ngày càng khó khăn. Nhiều chuyến biển lỗ vốn nên ngư dân đi bạn không có thu nhập, phải chuyển sang những nghề khác để mưu sinh. Riêng tôi thì làm những việc này để kiếm tiền lo cho gia đình chứ không thể đi xa vì nhớ con”.

Sau những ngày bôn ba nơi đất khách, anh Tính cũng về quê cần mẫn cào hến cả đêm lẫn ngày. Mưa lạnh, anh điều khiển thuyền gắn máy công suất nhỏ chạy chầm chậm trên sông hay đầm nước. Chiếc vợt lưới với cán cột nơi đuôi ghe sục sạo cào xới bắt những con hến ẩn mình trong bùn cát. Cuộc sống lam lũ nhưng anh cảm thấy mãn nguyện khi được ở bên gia đình, nghe con thơ bi bô nói cười làm vơi phần nào mệt nhọc. “Mình không có nghề nghiệp ổn định nên đi làm ăn xa cũng vất vả, nhiều khi buồn vì nhớ nhà. Về quê thì ruộng ít quá nên phải mưu sinh bằng cách này thôi. Nếu chịu khó làm ăn thì cũng ổn, đủ lo cho con cái ăn học”, anh tâm sự.

Theo ông Phạm Kim Hoanh, Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh, đầm An Khê nằm trên địa bàn xã và tiếp giáp với P.Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi. Hiện có hơn 300 hộ dân xã Phổ Khánh và 60 hộ dân P.Phổ Thạnh mưu sinh trên đầm. “Bà con đánh bắt tôm, cá, ốc, hến... rồi bán cho thương lái chuyển đến nhiều nơi tiêu thụ. Nổi bật ở đây có hến rằn được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Hến rằn chế biến nhiều món ăn ngon, đặc biệt là món gỏi”, ông Hoanh cho biết.

Nghe vậy, chị Lai góp chuyện: “Ở đây ít ruộng nên muốn nuôi bò cũng khó vì không có rơm. Thuê ruộng để làm thì chẳng có lời, đôi khi lỗ vốn vì giá lúa thấp mà phân, thuốc quá cao. Vậy nên nhiều người phải bám vào sông và đầm nước để kiếm sống. Ngày kiếm vài trăm nghìn cũng đủ trang trải trong gia đình. Nếu không có công việc này thì chắc nhiều người phải bỏ xứ ra đi để tìm kế sinh nhai”.

(còn tiếp)

Mưu sinh trên đầm An Khê

Vũ điệu cuộc sống

Nghệ thuật lưới lùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.