Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 5: Nuôi cá xứ lạnh

01/12/2012 00:40 GMT+7

Cá hồi, cá tầm có xuất xứ từ châu u được nuôi thành công ở vùng núi Cư Yang Sin, mở ra hướng làm giàu mới cho nông dân trên cao nguyên.

Cá hồi, cá tầm có xuất xứ từ châu u được nuôi thành công ở vùng núi Cư Yang Sin, mở ra hướng làm giàu mới cho nông dân trên cao nguyên.

Thành công nhờ... liều

Trên công trình thủy lợi Hố Kè ở xã Hòa Lễ, H.Krông Bông (Đắk Lắk), có bè cá lồng trông khá khiêm tốn ở một góc hồ. Một nhân viên chăm sóc bè cá cười hóm hỉnh, bảo: “Bè tuy nhỏ nhưng hơn cả giỏ tiền đó!”. Quả thật, kéo thử từng ô lưới mới thấy hàng ngàn con cá tầm Nga và Beluga hơn một năm tuổi, mỗi con nặng chừng 2-3 kg. Với giá bán từ 250.000 - 280.000 đồng/kg, bè cá tầm này có giá trị tiền tỉ.

 Nuôi cá tầm ở Đắk Lắk
Anh Lê Xuân Hùng (trái) đã nuôi thử nghiệm thành công loài cá tầm ở Đắk Lắk - Ảnh: T.N.Q

Chủ nhân của bè cá, anh Lê Xuân Hùng, 41 tuổi, cũng là người khởi xướng nuôi cá tầm ở hồ Hố Kè kể, cách đây hơn 3 năm, trong chuyến hái song mây trên đỉnh Yang Hanh cao hơn 1.000 m thuộc dãy Cư Yang Sin, tình cờ gặp dòng suối mát lạnh giữa rừng già, anh nảy sinh ý tưởng nuôi cá nước lạnh trên các hồ bậc thang theo con suối này. Trở về nhà ở Buôn Ma Thuột, vay mượn bạn bè, dốc tiền dành dụm của vợ chồng được vài chục triệu đồng, anh lặn lội đi gây dựng trang trại cá hồi từ đó. Ai cũng bảo anh quá phiêu lưu mới bỏ việc ở thành phố để lên núi làm “ngư nghiệp”.

 
Văn phòng giao dịch của Công ty cổ phần Yang Hanh tại số nhà 56, thôn 1, xã Hòa Lễ, H.Krông Bông, Đắk Lắk; điện thoại: 0914092929.

Với nguồn nước luôn thấp hơn 20 độ C và hoàn toàn cách ly môi trường ô nhiễm bên ngoài của đỉnh Yang Hanh giúp cá hồi sinh trưởng tốt. Đầu năm 2010, chỉ sau 7 tháng nuôi, những mẻ cá hồi đầu tiên được thu hoạch. Sang năm 2011, anh Hùng mở rộng quy mô nuôi, thu vài chục tấn cá hồi đặc sản, cùng vài tạ cá tầm thử nghiệm. Hùng đứng ra lập Công ty cổ phần Yang Hanh, chuyên sản xuất, cung cấp cá hồi, cá tầm thương phẩm.

Xây dựng thương hiệu cá tầm Yang Hanh

Theo anh Hùng, dòng cá tầm châu u thích nghi với biên độ nhiệt rộng, có thể nuôi ở nơi có độ cao thấp, nhiệt độ nước cao hơn so với nuôi cá hồi, nhưng điều kiện tiên quyết vẫn là nguồn nước phải sạch. Thế là từ đỉnh Yang Hanh quanh năm mát mẻ, cá tầm được đưa về nuôi thành công theo quy mô công nghiệp ở hồ Hố Kè, nơi có nhiệt độ nước cao hơn 20 độ C.

"Cá tầm không khó nuôi như nhiều người nghĩ. Ở vùng Krông Bông, khá nhiều hồ, ao có nguồn sinh thủy trong sạch tương tự Hố Kè, hoặc ở ven suối dưới chân núi Cư Yang Sin đều có điều kiện nuôi được cá tầm. Ngoài thức ăn công nghiệp chuyên dùng cho cá nước lạnh, bí quyết nuôi cá mau lớn, thịt ngon còn là sử dụng thức ăn chế biến tươi từ nguồn cá tạp đánh bắt trong tự nhiên" - anh Hùng nói.

Với anh, trăn trở nhất không còn là làm giàu từ nuôi cá tầm mà phải tiến xa hơn với việc nuôi cho cá đẻ trứng, ấp nở cá bột tại chỗ. Hiện cá giống của Công ty Yang Hanh phải nhập tới 70.000 đồng/con nên giá thành cá nuôi cao. Anh Hùng đang cùng một số kỹ sư thủy sản nghiên cứu tài liệu kỹ thuật, tìm hiểu tập tính cá tầm để có thể cho ấp trứng ra cá bột giống, hạ giá thành sản phẩm. Anh cho rằng: “Nếu sản xuất được cá giống trên vùng sông nước cao nguyên này thì đây sẽ là thành công mang nhiều ý nghĩa khoa học và thương mại, nhân rộng mô hình nuôi cá nước lạnh”.

Hùng bộc bạch, sang năm 2013 anh sẽ tăng số bè nuôi, nâng sản lượng cá tầm lên nhiều lần so với hiện nay. Hiện anh đang tiến hành làm thủ tục công nhận thương hiệu cá hồi, cá tầm Yang Hanh để định vị vững chắc sản phẩm này trên thị trường, giúp người tiêu dùng phân biệt với loại cá ngoại nhập.

Trần Ngọc Quyền

>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 2: Nuôi chồn hương
>> Mưu sinh đêm
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 3: Làm giàu nhờ vỏ trấu
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 4: Nuôi chim trĩ
>> Mưu sinh mùa rau mứt biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.