Từ năm 1979-1980, người dân nhiều nơi bắt đầu đổ xô đến núi Cấm - An Giang đốt rừng làm rẫy. Cảnh hoang sơ của “nóc nhà miền Tây” dần lùi xa nhưng cây cối cũng bị tàn phá nặng nề, không còn khả năng tích nước, giữ đất, môi trường bị ảnh hưởng nên đã gây ra nhiều trận sạt lở núi kinh hoàng, mới đây nhất là vụ đá lăn ngày 5-5 làm chết 6 người.
300 phụ nữ chạy xe ôm
Trong cảnh sống khắc nghiệt ấy, nhiều người đã phải chấp nhận cuốn gói trở về quê cũ tìm kế khác sinh nhai. Vậy mà không ít phụ nữ chân yếu, tay mềm vẫn quyết tâm bám trụ lại núi Cấm để sinh sống bằng nghề gánh trái cây, rau củ thuê cho các chủ vườn.
Đến năm 2007, con đường lên núi Cấm dài hơn 8 km được khơi thông để phục vụ du lịch cũng giúp các chủ vườn bớt chi phí thuê người gánh hàng. Từ đó, nhiều phụ nữ rơi vào cảnh thất nghiệp, phải chuyển đổi nghề và chấp nhận làm những công việc lắm gian nan.
Từ ngày con đường chính dẫn lên khu vực trung tâm du lịch trên đỉnh núi Cấm được tráng nhựa phẳng phiu, lưu thông rất tiện lợi. Thế nhưng, việc vận chuyển khách theo tuyến đường này chủ yếu do cánh đàn ông đảm nhận, còn phụ nữ lại phải chạy xe ôm ở những nơi được coi là nguy hiểm nhất.
Lần đầu tiên được một phụ nữ chở đi tham quan chùa Phật Nhỏ, chùa Cao Đài, điện Bồ Hong, điện Cha, điện 13, điện Chư Thần… trên núi Cấm, qua các ngõ ngách nhỏ hẹp và đầy hiểm trở, tôi có một cảm giác đầy mạo hiểm như… lên trời. Nhiều chỗ mặt đường gồ ghề, lởm chởm đá. Vào mùa mưa, những con đường này rất trơn trượt, chỉ cần sơ suất là có thể té ngã. Thế nhưng, mỗi lượt chở khách, các chị chỉ nhận được 15.000-20.000 đồng.
Chị Nguyễn Thị Minh Thanh, ngụ xã An Hảo, huyện Tịnh Biên - An Giang, cho biết nhiều phụ nữ trước đây làm nghề gánh thuê, mua bán lặt vặt hoặc làm rẫy nhưng giờ đã chuyển sang chạy xe ôm kiếm sống. “Lúc tụi tôi mới ra chạy xe, khách thấy đàn bà nên không dám đi, sợ đường lên núi hiểm trở dễ gặp nạn. Tụi tôi cũng rất lo lắng, nếu không có khách thì chẳng biết kiếm đâu ra tiền sinh sống, còn có khách rồi thì lại phập phồng lo chạy xe sao cho an toàn tuyệt đối. Để xảy ra sự cố gây thương tích cho khách thì coi như đám phụ nữ chạy xe ôm ở đây bị mất lòng tin, thất nghiệp như chơi” - chị Thanh thổ lộ.
Do lo sợ nên khi mới vào nghề, nhiều chị chạy xe chở khách rất vất vả, lúc nào cũng cố ghì tay lái cho thật chắc rồi đưa cả 2 chân rà sát xuống mặt đường để giữ thăng bằng. “Một ngày chỉ cần chở 2 lượt khách là đêm về mình mẩy ê ẩm, chân tay mỏi nhừ. Đã vậy, do luôn chở nặng lên xuống núi cao nên khoảng nửa tháng, tụi tôi phải mang xe đến tiệm sửa, tốn kém hàng trăm ngàn đồng.
Tuy nhiên, sau nhiều năm rèn luyện, đến nay, tụi tôi đã chạy xe vững vàng. Đội xe ôm nữ ở núi Cấm chưa để xảy ra bất cứ tai nạn nào hay làm phiền lòng ai. Nhờ vậy mà du khách rất tin tưởng, số người chọn xe ôm nữ chở đi tham quan ngày càng đông” - chị Thanh hào hứng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên núi Cấm hiện có khoảng 300 phụ nữ sống bằng nghề chạy xe ôm. Vào những ngày cao điểm, hầu như không chị nào có thời gian ở nhà mà phải túc trực để đón chở khách, trung bình mỗi ngày kiếm được 200.000 - 300.000 đồng/người. Tháng 4 âm lịch có lễ vía Bà Chúa Xứ ở núi Sam, nhiều du khách đến đây hành hương đã đổ sang núi Cấm. “Chỉ cần một tháng này thôi, nếu chịu khó chạy xe, mỗi người có thể kiếm được cả chục triệu đồng” - nữ xe ôm Lê Thị Thắm khoe.
Tuy nhiên, khi nhắc đến vụ sạt lở đá làm tắc đường chính lên núi Cấm mới đây, chị Thắm trở nên rầu rĩ: “Nhiều ngày nay, khách lên núi Cấm chủ yếu theo đường mòn suối Thanh Long hoặc chùa Phật Nhỏ nhưng rất ít. Vả lại, do bị ám ảnh vụ đá lăn đè chết 6 người dưới dốc Bốn Ngàn nên giờ có mời chở đi tham quan miễn phí, nhiều du khách chưa chắc dám đi. Một số chị em chạy xe ôm nay gặp cảnh túng thiếu, phải lên vườn tìm mót trái dâu, chuối rồi gánh xuống núi để đổi gạo”.
Tấm gương chịu thương chịu khó
Ở núi Cấm, bà Nguyễn Thị Bích Thủy (46 tuổi, ngụ ấp Vồ Đầu, xã An Hảo) được nhiều người xem như tấm gương về sự chịu thương chịu khó. Bà Thủy cho biết do gia đình quá khốn khó, khi mới 15 tuổi, bà rời bỏ quê hương ở Châu Thành - Long An để lên núi Cấm mưu sinh. Giữ trẻ, giúp việc nhà cho người ta được 5 năm, bà được gia đình gọi về quê để gả chồng.
“Sau khi sinh được 3 con, cuộc sống của gia đình tôi luôn chật vật. Phần vì nhớ núi Cấm da diết, phần vì tuy nơi này còn khó khăn nhưng nếu chịu khó vẫn dễ kiếm việc làm ra tiền hơn ở quê nhà, năm 1990, tôi vận động chồng dắt díu 3 con nhỏ trở lại đây lập nghiệp. Ban đầu, vợ chồng tôi ai cũng hăm hở lên núi Cấm tìm kế sinh sống. Thế nhưng, chưa đầy 5 tháng sau, chồng tôi bảo không chịu nổi cảnh sống khắc nghiệt ở đây nữa nên bàn chuyện dẫn vợ con về quê. Tôi phải chấp nhận chia tay chồng vì thấy không hợp với mẫu người đàn ông thiếu tính nhẫn nại” - bà Thủy tâm sự.
Nhìn thấy được những bộn bề khó khăn phía trước, từ ngày chồng bỏ đi, bà Thủy ra sức làm mọi việc chỉ với mong ước có đủ tiền nuôi con. Bất kể ngày đêm, cứ có ai gọi làm việc gì là bà nhận lời đến làm ngay. Hằng ngày, bà gửi 2 đứa lớn cho một người quen, còn đứa con út thì đem theo khi làm cỏ vườn, trồng củ kiệu, trồng su mướn... “Đến mùa thu hoạch nông sản, tôi làm cái gùi cõng con phía sau lưng, còn đôi vai để gánh hàng thuê xuống núi. Mỗi lượt gánh hàng vất vả như thế nhưng số tiền công mà tôi nhận được chỉ 10.000 đồng” - bà Thủy nhớ lại.
|
Sau nhiều năm vất vả, bà Thủy đã tích góp mua được 12 công đất lâm nghiệp với giá gần 2 chỉ vàng để trồng su, măng tre và một số cây ăn trái. Thế nhưng, việc làm rẫy luôn đối mặt với tình trạng thiếu nước, còn trái cây ra bao nhiêu là bị nạn sâu, sóc cắn phá. Nhờ chịu khó chăm sóc nên sau nhiều mùa thu hoạch, bà đã sắm được máy bơm dẫn nước lên tận khu vườn. Vì thế, vườn cây, nương rẫy của bà ngày càng xanh tốt và cho năng suất cao hơn.
“Ước mong của tôi lúc này là có được một căn nhà để ở cho đàng hoàng rồi sau đó mới tính đến chuyện làm ăn lớn hơn. Nghĩ là làm, từ năm 1997, một mình tôi mang theo cuốc, xà beng leo lên quả đồi ở phần đất nhà rồi tự tay nạy từng tảng đá lớn làm nền. Nền nhà ngang 19 m, dài 26 m mà tôi mất đến 5 năm làm ròng rã mới hoàn thành. Mấy ngày đầu vất vả lắm, tay chân đều bị trầy trụa rướm máu, tối về uể oải cả người nhưng tôi cũng phải cố làm chứ có ai giúp mình đâu” - bà kể.
Bà Thủy còn cùng con trai lớn đi dọc các con suối để đãi cát mang về làm nhà. “Nhiều bữa trời lạnh căm căm mà mẹ con tôi phải trầm mình dưới lòng suối để đãi cát. Tôi còn đi mót từng viên đá vụn mang về để dành đổ bê tông” - bà cho biết. Cứ thế, tích cóp từng mẻ cát, mớ đá vụn, bao xi măng… đến khi đã đủ vật liệu, bà thuê thợ xây một căn nhà và 15 phòng trọ.
“Nhà trọ của tôi có lợi thế là nằm sâu trong rừng nên rất thoáng mát và rẻ tiền. Nếu không có chuyện đường lên núi bị tắc thì vào thời điểm này, các phòng trọ đều kín khách. Tôi mong con đường sớm được khơi thông để người dân núi Cấm làm ăn, sinh sống” - bà Thủy kỳ vọng.
Đáng nể! Ông Nguyễn Văn Ban, Trưởng Ban Quản tự Thiền viện chùa Phật Lớn, cho biết ông cũng là người từ nơi xa lên núi Cấm lập nghiệp từ năm 1982. Nhận xét về chuyện nhọc nhằn mưu sinh của những phụ nữ trên ngọn núi này, ông Ban tỏ ra cảm phục: “Trước đây, rất nhiều người không chịu nổi cảnh khó khăn nên quyết định bỏ núi Cấm mà đi, vậy mà có những phụ nữ bám trụ lại được thì quả là một điều đáng nể!”. Theo ông Ban, lúc mới lên núi Cấm, dù rất khỏe nhưng đôi lúc ông cũng định dẫn vợ con xuống núi về quê ở Long An để sinh sống vì không chịu nổi sự khắc nghiệt ở đây. “Từ đó mới thấy phần lớn phụ nữ sống được ở núi Cấm đều là những người rất đảm đang và chịu đựng gian khổ rất giỏi” - ông nhìn nhận. |
Theo Thốt Nốt / Người Lao Động
Bình luận (0)