|
Là con út trong một gia đình thuần nông có 5 anh em, việc học hành của Hải dở dang khi bước sang năm học lớp 11. Chán cảnh ăn bám cha mẹ già, Hải vào nam làm nghề lái xe. Đất khách không cho anh bạc tiền nhưng lại giúp anh gặp người bạn đời, năm 1996, vợ chồng anh dắt díu nhau về quê. “Hồi mới về, tiền không có lại chẳng nhờ cậy được ai nên hễ việc gì kiếm ra tiền để nuôi được vợ con mà không phạm pháp là tôi làm thôi”, Hải nói.
Từ năm 1996 đến 2006, Hải làm đủ thứ việc. Đầu tiên, anh mở đại lý bán phân bón. Thấy không ăn thua, anh bỏ sang làm phụ hồ. Lúc bắt đầu quen việc, anh đứng ra nhận thầu luôn một vài công trình lặt vặt. Việc xây dựng gặp khó, Hải lại bỏ vốn mua chiếc xe công nông để chở hàng thuê. Xe pháo chán chê, anh tiếp tục dấn thân vào một lĩnh vực mới là thu mua gỗ tràm. Khoảng năm 2007, Hải thấy những lò nung vôi thủ công trên địa bàn tỉnh Quảng Trị rơi rụng dần vì vướng phải vấn đề môi trường. “Còn sản xuất nông nghiệp là còn cần đến vôi. Nếu không có cái thứ này, làm sao nông dân trồng lúa, trồng lạc, trồng cao su rồi nuôi tôm nuôi cá”, anh suy nghĩ. Biết không thể làm thủ công theo cách cũ phát sinh khói bụi và mùi hôi, năm 2008, Hải lặn lội ra bắc mấy tháng trời để “tầm sư học đạo”. Anh đã đến Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam để tìm hiểu cách nung vôi của người dân ở đây và “kết” ngay công nghệ lò nung không khói, đốt liên hoàn của những người làm vôi ở Hà Nam.
Trở về quê, Hải mày mò lập dự án, trình chính quyền xin giấy phép hoạt động. Xong thủ tục, anh thuê thợ từ Hà Nam vào xây lò ở một khoảnh đất nhỏ giữa đồng. “Vét sạch vốn liếng và vay mượn khắp nơi được gần 300 triệu đồng và đổ hết vào đây. Hơi run nhưng tôi nghĩ dù có làm nghề gì thì cũng cần quyết đoán, huống hồ đây là cái nghề mình thích”, Hải nói. Phần vì ít vốn, phần vì chưa có kinh nghiệm nên trong năm đầu tiên, Hải lỗ nặng nề, vôi thì lúc sống lúc cháy nhưng Hải vẫn cứ cắn răng làm. Lần hồi rồi anh cũng cho ra được những mẻ vôi đạt chất lượng. Anh đã chủ động liên hệ lấy nguyên liệu đá vôi từ mỏ đá Tân Lâm (H.Cam Lộ) hoặc ở Quảng Bình với giá hơn 200.000 đồng/khối, than đá đốt lò loại tốt với mức 3.000 đồng/kg. Hiện mỗi tháng lò nung chừng 80 khối đá vôi cho ra 2 loại vôi dùng trong nuôi trồng thủy sản (giá 1.500 đồng/kg) và trồng trọt (giá 1.000 đồng/kg). Riêng vôi dùng cho xây dựng, có mối đặt anh mới làm. Mỗi năm Hải chỉ nung vôi 8 tháng, thời gian còn lại anh dành để bảo dưỡng lò. “Đầu ra của sản phẩm khá dễ vì có thể thông qua các hợp tác xã, các đại lý để đến với nông dân. Bước đầu họ đánh giá sản phẩm của tôi khá tốt so với vôi lấy từ nơi khác về nên cũng đã có nhiều bạn hàng tìm đến đặt vấn đề trực tiếp”, anh Hải tự hào.
Dẫn tôi ra tham quan lò nung, Hải giới thiệu rằng lò có 3 vùng là sấy, nung và làm nguội. Thân lò có 3 lớp gạch chịu nhiệt, đất nện và bê tông. Thật kỳ lạ là dù nhìn từ bên ngoài hay đi vào trong, chúng tôi cũng không cảm thấy lò nung đang hoạt động. Chẳng thấy chút khói hay chút nhiệt nào. Hải cười xòa nói: “Nhìn thế thôi chứ trong lò lúc này nhiệt độ trên 1.000 độ C đó. Lò của tôi phải cháy liên tục không được tắt vì mỗi lần nhen lửa đốt lò rất tốt kém và mất thời gian”. Hải tâm sự rằng đây không phải là nghề cho lợi nhuận “khủng” nhưng lại bền vững. Cứ tích tiểu thành đại, trung bình mỗi năm sau khi trừ hết chi phí anh lãi ròng chừng hơn trăm triệu đồng.
Hải nhắn nhủ: “Không riêng gì nghề này mà với tất cả mọi nghề, người làm phải có đam mê, phải trải nghiệm để tích lũy vì may mắn, thành công sẽ không đến với tay mơ”.
Nguyễn Phúc
Lò nung vôi không khói của anh Nguyễn Trường Hải ở xã Vĩnh Hòa, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị.
ĐT: 0913510757.
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 2: Nuôi chồn hương
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 3: Làm giàu nhờ vỏ trấu
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 4: Nuôi chim trĩ
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 5: Nuôi cá xứ lạnh
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 6: Làm đồ ăn chay
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 7: "Vua" đặc sản từ 8,5 triệu đồng
Bình luận (0)