Mưu sinh trên những chuyến đò chợ miền Tây: Nửa đời người đi khắp miệt đồng bằng

10/03/2021 13:45 GMT+7

Ðò chợ là phương tiện giao thông sôi động miền Tây một thời. Những chuyến đò nối liền các cù lao, cồn bãi xa xôi với các chợ. Đây được xem là nét văn hóa đặc trưng, độc đáo của cư dân trên dòng Cửu Long giang.

Giờ đây khi đường sá miền Tây ngày một hoàn thiện những con đò chợ nặng tình quê vắng bóng dần, nhường chỗ cho các phương tiện cơ giới hiện đại nhưng đâu đó vẫn còn những người lái đò miệt mài với công việc mưu sinh, xem dòng sông, bến nước, con đò thành mối duyên khó tách rời.

Con đò rời bến chợ

8 giờ sáng con đò mang biển số Bến Tre 0454 của người lái đò Lê Văn Phương rời bến đò Chợ Lách sang chợ Vĩnh Long bắt đầu một chuyến hành trình đò chợ như mọi ngày. Tiếng còi tàu vang lên báo hiệu con tàu sắp khởi hành, trên bờ hành khách lần lượt mang đồ đạc xuống tàu.

Đò chợ chính là nét chấm phá đặc sắc nhất về bức tranh giao thông muôn màu cũng như tập quán sinh hoạt của người miền Tây sông nước, từ bao đời nay-Ảnh: Thanh Nhã

Đò chợ chính là nét chấm phá đặc sắc nhất về bức tranh giao thông muôn màu cũng như tập quán sinh hoạt của người miền Tây sông nước, từ bao đời nay

Ảnh: Thanh Nhã

Ông Phương năm nay đã 54 tuổi gắn bó với nghề chạy đò chợ này từ lúc mới 14 tuổi giờ đây tóc đã hai màu, con tàu và mọi thứ cũng như ông đều nhuốm màu thời gian. Người lái đò già tâm sự, những năm 90 của thế kỷ trước là lúc đò chợ thịnh hành nhất, mỗi ngày tại Bến tàu Chợ Lách có đến 3 chuyến đi chợ Vĩnh Long. Rồi còn có cả chuyến đi Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng hay tận Sài Gòn.

Ông Phương với hơn nửa đời người gắn bó với những chuyến đò dọc, đưa khách từ trung tâm thàng phố đi về khắp miệt đồng bằng-Ảnh: Thanh Nhã

Ông Phương với hơn nửa đời người gắn bó với những chuyến đò dọc, đưa khách từ trung tâm thành phố đi về khắp miệt đồng bằng

Ảnh: Thanh Nhã

Ngày ấy tàu khởi hành từ lúc 5 giờ 30 phút nhưng từ sáng sớm đã có rất đông hành khách ngồi chợ tại bến. Người đi đò, người gửi hàng hóa… Có những chuyến chở hàng đi các thành phố, bến cảng lớn. Khung cảnh nhộn nhịp ngày nào giờ chỉ còn trong hoài niệm.

Khoang tàu đầy ắp người năm nào giờ chỉ còn trong hoài niệm-Ảnh: Thanh Nhã

Khoang tàu đầy ắp người năm nào giờ chỉ còn trong hoài niệm

Ảnh: Thanh Nhã

“Hồi xưa bạn hàng đi đông lắm, bạn hàng lên tàu tại bến cũng có hoặc dọc đường tôi ghé rước khách cũng có vài bạn hàng xuống bán buôn. Người trà đá, cà phê, người cóc ổi mía ghim...ai có gì bán nấy. Thời đó vui lắm, chuyến tàu đi về lúc nào cũng rộn ràng như mở hội...”, ông Phương bùi ngùi nhớ lại.

Cuộc mưu sinh của những bạn hàng

Đi đò chợ thì không thể thiếu những người bạn hàng, mấy chục năm ròng rã, con đò chợ của ông Phương vẫn cần mẫn "chở" những cuộc mưu sinh của bạn hàng nghèo. Bà Phan Thị Liên là người bạn hàng duy nhất theo con đò của ông Phương suốt gần 30 năm nay. Đi chợ chung với bà còn có bà Năm nhưng bà Năm đã mất cách đây 3 năm giờ chỉ còn bà Hai Liên đơn độc đi chợ mướn cho các tiểu thương. Công việc của bà là đi chợ theo toa, đặt mua hàng hóa giùm cho các tiểu thương ở chợ, với mỗi toa bà được trả tiền công 10 ngàn đồng. Có bữa nhiều cũng kiếm cỡ trăm mấy chục ngàn đồng; ít thì năm, bảy chục ngàn đồng/ngày.

Bà Hai Liên là người bạn hàng cuối cùng còn cố bám trụ theo chuyến đò chợ của ông Phương

Ảnh: Thanh Nhã

Người bạn hàng tuổi xế chiều tâm sự, do bà đi đò lâu năm nên ông Phương lấy tiền đò rất rẻ, chỉ nửa giá so với hành khách thông thường.

Cầu nối giao thương hàng hóa

Chạy đò lâu năm nên cứ đến giờ tiểu thương ai có cần mua gì sẽ đứng đón, khi thì bến phà thậm chí ngay giữa cầu chỉ cần thả gói đồ xuống nhờ ông Phương đi chợ. Có lẽ cụm từ đò chợ cũng xuất phát từ những thực tế này.

Đò cập bến các thợ bốc vác, tiểu thương nhanh chóng khuân vác hàng hóa xuống con đò của ông Phương-Ảnh: Thanh Nhã

Đò cập bến, thợ bốc vác, tiểu thương nhanh chóng khuân vác hàng xuống con đò của ông Phương

Ảnh: Thanh Nhã

Xuôi theo dòng sông Cổ Chiên được chừng 20km con đò của ông Phương cũng đã cập bến, ông Phương cùng cậu con trai của mình vội vã tới những cửa hàng quen thuộc gửi tiền hàng kèm toa cho các chủ tiệm. Khách đi đò thưa dần nên thu nhập chính của ông cũng dựa vào nghề đi chợ và chở hàng thuê, mỗi ngày ông bỏ túi cũng khoảng 600 - 700 ngàn đồng.

Thoáng một chút con đò trống trơn giờ đã đầy ắp hàng, đủ các loại được những người bốc vác thay phiên khuâng xuống. “Gia đình tôi thuê đò của chú Phương chạy đã nhiều năm nay, từ lúc ba tôi và bây giờ là đến lượt tôi. Thường ngày cứ sáng 10 giờ là tàu chú ấy cập bến rồi các tiểu thương như chúng tôi lần lượt mang vác hàng hóa xuống gửi để chở hàng qua Chợ Lách”, anh Minh Tâm cho biết.

Đồng hành cùng ông Phương còn có cậu con trai nhỏ, cậu bé rất thích cùng cha rong ruổi trên hành trình chở khách ngược xuôi

Ảnh: Thanh Nhã

Chẳng mấy chốc con đò của ông Phương đã đầy ắp hàng

Ảnh: Thanh Nhã

Khi tàu trở về bến đã có người chờ nhận hàng

Ảnh: Thanh Nhã

Theo thời gian đò chợ miền Tây mất dần vị thế ngày trước, chủ đò như ông Phương giờ trở thành người làm thuê, lao động nặng nhọc, khuân vác, lấy công làm lời. Lòng người lái đò không khỏi xót xa, chỉ sợ mai một, những chuyến đò sẽ đi vào dĩ vãng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.