Đó là cảm giác thật thú vị mà những đứa trẻ nông thôn nghèo như chúng tôi hằng mong chờ mỗi khi mẹ đi chợ về. Sự háo hức chờ đợi ấy còn là sự háo hức đón nhận tình yêu thương. Nghe tiếng dép của mẹ và đôi quang gánh kêu kẽo kẹt nhìn ra xa thấy mẹ, chị em tôi vui mừng biết bao rồi kêu lên “A! Mẹ về, mẹ mua quà gì cho chúng con không?”. Không đợi mẹ trả lời, chị em tôi lục tìm trong thúng thấy 5 cái bánh gai được bọc trong lá chuối khô. Thường thì mẹ chỉ mua ngoài chợ ở quê tôi là kẹo cau, bánh lỗ tai, nhưng không biết sao hôm đó mẹ lại có bánh gai. Hỏi thì mẹ nói “hôm nay gặp một người bạn gốc Thanh Hóa về thăm quê, nên tặng mẹ mấy cái bánh làm quà cho cháu. Nghe nói bánh này ngon lắm ăn cho biết”.
5 cái bánh gai ấy, mẹ chia cho chị em chúng tôi mỗi người 2 cái, còn một cái của mẹ. Chúng tôi đón nhận quà như đón nhận một thứ gì đó mà chúng tôi háo hức từ rất lâu. Chỉ có vậy thôi, những món quà quê mẹ đã ban cho chúng tôi tuy đơn sơ, giản dị và ít ỏi về vật chất nhưng chứa đựng trong đó là cả tình yêu thương của mẹ dành cho chúng tôi. Ánh mắt mẹ cũng rạng rỡ niềm vui. Chỉ thế thôi khiến tôi nhận ra rằng hạnh phúc đôi khi thật giản đơn không đơn thuần chỉ là những món quà đắt tiền, to tát mà hạnh phúc là từ sự thương yêu, ấm áp mà mẹ dành cho con.
|
Quà của mẹ lần đó là 5 cái bánh gai Thanh Hóa, nghe mùi thơm của bánh, vị ngọt của mật mía làm nức mũi chúng tôi. Màu đen bóng của lá gai, vị thơm của dầu chuối, dẻo của gạo nếp, vị ngọt của mật mía, vị bùi bùi của đậu xanh, mùi thơm thoảng của vừng quyến rũ người thưởng thức bởi cả sắc, hương, vị khiến thôi thúc người ăn tiếp tục mở những chiếc bánh khác. Hương vị hấp dẫn làm chúng tôi không thể nào quên được vì nó ngon, nó thấm thía, ăn như thể "ngậm mà nghe". Vị bánh ngọt lịm cả tuổi thơ để khi lớn lên vẫn không quên hương vị bánh ấy. Mỗi lần ăn bánh gai Thanh Hóa là ký ức tuổi thơ lại ùa về. Nhớ cái ngày nghèo khó cùng những chiếc bánh gai Thanh Hóa mẹ chia cho hai chị em chụm đầu ăn ngon lành. Hình ảnh ấy trở thành miền ký ức trong sáng, đẹp đẽ và ấm áp của tuổi thơ. Món quà quê dân dã, mộc mạc ấy sẽ lưu mãi trong tiềm thức chị em chúng tôi.
Sau này trưởng thành mỗi lần có dịp ra Thanh Hóa hoặc có người quen ngoài đó tôi đều mua bánh gai Thanh Hóa về làm quà. Những lúc ngồi với bạn bè tâm giao nói chuyện, hàn huyên thưởng thức bên tách trà nóng, ăn một miếng bánh gai Thanh Hóa, bánh tan mịn trong miệng với hương vị ngọt đậm đà thì thật còn gì bằng. Bánh gai Thanh Hóa không thể ăn vội vàng mà chỉ có thể chầm chậm cho từng miếng mỏng lên miệng, để vị ngọt thơm tan dần nơi đầu lưỡi mới có thể cảm nhận hết sự tinh tế.
Theo tìm hiểu tôi được biết món bánh nổi tiếng của người Thanh Hóa có lịch sử gần hai thế kỷ. Theo người dân làng Mía (xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), một làng cổ tồn tại hàng nghìn năm bên bờ sông Chu - nghề làm bánh gai nơi đây có nguồn gốc từ thế kỷ 15, thời Hậu Lê. Thời đó, bánh gai làng Mía là sản vật chỉ được dùng tiến vua Lê và trong các dịp giỗ anh hùng Lê Lai, Lê Lợi, tết, đình đám quan trọng của quốc gia, vì vậy bánh gai nơi này còn có tên gọi khác là bánh tiến vua. Bánh gai thì có rất nhiều làng quê trong tỉnh Thanh Hóa, trong nước làm nhưng để có được bánh gai như ở Tứ Trụ (xã Thọ Diên) thì chưa hẳn đã có nơi nào bằng. Cái tên bánh gai Tứ Trụ cho đến nay vẫn là thương hiệu riêng của Thanh Hóa để phân biệt với các loại bánh gai ở các tỉnh khác. Ai đã một lần có dịp thưởng thức bánh gai tiến vua của làng Mía thì không thể quên được hương vị thơm ngon đặc biệt của món ăn đậm chất dân dã này.
|
Bình luận (0)