Bùi ngùi hương bồ kết

17/08/2020 08:00 GMT+7

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê miền Nam, từ nhỏ tôi đã ưa thích mùi hương bồ kết thoang thoảng trên mái tóc dài thẳng mượt của bà ngoại, mẹ và chị tôi mỗi khi gội đầu và hong tóc bay bay trước gió.

Thế nên trong một lần lãng du ra “khúc ruột miền Trung”, có dịp ghé Đô Lương (Nghệ An) viếng thăm khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn - với chiến thắng được tôn vinh là “Huyền thoại trong cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX”, tôi vô cùng xúc động khi nhìn thấy trên ngôi mộ chung của 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh trong trận ném bom ác liệt cuối cùng vào sáng ngày 31.10.1968 (chỉ cách 18 giờ trước khi lệnh ngừng ném bom có hiệu lực thi hành) ngoài gương, lược, phấn son còn có mấy chùm bồ kết.
Thấy vẻ mặt ngỡ ngàng của tôi khi nhìn các lễ vật được bày cúng, một cụ bà đang thì thầm khấn vái kề bên liền lên tiếng: “Các o còn trẻ lắm. Thời đó, ngay cả đồ dùng vệ sinh của phụ nữ còn dùng chung thì lấy đâu ra son phấn. Sau mỗi trận bom, mặt o nào o nấy đen nhẻm, lấm lem khói bụi và đất đá. Ấy vậy mà các o cứ cười. Sau mỗi trận bom, có o còn chui vào nhà tui, lục cơm nguội để ăn”.
Tôi không những cảm kích trước sự gan góc, thầm lặng hy sinh cả những lợi ích tối thiểu nhất của những cô gái miền Trung trong “tiểu đội thép” XK 300 đã kiên cường chiến đấu suốt 100 ngày đêm để bảo đảm mạch máu giao thông tại “yết hầu” của một tuyến lửa mà không quân Mỹ ném tập trung và liên tục đủ loại bom từ napal, từ trường, bom hẹn giờ gắn bộ phận chống tháo gỡ ngòi nổ… cho đến cây nhiệt đới - một thiết bị điện tử dò tiếng động cơ giới để phát hiện và báo địa điểm có xe vận tải đang di chuyển cho máy bay phản lực ném bom; mà còn vô cùng cảm phục cụ bà không chịu nêu tên đã bám trụ ở dốc Kỳ Lợn đoạn cuối Truông Bồn suốt thời chiến tranh cho đến tận hôm nay, để thổ lộ cho tôi một câu chuyện thật bình dị đời thường của những người phụ nữ miền Trung trong thời khói lửa; mà với tôi nó thật lớn lao, ấn tượng. Điều làm cho tôi thêm bùi ngùi là các vườn cây trong khu di tích Truông Bồn được trồng rất nhiều cây bồ kết.

Tưởng niệm trước mộ bia 10 cô gái TNXP Đồng Lộc

Ảnh: Bùi Thuận

Nhìn những cây bồ kết to lớn có bảng ghi tên, chức vụ người trồng tặng hẳn hoi, tôi chợt nhớ đến hai cây bồ kết được Anh hùng - đại tá Nguyễn Tiến Tuẩn, nguyên Giám đốc Công an Hà Tĩnh trồng bên cạnh mộ 10 liệt nữ thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc. Vốn là cảnh sát giao thông thời chống Mỹ trên đường 15 (Ngã ba Đồng Lộc là giao điểm của đường 15 nối quốc lộ 1 thông đến phà Bến Thủy và cách Truông Bồn vài mươi cây số); vị đại tá công an này phải tìm tận từ Hương Sơn 2 cây bồ kết về trồng sau khi đọc được bài thơ "Lời thỉnh cầu ở Ngã ba Đồng Lộc" của nhà thơ Vương Trọng. Trong đó có những câu “Ngày bom vùi tóc tai bết đất/ Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được/ Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/ Cho mọc dậy vài cây bồ kết/ Hương chia đều trong hư ảo khói nhang”…
Tôi đã rưng rưng xúc động khi đến thăm Nghĩa trang 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc - nơi những nam nữ thanh niên xung phong Hà Tĩnh cống hiến tuổi thanh xuân của mình tại “túi bom khổng lồ nhất hành tinh” (các nhà quân sự tính ra mỗi mét vuông ở Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh phải chịu đến 3 quả bom của không quân Mỹ), được biết thêm rằng, như nhà thơ Vương Trọng viết: tất cả đều “chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu”, và kể: “Bữa ăn cuối cùng, mười chị em không có gạo/ Nắm mì luộc chia nhau rồi vác cuốc ra đường”…
Nhớ miền Trung, tôi thương vô cùng mùi hương bồ kết cùng những tấm gương thầm lặng hy sinh của biết bao cô gái trong lứa tuổi thanh xuân đã cống hiến cuộc đời mình tại “tọa độ lửa” Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.