Những bến đò ngang qua sông Hương

23/08/2020 06:27 GMT+7

Hồi nhỏ khi còn ở quê, có lần tôi được ba dẫn lên Huế để thăm nhà người o (cô) ruột vừa mới lấy chồng.

Ba chở tôi lên Kim Long tìm địa chỉ nhà chồng của o. Nhưng tới nơi thì mới biết o tôi đã ra ở riêng bên kia sông Hương chỗ ngọn đồi Long Thọ. Người em chồng của o dẫn hai cha con tôi ra bến đò để qua sông thăm nhà mới của o. Một chiếc đò nhỏ, người lái đò là một mệ già móm mém vừa chèo đò vừa hút thuốc lá Cẩm Lệ khói bay mù mịt. Mệ lái đò khua nhẹ mái chèo, đưa đò chênh chao ra giữa dòng sông… Đó cũng là lần đầu tiên tôi được đi một chuyến đò ngang qua sông Hương.
Tôi không còn nhớ nhiều về chuyến đò giữa trưa nắng mùa hạ năm nao vì khi đó còn quá nhỏ; chỉ nhớ là khi đò cập bến, nghe tiếng hát nồng nàn của một nam ca sĩ quen từ chiếc máy cát xét trong ngôi nhà bên sông vọng ra: “Một mai qua cơn mê, xa cuộc đời bềnh bồng, tôi lại về bên em...”. “Hay quá, lâu lắm rồi mới nghe lại bài hát ni!”, ba như nói với chính mình... Có lẽ bài hát trên bến đò năm nao đã kéo về cho ba tôi nhiều kỷ niệm của một thời trai trẻ đã qua.
Mà cái bến đò bên sông Hương năm nao, tôi cũng không nhớ chính xác ở vị trí nào dọc theo triền sông Hương phía miệt vườn Kim Long nữa; chỉ nhớ là nó ở gần chùa Thiên Mụ, bởi khi đò ra giữa sông tôi đã ngước nhìn tháp Phước Duyên của ngôi chùa cổ này rất lâu. Bây chừ, mỗi lần ngang qua đường Kim Long, tôi vẫn dò tìm dấu tích bến đò xưa và nhận ra rằng Huế đó, một thành phố nhỏ và hiền như những bến đò trên sông Hương nhưng để đi hết chiều sâu của Huế thì thăm thẳm như lòng sông không biết đi mãi đến bao giờ?
Bến đò Kim Long qua Long Thọ đã không còn tồn tại đâu gần hai mươi năm rồi. Nhưng ở Huế, bây chừ theo tôi biết vẫn còn 4 bến đò ngang qua sông Hương. Đó là bến đò từ chợ Đông Ba qua Đập Đá, bến đò từ phố cổ Bao Vinh qua Tiên Nộn, bến đò Cồn từ chợ Cồn qua Cồn Hến và xa hơn một chút, phía hạ nguồn là bến đò ngang ở ngã ba Sình.
Những chuyến đò ngang chầm chậm qua sông cứ như những câu thơ lục bát giữa dòng gieo vào lòng người bao niềm thương nỗi nhớ về một thời cách trở. Những chuyến đò đó chừng như níu kéo nét dân dã quê mùa ngay trong lòng phố thị; nét lam lũ, tảo tần giữa đời thường tấp nập, bon chen. Tốc độ đô thị hóa của phố phường hiện đại hình như đã vô tình lãng quên những bến đò này và người đưa đò cũng như những đôi triêng gióng qua đò của mấy mệ, mấy dì, mấy o cũng chẳng màng chi đến sự huyên náo của xe cộ, của bao người đang vội vã lao đi trên con phố cách bến đò chừng hơn mười mét...
Bến đò Đông Ba qua Đập Đá chỉ chạy đôi ba chuyến trong ngày, chủ yếu chở mấy gánh cơm hến qua bán chợ Đông Ba vào những buổi sớm mai. Bến đò Bao Vinh qua Tiên Nộn chỉ có người gánh hàng đi chợ vào buổi sáng sớm và trở về lúc chiều tà. Bến đò Sình thi thoảng mới có người qua sông. Chỉ có bến đò Cồn vẫn đều đặn những chuyến đò qua lại. Người dân Cồn Hến gánh các sản vật từ rau trái, món ăn, hàng hóa qua buôn bán ở chợ Cồn trên đường Chi Lăng bên này sông cứ túc tắc, thong thả từng chuyến một. Nhiều chuyến đò chỉ chở một người cùng một gánh hàng làm tôi nhớ câu nói của người xưa là “năng chuyến thì hơn đầy đò”.
Theo lời của một mệ bán hàng gia vị đã gắn bó với chợ Cồn lâu năm thì chợ vốn có tên đầy đủ là chợ Đò Cồn đặt tên theo chuyến đò qua Cồn Hến, bởi hàng hóa của chợ chủ yếu được cung cấp từ những chuyến đò này. Qua thời gian, người ta gọi tên chợ rút gọn là chợ Cồn mà bỏ đi chữ “Đò” thành ra lại sai ý nghĩa cái tên ban đầu của ngôi chợ...
Ngay ở bến đò Cồn có quán cà phê tên là “Đò Cồn”, mà ngồi nhâm nhi ly cà phê dưới tán cây sung của quán, khách có thể nhìn những chuyến đò qua về trên sông chậm rãi. Thật thú vị khi con đường mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ven sông Hương có điểm đầu là phố Đông Ba - Gia Hội để ai đó có dịp đặt chân lên con đường này sẽ được cái cảm giác của phố xá Huế: “Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em” và điểm cuối con đường chính là bến đò Cồn này với chuyến đò ngang gợi bao nhớ nhung nguồn cội: “Em đi qua chuyến đò lắng nghe con sông nằm kể...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.